Hồ sơ tài liệu

Tổng thống Hàn Quốc: Nghề nguy hiểm

13/03/2017, 10:05

Cuối tuần qua, việc bà Park Geun-hye, nữ Tổng thống Hàn Quốc chính thức bị Tòa án Hiến pháp nước này phế truất...

10

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye

Cuối tuần qua, việc bà Park Geun-hye, nữ Tổng thống Hàn Quốc chính thức bị Tòa án Hiến pháp nước này phế truất quyền lực là một trong những sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế nói chung và Hàn Quốc nói riêng.

Nữ chính trị gia họ Park (con gái cố Tổng thống Park Chung Hee) người lên nắm quyền Tổng thống Hàn Quốc từ ngày 25/2/2013 đã buộc phải giã từ sự nghiệp sau đúng 4 năm cầm quyền.

Nữ Tổng thống bị đình chỉ chức vụ sau cuộc định tội của Quốc hội Hàn Quốc tổ chức ngày 9/12/2016 vì liên quan tới một người bạn thân vốn gây ra vụ bê bối tham nhũng, dính líu tới nhiều tập đoàn lớn ở Hàn Quốc.

Đối mặt với việc bị xử lý hình sự

Ông Kang Won-taek, một giáo sư chính trị học ở Đại học Seoul từng coi đây là một “cuộc cách mạng vinh quang” của Hàn Quốc cho rằng, sự thất bại của nguyên Tổng thống Park là thắng lợi của dân chúng, lực lượng đã cùng phe đối lập tạo ra áp lực cực lớn buộc chính quyền của bà Park phải tan rã.

Sau khi bị phế truất, tước bỏ mọi đặc quyền, bà Park Geun-hye cũng có khả năng sẽ phải đối mặt với việc bị xử lý hình sự nếu sự liên đới của bà được chứng minh là gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc đã bình luận rằng, dù là một Tổng thống đơn thân nhưng bà Park Geun-hye cũng không thoát khỏi số phận như nhiều Tổng thống Hàn Quốc khác.

Lịch sử chính trường Hàn Quốc cũng đã ghi nhận thực tế là từ trước đến nay, không có một Tổng thống nào ở xứ sở Kim chi đã “đi được đến đích trọn vẹn” và “được xã hội Hàn Quốc chấp nhận”.

Sẽ là không quá khi nói rằng, ở Hàn Quốc, làm Tổng thống là một nghề nguy hiểm và có độ rủi ro cao. Việc người thân hay bạn bè của Tổng thống cũng có nghĩa là “một chân lúc nào cũng có thể bước vào cánh cửa nhà tù”.

Ở bề ngoài, việc cựu Tổng thống Park bị luận tội, phế truất quyền lực có thể được nhìn nhận như là kết quả dân chủ và người dân Hàn Quốc trở thành người chiến thắng, nhưng nó cũng cho thấy, nền chính trị ở Hàn Quốc còn chưa tương thích thực sự với xã hội Hàn Quốc.

Từ khi thành lập Hàn Quốc đến nay, các đời Tổng thống ở quốc gia này đều rất khó tồn tại lâu, ngay cả khi nền chính trị đã thay đổi, mỗi vị Tổng thống đều không thể tránh khỏi tình cảnh bị cuốn vào khiếu kiện, tranh chấp tư pháp.

Đứt gãy giữa chính trị tài phiệt và tư pháp độc lập

Vì sao các đời Tổng thống Hàn Quốc lại luôn kết thúc trong thất bại? Theo các nhà nghiên cứu chính trị quốc tế, nguyên nhân căn bản nằm ở chỗ Tổng thống là nhân vật “nằm ngay ở tầng đứt gãy” giữa chính trị tài phiệt và tư pháp độc lập.

Hai loại quyền lực này làm cho bất cứ ai nắm cương vị Tổng thống đều có thể đứng trước nguy cơ bị dồn ép, đối diện với kiện cáo.

Cũng giống như ở một số nước, nếu muốn thắng cử, được bầu làm Tổng thống thì các chính trị gia phải giành được sự ủng hộ của các nhà tài phiệt lớn bên cạnh việc phải có quan hệ thân quen trong tầng lớp tinh hoa Hàn Quốc.

Thực tế là các tập đoàn tài phiệt lớn cũng luôn tìm người đại diện về chính trị, cuối cùng thâm nhập vào Phủ Tổng thống để tác động, ép buộc chính quyền đưa ra những chính sách có lợi cho sự tồn tại và phát triển của họ.

Trong trường hợp của chính quyền bà Park, bất kể bà Choi Soon-sil, bạn thân của cựu Tổng thống Park Geun-hye can thiệp vào chính trị hay có hành vi tham nhũng như cáo buộc của phe đối lập thì cũng nằm trong mô típ gặp rắc rối kể trên.

Đây có thể là vấn đề chung của các nước chuyển đổi chính trị ở Đông Á, trong đó có cả Nhật Bản khi nền chính trị đan xen giữa quan hệ truyền thống và quan hệ kinh tế tài phiệt cùng tồn tại.

Mâu thuẫn giữa hai vấn đề này cuối cùng làm cho các nhà lãnh đạo dân cử ở Đông Á đối mặt với số phận chính trị không mấy tốt đẹp, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi các công nghệ liên quan đến mạng internet đã phát triển rất mạnh, cuộc cách mạng về phương thức lan truyền thông tin đã làm thay đổi quy tắc trò chơi của chính trị.

Nền chính trị Hàn Quốc cũng chính vì thế mà đã không có gì là bí mật nữa, ngay cả hóa đơn mua sắm của Phủ Tổng thống Hàn Quốc cũng có thể bị phơi bày bất cứ lúc nào, không gian riêng tư của các nhà lãnh đạo hầu như không còn.

Lo ngại gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

Ngay sau khi bà Park Geun-hye bị phế truất chức vụ, Thủ tướng Hwang Kyo-ahn, Tổng thống Hàn Quốc tạm quyền đã lên tiếng trấn an dư luận trong nước và quốc tế, khẳng định các chính sách đối ngoại của Seoul sẽ không thay đổi, đồng thời yêu cầu quân đội nước này luôn phải tỉnh táo, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến có thể xảy ra.

Nhiều người dân Hàn Quốc lo ngại rằng, việc bà Park Geun-hye bị tước bỏ quyền lực sẽ khiến Hàn Quốc rơi vào trạng thái chính trị nguy hiểm, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng có thể vì thế mà trầm trọng hơn.

Bên cạnh đó, cũng có những quan ngại cho rằng, việc bà Park Geun-hye bị phế bỏ quyền lực cũng sẽ khiến cục diện địa chính trị Đông Á bị chấn động...

Nhiều tổng thống “ngã ngựa”

Rhee Syng-man (1948-1960): Ông Rhee là Tổng thống đầu tiên của nước này năm 1948. Năm 1960, ông giành được nhiệm kỳ thứ 4 nhưng lại bị tố cáo gian lận phiếu bầu, ông Rhee phải trốn tới Hawaii sống và chết ở đây năm 1965.

Park Chung-hee (1961-1979): Là cha của bà Park Geun-hye, ông Park lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 1961. Là người đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế Hàn Quốc nhưng ông cũng mang tiếng độc tài, bị ám sát bởi Giám đốc Tình báo Hàn Quốc năm 1979.

Kim Young-sam (1993-1998): Sự quản lý kinh tế yếu kém của ông Kim đã góp phần thúc đẩy cuộc khủng hoảng năm 1997-1998. Hàn Quốc phải nhận gói giải cứu 58 tỷ USD từ IMF còn ông Kim phải từ chức, con trai ông cũng đi tù vì tham nhũng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.