Y tế

TP HCM: Bệnh nhân Covid-19 chuyển biến nhanh, bác sĩ chạy đua giành sự sống

16/08/2021, 09:08

Theo GS.TS Trần Bình Giang, bệnh nhân Covid-19 chuyển biến rất nhanh, các y bác sĩ phải chạy đua với thời gian để giành giật sự sống...

BV Việt Đức vừa hoàn thiện trung tâm Hồi sức vừa đón bệnh nhân

Vừa hoàn thiện đưa vừa hoạt động, Trung tâm Hồi sức Tích cực của BV Việt Đức tại TP.HCM ngày đêm hối hả điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Theo GS.TS Trần Bình Giang, GĐ BV Việt Đức, Trung tâm Hồi sức tích cực của BV Việt Đức là tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Ngay khi có chỉ đạo của Bộ Y tế, lực lượng y bác sĩ cùng đơn vị thi công đã làm việc xuyên ngày đêm với khát vọng nhanh chóng cứu chữa bệnh nhân kịp thời. Có thể nói việc thành lập trung tâm này rất “thần tốc”. Đến hôm nay đã tiếp nhận và đưa vào cấp cứu 98 bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân đang có nhu cầu rất lớn, hàng ngàn cuộc gọi đến trong những ngày qua.

img

Trung tâm hồi sức cấp cứu Covid-19 tại BV Dã chiến vừa hoàn thiện vừa tiếp nhận bệnh nhân

"Vì là nơi cấp cứu bệnh nhân nặng nên tiếp nhận chủ yếu từ phía ngành y tế TP.HCM và các Bệnh viện Dã chiến chuyển lên. Việc phân loại bệnh và điều trị được tiến hành khoa học, bài bản. Tiếp nhận bệnh theo tiến độ hoàn thiện số giường. Tổng quy mô 500 giường, nhưng không thể hoàn thiện ngay được cả 500 mà hoàn thiện tới đâu nhận bệnh tới đó", PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó GĐ BV Việt Đức, người túc trực tại Trung tâm Hồi sức tích cực này thông tin thêm.

Hiện riêng phía BV Việt Đức đã có trên 320 y bác sĩ, cán bộ có chuyên môn vững vàng túc trực tại đây để chăm sóc tận tình, điều trị tích cực nhất cho bệnh nhân.

Đánh giá về tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19, GS.TS Trần Bình Giang cho biết: "Bệnh này chuyển biến rất nhanh. Chúng ta phải chạy đua với thời gian để cứu người. Đặc biệt, Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 đặt ngay trong khuôn viên với Bệnh viện Dã chiến 13 nên khi bệnh nhân nặng từ bệnh viện dã chiến chuyển sang rất thuận lợi và kịp thời".

Được biết, trong số 500 giường theo kế hoạch của Trung tâm Hồi sức cấp cứu Covid-19 thì có 200 giường hồi sức bệnh nhân nặng thở máy xâm nhập và không xâm nhập và 200 giường cho bệnh nhân thở oxy còn 100 giường dành để theo dõi bệnh nhân khi đã chuyển nhẹ.

Hiện, dù Trung tâm Hồi sức Cấp cứu Covid-19 của BV Việt Đức đã thiết lập bồn oxy lỏng với dung tích lớn để kịp thời đưa vào cấp cứu người bệnh, nhưng Trung tâm đang nỗ lực tăng thêm oxy, bởi số lượng bệnh nhân được chuyển đến ngày càng nhiều.

Trung tâm hồi sức Covid-19 BV Bạch Mai "chạy" hết công suất

Bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 từ đêm 11/8, đến nay Trung tâm Hồi sức Tích cực người bệnh Covid-19 do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách tại Bệnh viện Dã chiến 16 (đường Đào Trí, Quận 7, TP.HCM) đang điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân nặng. Có 20 ca đã hồi phục, chuyển nhẹ dần.

img

Bác sĩ BV Bạch Mai cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19 tại trung tâm hồi sức BV Dã chiến 16

Để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân và vận hành Trung tâm này, BV Bạch Mai đã đưa vào 250 y bác sĩ hàng đầu về hồi sức tích cực. Bên cạnh đó là các chuyên gia từ hàng loạt cơ sở y tế khác. Trong ít ngày tới sẽ có hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng từ các nơi chi viện đến. Được biết, tổng số giường của BV Dã chiến 16 là gần 3.000 giường, trong đó có 500 giường hồi sức tích cực.

Tuy nhiên, TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 BV Bạch Mai, Phó giám đốc chuyên môn trực tiếp điều hành Trung tâm Hồi sức cho biết, để đáp ứng tối đa số lượng 500 giường này thì vẫn cần bổ sung thêm nhân lực, nhất là về lĩnh vực cấp cứu, hồi sức tích cực. Bệnh nhân Covid-19 có đặc thù chuyển biến nhanh nên hiện tại các y bác sĩ đều phải tăng công suất.

"Đội ngũ thầy thuốc BV Bạch Mai đã đến rất nhiều “chiến trường” Covid-19 như: Đà Nẵng; Hải Dương; Bắc Giang... ở đâu cũng rất ác liệt và kết quả đã khống chế dịch bệnh thành công. Lần này vào TP.HCM thấy thực sự số lượng bệnh nhân và quy mô nhiễm bệnh ở đây cực lớn, số ca mắc, số nguy kịch rất nhiều. Lo lắng và trăn trở hàng ngày của các thầy thuốc là làm sao cứu được nhiều người nhất", BS. Sơn chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.