Hạ tầng

TP. Hồ Chí Minh chi trăm nghìn tỷ chống ngập thế nào?

29/05/2021, 07:02

Đề xuất mới đây của Sở Xây dựng TP.HCM về việc chi hơn 100 nghìn tỷ để chống ngập giai đoạn 2021 - 2025 đang bị đặt dấu hỏi.

img

Đường Lã Xuân Oai, TP.Thủ Đức ngập sâu trong trận mưa chiều 24/5

Đề xuất mới đây của Sở Xây dựng TP.HCM chi hơn 100 nghìn tỷ để chống ngập giai đoạn 2021 - 2025 đang bị đặt dấu hỏi, bởi trước đó, hàng chục nghìn tỷ đồng đã được thành phố chi ra để đầu tư cho các dự án nhưng nhiều tuyến đường vẫn ngập nặng.

Vẫn điệp khúc “mưa là ngập”

Sáng 25/5, cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ trút xuống TP.HCM khiến nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong biển nước, có nơi ngập gần nửa bánh xe. Các tuyến đường như: Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ (Q.Gò Vấp), Nguyễn Văn Quá, Phan Huy Ích (Q.12)… ngập sâu trong biển nước.

Tuyến đường mới đầu tư là Bình Lợi cũng không thoát ngập. Ghi nhận của PV Báo Giao thông, đoạn qua quận Bình Thạnh ngập đoạn dài hơn 1km. Ngay tại khu vực công trình cải tạo hệ thống thoát nước đường Bình Lợi ngập sâu nhất gần nửa bánh xe.

Đường Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai là những tuyến huyết mạch của TP.Thủ Đức, cũng chịu cảnh ngập sâu. Trận mưa chiều 24/5 khiến nhiều xe ô tô lưu thông trên đường Lã Xuân Oai bị chết máy.

Chị Nguyễn Thị Chi, bán tạp hóa đầu đường Lã Xuân Oai cho biết, khoảng 2 năm nay, các tuyến đường này đều bị ngập mỗi lần mưa lớn. Hệ thống cống không thoát kịp khiến nước mưa nhanh chóng ngập lênh láng mặt đường. “Chỉ cần mưa kéo dài khoảng 1 tiếng là ngập nửa bánh xe”, chị Chi kể.

Nặng nhất là các tuyến đường quanh khu vực chợ Thủ Đức. Cơn mưa chiều 19/5 chỉ mới khoảng 15 phút, các tuyến đường quanh chợ đều thành sông. Dòng nước chảy cuồn cuộn khiến nhiều người đi xe gắn máy bị té ngã đoạn dốc gần chợ.

Khu vực chợ Thủ Đức được xem là “rốn ngập” khoảng 2 năm nay khi hệ thống thoát nước không đáp ứng yêu cầu.

Tháng 10/2020, TP.Thủ Đức đã khởi công xây dựng hệ thống thoát nước trên đường Võ Văn Ngân dài 2,5km từ Xa lộ Hà Nội đến rạch Cầu Ngang, tổng mức đầu tư khoảng 129,4 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ giải quyết ngập cho khoảng 90ha xung quanh. Tuy vậy, dự án này phải đến năm 2022 mới hoàn thành.

Hàng trăm nghìn tỷ đồng tiếp tục chống ngập

img

Nhiều xe máy chết tại đường Lã Xuân Oai, TP.Thủ Đức do nước ngập sâu trong trận mưa chiều 24/5

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM trình kế hoạch cải tạo hệ thống thoát nước, chống ngập giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí khoảng 101.000 tỷ đồng.

Cụ thể, đầu tư các dự án thuộc quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước của TP.HCM đến năm 2020 là hơn 38.100 tỷ đồng; Các dự án thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM với hơn 20.600 tỷ đồng; Các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải 41.000 tỷ đồng; Các công trình khác hơn 1.700 tỷ đồng.

Kế hoạch 8 tháng cuối năm 2021, Sở Xây dựng cho biết, TP.HCM sẽ khởi công 12 dự án, trong đó 11 dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường. Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè trị giá 307 triệu USD. Tổng kinh phí 12 dự án này này khoảng 8.000 tỷ đồng.

Sở Xây dựng cũng đưa ra rất nhiều nguyên nhân để lý giải cho tình trạng ngập nặng hiện nay, trong đó có lý do biến đổi khí hậu khi tần suất mưa và vũ lượng ngày càng lớn, vượt tần suất thiết kế hệ thống thoát nước.

Trong khi đó, hiện nay hệ thống thoát nước thành phố chỉ đáp ứng lượng mưa trong 3 giờ dưới 100mm. Tuy nhiên, từ năm 2002 đến nay đã xuất hiện 59 trận mưa, có 7 trận mưa chỉ 60 phút nhưng đạt tới 100 - 212mm.

Cùng đó, ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều xâm nhập cũng khiến nhiều khu vực trũng bị ngập, khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước chỉ đáp ứng mức triều 1,3m, trong khi đỉnh triều những năm gần đây luôn từ 1,5m - 1,8m.

Nguyên nhân khác cũng được Sở Xây dựng chỉ ra là tiến độ triển khai các dự án còn chậm, đạt khoảng 46% theo Quy hoạch tổng thể thoát nước TP đến năm 2020. Trong giai đoạn 2016 - 2020, các dự án thuộc chương trình giảm ngập được đầu tư hơn 28.465 tỷ đồng, nhưng chỉ bằng 29,5% so với nhu cầu theo quy hoạch.

Nhìn vào kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, các dự án triển khai chống ngập chủ yếu vẫn thực hiện cho khu vực các quận trung tâm và đô thị cũ.

Đơn cử dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch nước lên; Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm qua quận Bình Thạnh, Gò Vấp; Triển khai giai đoạn 3 của dự án cải thiện môi trường nước kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ. Trong khi đó, với các khu vực đô thị mới như TP Thủ Đức, các dự án cải thiện ngập chỉ thực hiện nhỏ lẻ, chủ yếu là làm cống hộp ở các tuyến đường.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc chống ngập tại TP.HCM hiện nay vẫn chạy theo sự vụ, đường nào ngập thì nâng lên, làm cống to hơn. Giải pháp này chỉ mang tính tức thời, bởi ngập sẽ từ chỗ này chuyển qua chỗ khác.

Để giải quyết căn bản bài toán chống ngập, theo ông Sơn, cần đặt trong tổng thể quy hoạch đô thị, dành không gian cho cây xanh, chứa nước. Đối với các khu vực đô thị mới như TP. Thủ Đức, cần dành không gian cho nước, tránh tình trạng bê tông hóa khiến nước không có đường thoát, lúc đó ngập là điều dễ hiểu.

“Những Khu đô thị như Phú Mỹ Hưng được xây ở vùng thấp như quận 7, nhưng việc thiết kế có không gian dành cho thoát nước, cây xanh, vì vậy ở đây không hề ngập. Thành phố cần một nhạc trưởng đủ tầm thì mới giải quyết bài toán chống ngập một cách căn cơ, lâu dài”, ông Sơn nói.

Hiện, nhiều dự án chống ngập quan trọng ở TP.HCM vẫn chưa hoàn thành. Cụ thể như dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu đến nay mới giải ngân được 77%; dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 đến nay cũng chỉ mới giải ngân được 80%. Điều này khiến các tuyến đường, khu vực quanh dự án vẫn chưa được giải quyết tình trạng ngập một cách triệt để.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.