Thế giới

Tổng thống Putin bị chỉ trích nặng nề tại G20

16/11/2014, 17:47

Hôm nay (16/11), Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã khép lại bằng bài phát biểu của Thủ tướng Australia, trong đó nêu chi tiết những cam kết về môi trường, y tế và kinh tế mà các nhà lãnh đạo đã nhất trí.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đối mặt với thái độ lạnh nhạt từ lãnh đạo các nước Phương Tây
Tổng thống Nga Vladimir Putin đối mặt với thái độ lạnh nhạt từ lãnh đạo các nước phương Tây

Một số thỏa thuận đáng chú ý đã được lãnh đạo các nước, tổ chức tham dự G20 nhất trí bao gồm: thực hiện hành động mạnh mẽ và hiệu quả đối với tình hình thay đổi khí hậu; ra thông báo chung trong đó các nước hứa sẽ vận động mọi nguồn lực để “chấm dứt” đại dịch Ebola tại Tây Phi; thống nhất thúc đẩy nền kinh tế của các nước G20 lên ít nhất 2,1% cho tới năm 2018, qua đó, giúp tăng 2 nghìn tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, trong cuộc gặp bên lề, Tổng thống Mỹ cùng Thủ tướng Nhật và Australia kêu gọi thực hiện những giải pháp hòa bình đối với căng thẳng trên Biển Đông.

Là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị G20, Australia đã hướng chương trình nghị sự tập trung vào các vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, thay vào đó, những vấn đề về thay đổi khí hậu và cuộc xung đột tại Ukraine lại phủ bóng những cuộc tranh luận của các lãnh đạo thế giới hơn. Phần lớn Hội nghị, các lãnh đạo phương Tây tập trung vào chỉ trích vị trí của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Trong đó, Thủ tướng Canada Stephen Harper và Thủ tướng Anh David Cameron là hai lãnh đạo chỉ trích ông Putin rất nặng nề.

Trước làn sóng chỉ trích dữ dội, ông Putin đã rời Hội nghị trước thời điểm kết thúc tuy nhiên vẫn nhận định, Hội nghị diễn ra “mang tính xây dựng”.

Bên lề Hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp các lãnh đạo Châu Âu để bàn về việc phối hợp để phản ứng trước tình hình mà theo các lãnh đạo này, Nga đang gây mất ổn định tại Ukraine. Trong cuộc tiếp xúc báo giới, ông Obama nói, Tổng thống Nga đã “vi phạm luật pháp quốc tế, cung cấp vũ khí hạng nặng cho phe ly khai tại miền đông Ukraine” đồng thời vi phạm thỏa thuận Minsk. Ông Obama cũng khẳng định, Nga sẽ tiếp tục bị “cô lập kinh tế” cho đến khi nào Tổng thống Putin thay đổi.

Trước đó, trong một bài phỏng vấn trên truyền hình, ông Putin kêu gọi Mỹ và các nước phương Tây chấm dứt các lệnh trừng phạt chống lại Nga vì chúng đang gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế Nga nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung. Đồng thời, ông Putin nhấn mạnh, Nga không liên quan tới cuộc xung đột giữa phe ly khai và chính phủ tại miền đông Ukraine.

Trang Trần (Theo BBC)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.