Thế giới

Tổng thư ký LHQ: Muốn đánh bại được Covid-19, các nước phải đoàn kết

18/03/2020, 06:40

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng, không một quốc gia nào có thể đối mặt thử thách như dịch Covid-19 nếu chỉ có một mình.

img
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc - tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, đại dịch Covid-19 làm nổi bật tính liên kết khó tách rời của thế giới chúng ta đang sống.

Hợp tác ở mọi cấp độ là rất cần thiết, không chỉ để hạn chế sự lây lan của căn bệnh, mà còn giảm thiểu tác động xã hội và kinh tế của nó.

Tâm thư của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc

Tính tới ngày 17/3, toàn thế giới đã có hơn 182.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 7.100 người chết và hơn 78.300 người đã hồi phục. Tại Trung Quốc có hơn 80.880 ca nhiễm, hơn 3.213 người tử vong. Số bệnh nhân bên ngoài Trung Quốc, đã vượt mốc hơn 100.000 người.
Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, hệ thống giáo dục truyền thống ở 56 quốc gia trên toàn thế giới đã bị đóng cửa. Hơn 516 triệu học sinh, sinh viên buộc phải ở nhà.


Báo SCMP ngày 17/3 đã đăng tải nội dung tâm thư của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres nói về tình hình dịch bệnh Covid-19 mà nhân loại đang phải gánh chịu.

Ông Antonio Guterres nói rằng, các biến động theo chiều hướng xấu gây ra bởi đại dịch Covid-19 đã hiện diện rất rõ xung quanh mỗi chúng ta.

Trong khi Covid-19 lây lan nhanh, các mối nguy hiểm cũng vì thế mà đang gia tăng đáng kể.

“Sự sụp đổ kinh tế và xã hội được kết hợp giữa hậu quả của đại dịch và những nền kinh tế chậm phát triển, bị tổn thương sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hầu hết chúng ta trong nhiều tháng nữa.

Nhưng, sự lây lan của virus sẽ sớm chạm đỉnh, nền kinh tế của chúng ta khi ấy sẽ phục hồi”, ông Guterres tin tưởng và cho rằng, để có thể đón nhận kết quả khả quan nhất, mỗi quốc gia phải cùng nhau hành động với sự thận trọng, khoa học, không kỳ thị và không sợ hãi.

“Dù Covid-19 đã được phân loại là đại dịch nhưng đây có thể là một trong những thảm họa mà chúng ta có thể kiểm soát, làm chậm quá trình lan truyền, ngăn ngừa các ca nhiễm mới và cứu sống những người không may mắc bệnh.

Nhưng, để làm được điều đó, chúng ta phải có nỗ lực hành động chung từ mỗi cá nhân, mỗi quốc gia và toàn thể cộng đồng quốc tế. Trước một kẻ thù chung (Covid-19), tất cả các quốc gia đều phải có trách nhiệm trang bị, đẩy mạnh và mở rộng quy mô cuộc chiến chống Covid-19”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.

Ông Guterres cũng gợi mở một số chiến lược ngăn chặn hiệu quả như: Kích hoạt và tăng cường hệ thống ứng phó khẩn cấp; gia tăng năng lực xét nghiệm và chăm sóc bệnh nhân; chuẩn bị sẵn các bệnh viện có quy mô lớn, đảm bảo đủ không gian, vật tư, nhân sự cần thiết và phát triển các biện pháp can thiệp y tế cứu sống người bệnh.

Ngoài việc là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, dịch Covid-19 cũng đang “lây nhiễm” tạo ra những tác động xấu vào nền kinh tế toàn cầu với việc thị trường tài chính chao đảo, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, nhu cầu đầu tư và tiêu dùng giảm mạnh…

Những điều này cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế đã gia tăng. Các nhà kinh tế của Liên Hợp Quốc ước tính, Covid-19 có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu ít nhất vài nghìn tỷ USD trong năm nay, chưa kể tổn thất chưa thể kiểm đếm từ những lĩnh vực khác.

Theo ông Guterres, không một quốc gia nào có thể đối mặt thử thách quy mô như vậy nếu chỉ có một mình.

Hơn bao giờ hết, các chính phủ phải hợp tác để khôi phục nền kinh tế, mở rộng đầu tư công, thúc đẩy thương mại và đảm bảo hỗ trợ có mục tiêu cho người dân và cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bệnh dịch cũng như bị ảnh hưởng bởi tác động kinh tế tiêu cực.

“LHQ, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới đã được huy động đầy đủ. Là một phần của gia đình nhân loại, chúng tôi đang làm việc 24/7 với các chính phủ, cung cấp hướng dẫn quốc tế, giúp thế giới đối mặt với mối đe dọa này. Chúng ta hãy đứng cạnh nhau, đoàn kết để cùng vượt qua khó khăn này”, ông Antonio Guterres bày tỏ.

Trận chiến với Covid-19 đã ở cấp độ mới

img
Một biểu ngữ điện tử lớn kêu gọi chống dịch Covid-19 tại Milan, Italy

Theo SCMP, cuộc chiến toàn cầu chống virus Corona chủng với đã bước sang một cấp độ mới từ ngày 17/3 khi nhiều chính phủ ở châu Âu, châu Mỹ đã quyết định đóng cửa biên giới, phong tỏa nhiều khu vực trong bối cảnh dịch Covid-19 đã bùng phát dữ dội bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục.

Tâm trạng khủng hoảng đang lan rộng đã khiến cho các thị trường tài chính chao đảo, đặc biệt là thị trường Phố Wall, nơi chứng kiến chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm tới 12,9%.

Các nhà lãnh đạo của nhóm các quốc gia công nghiệp (G7) cũng đã bắt đầu phải chuyển trọng tâm sang bàn tính chuyện phối hợp cùng nhau như thế nào để giảm đà rơi tự do của kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát cả ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ và bây giờ đã lan sang cả châu Phi.

G7 cũng đã nhìn nhận dịch Covid-19 với tên gọi là “thảm kịch của loài người”. Các nhà đầu tư lo ngại, dịch Covid-19 có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng và từ đó sẽ đẩy thị trường đến mức tổn thất kỷ lục tồi tệ nhất trong 1 ngày kể từ năm 1987.

Các số liệu thống kê về dịch bệnh mới nhất cho thấy thực tế là mặt trận chống Covid-19, nơi bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, đã chuyển sang các vùng lãnh thổ mới. Tây Ban Nha chính thức được liệt vào top 4 nước có nhiều ca nhiễm và tử vong nhất vì Covid-19.

Tại Pháp, chính phủ nước này ban bố các giới hạn đi lại trên toàn quốc, đưa xứ sở thời trang trở thành quốc gia thứ ba tại châu Âu, sau Italy, Tây Ban Nha buộc phải phong tỏa toàn lãnh thổ để ngăn chặn dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng. Tổng thống Emmanuel Macron cũng đã phải thốt lên rằng “Chúng ta đang ở trong thời chiến”.

Đáng chú ý, dịch Covid-19 có thể sẽ khiến cho nhiều người mắc bệnh và tử vong hơn nữa ở châu Âu bởi một số quốc gia ở khu vực này vẫn chủ quan với dịch.

Chưa kể, vẫn tồn tại một số nước thành viên có cách tiếp cận, tư tưởng phòng dịch còn gây tranh cãi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.