Cụ thể trong sắc lệnh ký kết ngày 16/9, Tổng thống Vladimir Putin chỉ thị chính phủ phân bổ ngân sách cho Bộ Quốc phòng để tăng quân số, chính thức đưa số lượng người phục vụ trong lực lượng vũ trang lên gần 2,4 triệu người, bao gồm 1,5 triệu quân nhân thường trực.
Theo hãng tin RT của Nga, trước đó vào tháng 12/2023, Tổng thống Putin cũng ký kết sắc lệnh tương tự, điều chỉnh tăng số người phục vụ trong quân đội lên hơn 2,2 triệu, bao gồm 1,3 triệu quân nhân thường trực.
Dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho thấy, nếu tăng quân số lên mức gần 2,4 triệu với 1,5 triệu quân nhân thường trực, Nga sẽ vượt qua Mỹ và Ấn Độ, trở thành lực lượng quân đội lớn thứ hai thế giới về mặt quân số thường trực, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Ông Andrei Kartapolov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga, cho biết động thái tăng quân số thường trực nằm trong kế hoạch cải tổ lực lượng vũ trang, phù hợp với tình hình quốc tế hiện tại và hành động của một số quốc gia.
"Ví dụ, Nga cần thành lập các đơn vị quân sự mới để đảm bảo an ninh ở phía Tây Bắc vì Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới với Nga, đã gia nhập khối NATO. Và để thực hiện hóa các mục tiêu trên, chúng ta cần phải tăng quân số", ông Kartapolov phát biểu.
Tại lần điều chỉnh cuối năm 2023, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích động thái này là kết quả của cái Nga gọi là cuộc chiến ủy nhiệm đang được phương Tây tiến hành nhằm chống lại Moscow.
“Kế hoạch này liên quan đến cuộc chiến mà các quốc gia phương Tây đang tiến hành. Một cuộc chiến tranh ủy nhiệm, bao gồm các nhân tố tham gia gián tiếp vào các hoạt động quân sự và các nhân tố gây ra chiến tranh kinh tế, chiến tranh tài chính, chiến tranh pháp lý, vượt ra ngoài khuôn khổ pháp lý", ông Peskov khẳng định.
Bộ Quốc phòng Nga khi đó cũng cho biết việc tăng cường quân số trong lực lượng quân đội sẽ được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của công dân, phục vụ theo hợp đồng.
Bộ Quốc phòng giải thích thêm, quyết định tăng quân số là do mối đe dọa trước sự mở rộng liên tục của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cơ quan này khẳng định NATO đã tăng cường hiện diện quân sự dọc theo biên giới Nga, triển khai các hệ thống phòng không và vũ khí tấn công.
"Việc tăng cường thêm sức mạnh chiến đấu và số lượng quân đội là phản ứng thích đáng đối với các hoạt động của khối NATO", Bộ Quốc phòng tuyên bố.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận