Quân sự

Tổng thống Biden tuyên bố bảo vệ châu Âu là "nghĩa vụ thiêng liêng"

15/06/2021, 08:08

Tổng thống Mỹ đã củng cố lại niềm tin cho các nước trong NATO, đồng thời coi Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh với liên minh.

img

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong hội nghị thượng đỉnh NATO tại trụ sở của Liên minh, ở Brussels, Bỉ

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với các nhà lãnh đạo NATO rằng việc bảo vệ châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada là một "nghĩa vụ thiêng liêng" đối với Hoa Kỳ, một sự thay đổi rõ rệt so với lời đe dọa rút khỏi liên minh quân sự của người tiền nhiệm Donald Trump.

Đến Brussels từ hội nghị thượng đỉnh G7 cuối tuần ở Anh, ông Joe Biden một lần nữa tìm cách tập hợp các đồng minh phương Tây ủng hộ chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc, cũng như thể hiện sự đoàn kết chống lại Nga.

"Điều 5 là một nghĩa vụ thiêng liêng" Tổng thống Biden nói, ông đang đề cập đến cam kết phòng thủ tập thể của liên minh xuyên Đại Tây Dương. "Tôi muốn tất cả thế giới biết rằng Hoa Kỳ đang bảo vệ châu Âu".

Tổng thống Biden cho hay, "NATO cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi", ông đang tìm cách hàn gắn mối quan hệ sau khi cựu Tổng thống Trump từ chối liên minh vũ trang hạt nhân và gọi là các thành viên NATO là "du côn" trong 4 năm qua.

NATO sẽ lần đầu tiên coi Trung Quốc là một nguy cơ an ninh đối với liên minh phương Tây, một ngày sau khi Nhóm G7 ra tuyên bố về nhân quyền ở Trung Quốc và Đài Loan, điều mà Bắc Kinh cho rằng tổ chức này đã "vu khống danh tiếng" của họ.

NATO lần đầu tiên chính thức tố cáo hành vi của Trung Quốc là một "thách thức" trong tuyên bố cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh, theo một bản sao của tài liệu mà Reuters cung cấp.

Các nhà lãnh đạo NATO phát biểu trong một thông cáo với 79 điểm được công bố sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc: “Những tham vọng và hành vi quyết đoán của Trung Quốc đang đặt ra những thách thức có tính hệ thống đối với trật tự quốc tế, dựa trên luật lệ và các lĩnh vực liên quan đến an ninh của liên minh”.

Ông Biden cho biết cả Nga và Trung Quốc đều không hành động "theo cách phù hợp với những gì chúng tôi đã hy vọng", ám chỉ những nỗ lực của phương Tây kể từ giữa những năm 1990 nhằm đưa cả hai quốc gia vào nền dân chủ tự do.

Trong một dấu hiệu cho thấy lập trường chung đang nổi lên đối với Trung Quốc, Liên minh châu Âu đã gọi Bắc Kinh là một "đối thủ".

Mặc dù Moscow phủ nhận mọi hành vi, nhưng các nhà lãnh đạo NATO lo ngại về việc Nga tăng cường hoạt động quân sự gần đây ở gần Ukraine, cũng như các cuộc tấn công mạng và bí mật nhằm làm suy yếu các quốc gia phương Tây. Đồng thời, Trung Quốc không còn được coi là một đối tác thương mại lành mạnh.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc từ Baltics đến châu Phi. Ông nói: "Trung Quốc ngày càng đến gần liên minh. Chúng tôi thấy họ trong không gian mạng, chúng tôi thấy Trung Quốc ở châu Phi và chúng tôi cũng thấy Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng quan trọng của NATO".

Các quốc gia G7 họp tại Anh cuối tuần qua đã chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền ở khu vực Tân Cương, kêu gọi Hồng Kông giữ mức độ tự chủ cao và yêu cầu điều tra đầy đủ về nguồn gốc của Covid-19 ở Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc tại London cho biết họ kiên quyết phản đối việc đề cập đến Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan, những điều mà họ cho rằng đã bóp méo sự thật và phơi bày "ý đồ thâm độc của một số quốc gia như Hoa Kỳ".

Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, NATO đã hiện đại hóa hệ thống phòng thủ của mình, nhưng gần đây liên minh mới bắt đầu xem xét nghiêm túc hơn những mối đe dọa tiềm tàng từ tham vọng của Trung Quốc.

Từ các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các cảng châu Âu và kế hoạch thiết lập các căn cứ quân sự ở châu Phi đến các cuộc tập trận chung với Nga, NATO cho rằng sự trỗi dậy của Bắc Kinh cần phải có phản ứng mạnh mẽ đáp trả.

Tuy nhiên, một số nước trong Liên minh lưu tâm đến các liên kết kinh tế của họ với Trung Quốc. Tổng thương mại của Đức với Trung Quốc vào năm 2020 là hơn 212 tỷ euro theo số liệu của chính phủ Đức, đưa Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại hàng đầu về hàng hóa.

Theo dữ liệu của Mỹ, tổng lượng nắm giữ của Trung Quốc trong các kho bạc Mỹ tính đến tháng 3 năm 2021 là 1,1 nghìn tỷ USD và tổng kim ngạch thương mại của Mỹ với Trung Quốc vào năm 2020 là 559 tỷ USD.

Tổng thống Litva Gitanas Nauseda cho rằng Nga đang cố gắng "nuốt chửng" Belarus và NATO cần đoàn kết để răn đe Moscow. Ông Nauseda cũng cho biết các quốc gia Baltic sẽ kêu gọi bổ sung thêm lực lượng Mỹ trong khu vực của họ để răn đe Nga.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.