Thời sự Quốc tế

Tổng thống Mỹ công bố Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Ngày 23/5, tại thủ đô Tokyo, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF).

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, ông Biden cho biết: “Mỹ và Nhật Bản cùng với 11 quốc gia khác, sẽ ra mắt Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF)”.

“Khung kinh tế là cam kết để làm việc với các bạn bè thân thiết và đối tác của chúng tôi trong khu vực để đối phó những thách thức chung nhằm đảm bảo cạnh tranh kinh tế trong thế kỷ 21”, ông nói.

Dự kiến, cuối ngày hôm nay, ông Biden sẽ công bố khung làm việc chính thức.

img

Tổng thống Mỹ Joe Biden họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản. Ảnh - Reuters

Chính phủ Mỹ cho biết các thành viên ban đầu của IPEF bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Hàn Quốc..., chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.

Theo chính quyền Mỹ, IPEF sẽ tập trung vào 4 trụ cột, gồm thương mại công bằng và linh hoạt; khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch; thuế và chống tham nhũng.

Các nước không nhất thiết phải tham gia tất cả các trụ cột và có thể lựa chọn tham gia vào một số trụ cột nhất định của khuôn khổ này.

Tới đây, các nước sẽ bắt đầu "các cuộc thảo luận tập thể hướng tới các cuộc đàm phán trong tương lai" về 4 trụ cột này.

Vì thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng nên trong trụ cột thương mại, IPEF sẽ tập trung vào việc theo đuổi các quy tắc tiêu chuẩn cao trong nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm tiêu chuẩn về các luồng dữ liệu xuyên biên giới và các biện pháp hạn chế dữ liệu, đồng thời giải quyết quan ngại về quyền riêng tư trên mạng Internet, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách phi đạo đức.

Bên cạnh đó, IPEF cũng sẽ hướng tới "cam kết đầu tiên về chuỗi cung ứng" nhằm dự đoán và ngăn chặn tốt hơn sự gián đoạn của chuỗi cung ứng.

Việc ra mắt IPEF là trọng tâm trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Joe Biden với cuộc gặp Thủ tướng Nhật, lãnh đạo các nước thành viên trong Bộ tứ - những quốc gia đều chia sẻ quan ngại về Trung Quốc.

Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc chỉ trích khung làm việc Ấn Độ - Thái Bình Dương bao gồm các quốc gia trong “Bộ tứ” là một nỗ lực gây chia rẽ, kích động…

Tuy nhiên, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan bác bỏ bình luận của Trung Quốc, khẳng định khung làm việc được xây dựng và hướng đến một nền tảng mở.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.