Thời sự Quốc tế

Tổng thống Mỹ sẽ nêu thẳng vấn đề Biển Đông với Chủ tịch Trung Quốc

28/07/2022, 15:53

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ nêu vấn đề Biển Đông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm dự kiến diễn ra trong một vài ngày tới.

Theo thông báo ngày 28/7 từ người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ trao đổi trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về các tuyên bố hàng hải mà Mỹ cho là “quá mức” trên Biển Đông.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Nhà Trắng John Kirby cho biết: “Trong cuộc điện đàm, căng thẳng trên Biển Đông sẽ được đưa ra vì vấn đề này thường xuyên liên quan tới những tuyên bố hàng hải quá mức, không tuân thủ luật pháp quốc tế của Trung Quốc và vì hành vi hung hăng, cưỡng ép của Trung Quốc đối với các quốc gia giáp biển hoặc nằm trong khu vực Biển Đông”.

img

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải)

Ông Biden từng gọi việc Trung Quốc củng cố quân đội là mối đe dọa đối với tự do hàng hải trên tuyến đường biển - nơi phần lớn thương mại quốc tế đi qua và tăng cường quan hệ với các đồng minh, đối tác như Bộ tứ (Quad). Bắc Kinh từng chỉ trích những động thái như vậy của Mỹ là hòng kiềm chế Trung Quốc.

Ngoài Biển Đông, những căng thẳng về vấn đề Đài Loan, Nga cũng nằm trong chương trình nghị sự.

“Có rất nhiều vấn đề trong quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc mà hai lãnh đạo sẽ trao đổi. Điều quan trọng là Tổng thống Mỹ muốn đảm bảo duy trì các tuyến liên lạc cởi mở với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì họ rất cần điều đó”, theo ông Kirby.

Cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc sắp tới sẽ là lần thứ 3 kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1/2021.

Khi được hỏi về lập trường của chính quyền Mỹ về việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi dự định tới thăm Đài Loan, ông Kirby chỉ cho biết, hoạt động của Lầu Năm Góc là thông báo cho các nhà lập pháp về thực tế địa chính trị của các điểm đến nước ngoài họ dự kiến tới thăm.

“Khi bà Nancy Pelosi đi nước ngoài, chúng tôi thường xuyên cung cấp các thông tin, phân tích, bối cảnh, tình hình thực tế địa chính trị mà bà có thể phải đối mặt, dù bà Nancy đi đâu” – ông Kirby nói và nhấn mạnh vì lý do an ninh, tùy nơi bà Nancy đi, thời gian ở lại và những mối đe dọa, thách thức đối với bà, Bộ Quốc phòng Mỹ đôi khi phải tham gia.

Mặt khác, theo ông Kirby, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Joe Biden một lần nữa sẽ nhấn mạnh cam kết của Washington đối với chính sách “Một Trung Quốc”.

“Tôi chắc chắn rằng, dù bằng hình thức này hay hình thức khác, ông Biden sẽ tái khẳng định, không có gì thay đổi trong cam kết của Mỹ đối với chính sách một Trung Quốc… và chúng tôi tiếp tục không muốn các vấn đề hoặc căng thẳng xuyên eo biển được giải quyết đơn phương và chắc chắn không phải bằng vũ lực ” ông Kirby nói.

Theo chính sách "Một Trung Quốc", Chính phủ Mỹ sẽ không thách thức những tuyên bố của Bắc Kinh rằng chỉ có một Trung Quốc duy nhất và Đài Loan là một phần của nước này.

Chính sách này được chính thức hóa trong ba Thông cáo chung do Washington và Bắc Kinh ký từ năm 1972 đến năm 1982, đã mở đường cho Mỹ chuyển từ công nhận ngoại giao với Đài Bắc sang Bắc Kinh vào năm 1979.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.