Đô thị

TP.HCM: Cách nào huy động 80 nghìn tỷ làm 20 dự án chống ùn tắc?

28/01/2021, 10:02

Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND TP danh mục 20 dự án trọng điểm, liên vùng để kéo giảm ùn tắc giao thông với tổng kinh phí 80.000 tỷ đồng.

img

QL13 bắt đầu từ quận Bình Thạnh, chạy ngang bến xe Miền Đông nối vào tỉnh Bình Dương luôn xảy ra kẹt xe

20 dự án này sẽ thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, việc huy động nguồn vốn lớn này từ đâu và có khả thi đang là vấn đề nan giải trong bối cảnh nguồn lực rất khó khăn do ảnh hưởng Covid-19?

20 dự án trọng điểm ưu tiên đầu tư

Theo Sở GTVT TP.HCM, các dự án được đề xuất lập kế hoạch đầu tư từ năm 2021 gồm: 5 đường liên vùng, 4 cầu bắc qua sông, 3 công trình chống kẹt xe quanh sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái...

Nhóm dự án kết nối liên vùng, gồm 5 công trình: Nâng cấp, mở rộng QL13, đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu (TP Thủ Đức) dài 4,5km, tổng vốn đầu tư dự kiến gần 10.000 tỷ đồng; xây đường song hành Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn) dài 8,5km, tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng; đường trục động lực (song hành QL50 đi qua huyện Nhà Bè, Bình Chánh) dài 8,6km, vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng; mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây cầu Ông Lớn (huyện Hóc Môn) kinh phí hơn 2.400 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng đường Long Hậu (huyện Nhà Bè) dài 1,8km, vốn đầu tư 500 tỷ đồng.

Cùng đó, TP HCM sẽ xây dựng 4 cầu: Tân Kỳ - Tân Quý (Q.Bình Tân) tổng mức đầu tư 325 tỷ đồng; cầu Thủ Thiêm 4 (Q.7, Q.2) tổng mức đầu tư 5.300 tỷ đồng; cầu Cần Giờ (huyện Nhà Bè, Cần Giờ) vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng; cầu Rạch Dơi (huyện Nhà Bè) số vốn 782 tỷ đồng.

Nhóm công trình khu vực cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất, gồm 3 dự án: Xây đường D7 từ đoạn giao tuyến Nguyễn Thị Tư đến Võ Chí Công (Q.9) dài 1,5km, tổng vốn đầu tư hơn 594 tỷ đồng; đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu (Q.2, Q.9) dài 1,5km, tổng vốn đầu tư 578 tỷ đồng; mở rộng đường Trường Chinh từ đoạn giao Cộng Hòa đến Phạm Văn Bạch (Q.Tân Bình) dài 420m, vốn đầu tư 30 tỷ đồng.

Với tuyến Vành đai 2, Sở GTVT đề xuất lập kế hoạch đầu tư 3 dự án gồm: Đoạn 4 từ QL1 đến đường Nguyễn Văn Linh (Q.8, Bình Tân và huyện Bình Chánh) dài 5,3km, tổng vốn đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng; xây tuyến Vành đai phía Đông từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy và từ nút giao này đến đường Nguyễn Duy Trinh (Q.2, Q.9) dài hơn 5km, mức đầu tư dự kiến 2.200 tỷ đồng.

Hai dự án đường trên cao gồm: Số 1 (từ nút giao Cộng Hòa đến đường Ngô Tất Tố - Q.Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh) dài 9,5km, tổng vốn đầu tư 17.500 tỷ đồng; số 5 (từ nút giao Trạm 2 đến An Sương - TP Thủ Đức đến Q.12) dài 21,5km, vốn đầu tư hơn 15.400 tỷ đồng.

Huy động vốn cách nào?

Theo Sở GTVT TP HCM, trong tổng nguồn vốn đề xuất 80.000 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư 20 dự án giao thông trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến nguồn từ ngân sách thành phố chiếm 49%, từ xã hội hóa, ODA, vốn Trung ương chiếm 51%.

Sở GTVT TP HCM cho biết, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ ưu tiên bố trí kinh phí ngân sách để thực hiện đầu tư những dự án trọng điểm, có tính chất liên vùng; các trục giao thông xuyên tâm; giao thông cửa ngõ kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ưu tiên với các dự án giao thông công cộng có sức chở lớn.

Trong đó, đáng lưu ý, dự án nâng cấp, mở rộng QL13, dài 4,5km, vốn dự kiến gần 10.000 tỷ đồng sẽ dùng vốn đầu tư từ ngân sách.

Trước đây, dự án này từng được đề xuất đầu tư theo hình thức BOT, BT sau đó phải chuyển đổi hình thức đầu tư sang sử dụng vốn ngân sách. Đây là dự án quan trọng nối TP HCM với tỉnh Bình Dương góp phần giảm kẹt xe ở khu vực cửa ngõ nhưng bị “treo” gần 20 năm nay. Quá trình triển khai, nhà đầu tư không đủ vốn do chi phí đền bù mặt bằng cao gấp 15 lần so với ban đầu, gây khó khăn trong việc huy động vốn.

Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng đề xuất ưu tiên làm trước tuyến đường trên cao số 1 và số 5 (trong tổng số 5 dự án đường trên cao). Đây là hai dự án rất cần thiết để kết nối với trung tâm, giảm tải giao thông cho nhiều khu vực. Vì vậy, Sở GTVT đề xuất thi công hai dự án này trong giai đoạn 2021 - 2025 bằng vốn vay ODA hoặc BOT.

Ông Trần Chí Trung, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, Sở GTVT TP HCM cho biết, tùy từng dự án có thể nghiên cứu sử dụng nguồn vốn khác nhau. Đối với những dự án có điều kiện thu hút đầu tư sẽ kêu gọi nhà đầu tư.

Để tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trên, Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và bố trí nguồn vốn trung hạn, hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025.

“Với hai dự án đường sắt trên cao, chi phí giải phóng mặt bằng thấp, có thể triển khai theo hình thức xã hội hóa để giảm ngân sách thành phố”, ông Trung nói.

GS.TS. Nguyễn Minh Hòa (Ủy viên Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, Trưởng bộ môn Đô thị học ĐH KHXH & NV TP.HCM) cho rằng, hiện nay, nhu cầu phát triển giao thông ngày càng lớn mà việc bố trí nguồn vốn gặp khó khăn. Chính vì vậy, việc vay vốn ODA, huy động xã hội hóa là cần thiết để sớm triển khai các dự án giao thông, trong đó có đường trên cao.

“Khi làm các tuyến đường sắt trên cao, chúng ta cần tính toán không chỉ về giảm ùn tắc giao thông mà sẽ phát triển kinh tế, bất động sản được hưởng lợi như thế nào để từ đó có thể nghiên cứu huy động các nguồn vốn xã hội hóa”, ông Hòa nói.

Ngoài 20 dự án giao thông trọng điểm đề xuất đầu tư, Sở GTVT TP HCM cũng đề xuất lập kế hoạch đầu tư 3 dự án gồm: Nâng cấp đường Ung Văn Khiêm và xây nút giao Đài Liệt sỹ (Q.Bình Thạnh) dài 1,7km, tổng mức đầu tư gần 2.800 tỷ đồng; dự án kết nối đồng bộ tuyến Metro số 1 và số 2 tại ga Bến Thành, vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng; nạo vét luồng, xây kè bờ sông Chợ Đệm - Bến Lức (huyện Bình Chánh) tổng vốn đầu tư 233 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.