Hạ tầng

TP.HCM cần hơn 73 nghìn tỷ chống ngập

10/08/2018, 06:45

TP.HCM lên danh sách các công trình chống ngập để kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

12

Tình trạng ngập nước tại TP.HCM đang ngày càng đáng báo động (Chụp trên đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh tháng 7/2018)

17 dự án chống ngập đầu tư bằng PPP

Sáng 9/8, TP.HCM tổ chức hội thảo tìm kiếm nguồn vốn đầu tư vào các dự án chống ngập và xử lý nước thải trên địa bàn.

Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, từ năm 2011 đến nay, TP.HCM đã thi công và hoàn thành khoảng 106 dự án, đưa vào vận hành khoảng 329km cống trục chính. Trong đó, đã hoàn thành (giai đoạn I) 4 dự án ODA lớn (dự án vệ sinh môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ, dự án nâng cấp đô thị lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm, dự án Đại lộ Đông - Tây). Nhờ đó, từng bước giải quyết tình trạng ngập nước, xử lý nước thải cho vùng trung tâm thành phố với diện tích khoảng 100km2.

"Quan điểm của TP đối với các dự án đầu tư là phải minh bạch, công khai. Đồng thời, mong muốn của TP về dự án chống ngập rất nhiều nhưng nguồn lực có giới hạn, quy hoạch còn chậm thay đổi. Do vậy, TP mong muốn lắng nghe doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết để giải quyết ngập."

Ông Trần Vĩnh Tuyến
Phó chủ tịch UBND TP.HCM

Năm 2016, thành phố cũng khởi công thực hiện dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu” (giai đoạn I) và dự kiến hoàn thành trong năm 2018 để giải quyết tình trạng ngập do triều cho lưu vực rộng 550km2, dân số khoảng 6,5 triệu người. Tuy nhiên, đến nay dự án đắp chiếu, chờ mặt bằng. Theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2001) có phạm vi 581,51km2 (thuộc 6 vùng thoát nước), cần phải có 6.000km cống các loại, hệ thống cống hiện có là 4.176km, đạt khoảng 69,6%...

Cũng theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, hiện nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế TP trong giai đoạn 2016 - 2020 lên đến 1,8 triệu tỷ đồng; dành riêng cho phát triển cơ sở hạ tầng là 0,81 triệu tỷ đồng. Trong đó, giảm ngập nước là 1 trong 7 chương trình đột phá, trọng điểm của TP, nhu cầu đầu tư là 96.327 tỷ đồng. Giai đoạn 2011 - 2015, TP.HCM đã triển khai với tổng vốn 22.948 tỷ đồng, còn lại khoảng 73.359 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngân sách TP chỉ đảm bảo cân đối khoảng 16.338 tỷ đồng; ngân sách Trung ương hỗ trợ 588 tỷ đồng, còn lại là kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa (PPP) 20.283 tỷ đồng, vận động nguồn ODA (kết hợp PPP) là 36.132 tỷ đồng. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, việc tăng cường thu hút đầu tư các nguồn lực trong và ngoài nước được xem là giải pháp hữu hiệu, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế TP. Trên cơ sở các dự án và dự kiến nguồn vốn triển khai giai đoạn 2016 - 2020, TP kêu gọi đầu tư vào 17 dự án thuộc chương trình giảm ngập nước của TP bằng hình thức đối tác công - tư.

Học tập các nước chống ngập

Theo đại diện Đại sứ quán Hà Lan, TP.HCM đang bị sụt lún, dự tính mỗi năm, mặt đất sụt lún 7cm với mức độ sụt lún đang tăng nhanh. Đây là hồi chuông báo động vì là mối đe dọa hiện hữu đối với người dân. Theo dự báo, trong ít thập kỷ nữa, một phần của TP.HCM sẽ nằm dưới mực nước biển. Vậy, làm thế nào để đối phó với tương lai ảm đạm này?

Đại sứ quán Hà Lan chia sẻ, tại Hà Lan phát triển các cách tiếp cận quản lý thích ứng để đảm bảo các thành phố và vùng đồng bằng có khả năng chống chọi với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không thể dự báo. Rotterdam đã hợp tác với TP.HCM để xây dựng chiến lược thích ứng khí hậu. “Một ví dụ về cách chúng tôi đảm bảo đầu tư công ở Hà Lan là Quỹ Delta kết hợp ngân sách dài hạn để đồng tài trợ thêm cho các công trình thủy lợi với 1 tỷ euro mỗi năm. Thành phố đã đầu tư đối tác công - tư để xây dựng một hệ thống đê vành đai với các cống thủy triều. Tại TP.HCM cần ưu tiên tập trung giảm nhanh việc khai thác nước ngầm, điều này đồng nghĩa cần đường ống cấp nước mới, nhà máy xử lý nước, các khu vực chứa nước, kết nối hộ gia đình”, vị này nói.

Đại diện trường Đại học Quốc gia TP.HCM lại cho rằng, TP.HCM cần nghiên cứu lựa chọn và cải tiến các kỹ thuật điều tiết phù hợp với điều kiện khí hậu và phi khí hậu. Cùng đó, thành phố cần xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích áp dụng các giải pháp điều tiết nước mưa để giảm ngập.

Đề cập về giải pháp giải quyết bài toán ngập cục bộ trên các tuyến đường ở TP.HCM, đại diện Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật VMCTECH đề xuất TP ứng dụng xây dựng hồ điều tiết ngầm công nghệ Cross - Wave nhằm điều tiết nước chảy tràn và tích nước. Đây là giải pháp module nhựa được xây dựng, lắp đặt ngầm dưới lòng đất nhằm mục đích điều tiết nước mưa, cũng như góp phần giải quyết ngập lụt đô thị, sử dụng hiệu quả nguồn nước mưa; bổ cập nước ngầm, giảm sụt lún; giảm ô nhiễm môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho rằng hiện nay, nguyên nhân gây ngập có nhiều, trong đó đáng chú ý là việc phát triển đô thị không đúng gây ra tình trạng ngập nước. Từ thực tiễn TP.HCM là một đô thị chưa hoàn chỉnh.

“Tình trạng ngập có nhiều nguyên nhân, vì vậy, việc giải quyết ngập ở từng vị trí phải xác định cụ thể mới có giải pháp hợp lý. Tới đây, TP.HCM sẽ điều chỉnh lại quy hoạch thoát nước; Đồng thời, có bản đồ mô phỏng tình hình ngập của TP để nhận diện, đánh giá, tìm giải pháp”, ông Tuyến nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.