Thị trường

Tổng cục Thống kê nói gì về nhận định CPI chưa phản ánh đúng thực tế?

06/07/2022, 19:00

Lạm phát 6 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều người nghi vấn con số này chưa phản ánh hết "sức nóng" hàng hóa.

Biên soạn CPI theo đúng quốc tế

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, hiện nay, phương pháp biên soạn CPI (chỉ số giá tiêu dùng) của Tổng cục Thống kê được thực hiện theo đúng hướng dẫn của quốc tế.

Để tính CPI, theo bà Oanh, hằng tháng, 63 địa phương tổ chức thu thập giá 752 mặt hàng thuộc Danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện theo 3 kỳ tại 40.000 điểm điều tra.

“Do đó, số liệu CPI của Tổng cục Thống kê phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực”, bà Oanh khẳng định.

img

Chỉ số CPI được thu thập từ giá của 752 mặt hàng, từ các chợ của 63 địa phương

Bà Oanh cũng nhấn mạnh, sau khi thu thập giá từ địa phương, nếu thấy có những số liệu bất thường, người làm chuyên môn sẽ phải hỏi lại địa phương để cập nhập chính xác.

Đơn cử, giá cả tại Hà Nội và TP. HCM tăng cao, nhưng tại Hà Giang lại không thay đổi. “Chúng tôi có hỏi tại sao có sự khác biệt này, cán bộ tỉnh Hà Giang trả lời, họ là khu vực miền núi, người dân chủ yếu sống tự cung tự cấp, họ trồng được lúa, trồng được rau, nuôi được gà...nên họ tự tiêu dùng. Nếu ở chợ tăng giá thì không ai mua cả”, bà Oanh nói và khẳng định “nếu không làm việc thống kê con số, thì với chỉ số trên nhiều người đặt câu hỏi là bình thường”.

CPI Việt Nam thấp, vì sao?

Hiện, lạm phát tại nhiều nước đã đạt mức kỷ lục trong tháng 5/2022, lạm phát của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 1981, lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 8,1%, gấp 4 lần lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Tại châu Á, bình quân 5 tháng đầu năm nay, lạm phát của Thái Lan tăng 5,2%; Hàn Quốc tăng 4,3%; Indonesia tăng 2,8%; Malaysia tăng 2,4% tương đương với Việt Nam...

Theo bà Oanh, có những nguyên nhân giúp CPI Việt Nam không tăng cao như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Đó là, danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện tính CPI của các quốc gia khác nhau do phụ thuộc vào tập quán tiêu dùng, đồng thời cơ cấu chi tiêu dùng của hộ gia đình cũng không đồng nhất.

Mặt khác, Mỹ và châu Âu chi tiêu dùng cho các nhóm nhà ở, điện, nước, khí đốt, giao thông, văn hóa, giải trí chiếm tỷ trọng lớn, trong khi Việt Nam chủ yếu chi tiêu dùng cho lương thực, thực phẩm (chiếm tỷ trọng 27,68%).

Ngoài ra, theo bà Oanh, xung đột giữa Nga và Ukraine cùng với các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước đối với Nga, nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất và xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai trên thế giới đã đẩy giá năng lượng toàn cầu lên cao.

Bên cạnh đó, Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón và lúa mì quan trọng, tình trạng thiếu hụt hai mặt hàng này làm tăng giá lương thực toàn cầu và gây áp lực lạm phát thêm trầm trọng.

Tỷ trọng tiêu dùng lúa mỳ và ngũ cốc ở Mỹ và các nước phương Tây lớn nên khi giá các mặt hàng này tăng cao thì tỷ lệ lạm phát cao hơn Việt Nam.

Ngược lại, Việt Nam là quốc gia có nguồn cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm dồi đào, bên cạnh việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân còn xuất khẩu ra thế giới nên giá cả khá ổn định.

Giá các mặt hàng thực phẩm 6 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 20,12%; giá nội tạng động vật giảm 9,52%; giá thịt chế biến giảm 3,89%.

“Giá thịt lợn giảm sâu chủ yếu do Việt Nam đã sản xuất được vaccine dịch tả lợn châu Phi, nên chủ động trong phòng ngừa dịch khiến nguồn cung đảm bảo, trong khi giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao làm cho các hộ chăn nuôi phải bán sớm cắt lỗ.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ giáo dục giảm 3,56% do một số tỉnh, thành miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022, làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm”, bà Oanh lý giải.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, cũng là điểm nhấn mà theo bà Oanh đã giúp kìm chỉ số CPI nước ta.

Cẩn trọng những tháng cuối năm

Dù vậy, bà Oanh cho rằng, áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm là rất lớn.

Bởi lẽ, giá lương thực, thực phẩm cũng có khả năng tăng trong các tháng cuối năm, nhất là khi dịch đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra.

“Chúng ta có lợi thế là chủ động, nhưng cũng sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng khi thế giới đang có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng lương thực toàn cầu.

img

Giá thịt lợn đang có xu hướng tăng, lo tác động mạnh tới lạm phát những tháng cuối năm

Trong khi, nhóm này có quyền số khá cao, gần 28% trong rổ hàng hóa tính CPI, do đó biến động giá của nhóm hàng này sẽ có tác động mạnh tới lạm phát của nền kinh tế. Đặc biệt, trong đó nhóm hàng thịt lợn đang có xu hướng tăng giá trở lại”, Vụ trưởng Vụ Thống kê phân tích.

Hơn nữa, việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế theo đúng lộ trình của Nhà nước, việc tăng lương từ 1/7/2022, theo bà Oanh, cũng sẽ có tác động làm tăng CPI.

Một nguyên nhân chính nhất bà Oanh muốn nhấn mạnh, đó là kinh tế trong nước đang trong giai đoạn phục hồi rõ nét, khả năng phục hồi mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm.

“Khi đó, cầu tiêu dùng trong dân sẽ tăng mạnh, từ đó sẽ đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao và tạo áp lực lên lạm phát”, bà Oanh nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.