Hạ tầng

Cấp thiết đầu tư khép kín tuyến Vành đai 3 TP.HCM

25/02/2021, 10:08

Dự kiến đoạn 1A của đoạn tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3 TP.HCM sẽ khởi công vào quý III/2021, từng bước khép kín Vành đai 3.

img

Bình đồ tuyến Vành đai 3, trong đó đoạn bôi đỏ là đoạn 1A vừa ký hợp đồng tư vấn thiết kế

Việc này sẽ góp phần rút ngắn hành trình từ TP. Nhơn Trạch đến TP.HCM và Bình Dương.

Kết nối liên vùng kinh tế quan trọng

Khu đô thị Nhơn Trạch (Đồng Nai) từ khoảng 10 năm trước được quy hoạch với hệ thống hạ tầng giao thông, điện, các khu dân cư, khu công cộng… rất bài bản. Nhơn Trạch được xây dựng để đón đầu, chia tải dân cư cho TP.HCM đang ngày càng đông đúc.

Tuy nhiên, “số phận” của khu đô thị này “phập phù” vì bị cách trở bởi sông Đồng Nai, chưa có cầu nối thông. Nhơn Trạch trở thành “thành phố hoang” khi hàng chục dự án đã đầu tư nhưng cư dân đến ở rất thưa thớt.

Vì vậy, thông tin dự án 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc dự án Vành đai 3 TP.HCM sắp khởi công thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân và giới đầu tư bất động sản.

Trước đó vào chiều 19/2, Ban QLDA Mỹ Thuận tổ chức ký kết hợp đồng dịch vụ tư vấn thiết kế kỹ thuật và hỗ trợ đấu thầu cho dự án thành phần 1A thuộc Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, sẽ tập trung công tác thiết kế kỹ thuật và tuyển chọn nhà thầu xây lắp để dự án thành phần 1A tuyến Vành đai 3 TP.HCM khởi công ngay trong quý III/2021.

Dự án thành phần 1A có chiều dài khoảng 8,75km, bề rộng từ 20,5 - 26m, 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Điểm đầu giao với Đường tỉnh 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và điểm cuối giao cắt với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (quận 9, TP.HCM).

Điểm nhấn của đoạn tuyến này là có cầu Nhơn Trạch bắc từ quận 9 sang. Cầu này được thiết kết theo tiêu chuẩn sông cấp 1, độ tĩnh không thông tuyến là 110 x 30,5m.

“Việc đầu tư dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ góp phần rút ngắn hành trình từ TP. Nhơn Trạch đến TP.HCM và Bình Dương. Tuyến đường sẽ tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa, tăng cường trao đổi thương mại, phân luồng từ xa và giảm ách tắc cho các tuyến đường nội thị TP.HCM”, ông Thi nói và cho biết, dự án này sẽ từng bước góp phần hoàn chỉnh hệ thống đường Vành đai 3 TP.HCM theo quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1697 năm 2017.

Cần sớm nối thông Vành đai 3

img

Giai đoạn 2 của đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch sẽ kéo đến nút giao Thủ Đức, TP HCM

Tuyến Vành đai 3 TP.HCM có 4 đoạn với tổng chiều dài 89,1km đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011. Tuyến này đi qua địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được xây dựng hoàn thành trước năm 2020. Tuy vậy, đến nay mới chỉ có đoạn số 2 (Mỹ Phước - Tân Vạn) với chiều dài 16,3km được tỉnh Bình Dương bỏ vốn ra đầu tư. Ba đoạn còn lại đến nay vẫn chưa thu xếp được nguồn vốn.

Theo UBND TP.HCM, tổng nguồn vốn đầu tư 4 đoạn tuyến này khoảng 55.805 tỷ đồng. Trong 4 đoạn thì có 3 đoạn đi qua địa phận TP.HCM, vì vậy thành phố cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư để sớm khép kín Vành đai 3.

Trong đó, TP.HCM cũng từng kiến nghị cho phép địa phương tự bỏ vốn ngân sách ra để giải phóng mặt bằng, đến khi nào thu xếp được nguồn vốn sẽ đầu tư. Bởi nếu chờ đến khi có vốn mới đền bù, chắc chắn nguồn vốn GPMB sẽ tăng lên rất nhiều.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tổng vốn GPMB cho tuyến Vành đai 3 khoảng 3.000 tỷ đồng và thành phố sẵn sàng tạm ứng kinh phí này. “Thành phố sẵn sàng bỏ ra 3.000 tỷ để Trung ương tạm ứng GPMB cho tuyến Vành đai 3, nhưng hiện nay tiến độ vẫn còn rất chậm”, ông Phong nói.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, các tuyến đường vành đai có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông liên vùng, không chỉ riêng một địa phương nào. Việc chậm trễ trong đầu tư tuyến Vành đai 3 khiến giao thông khu vực trọng điểm phía Nam những năm qua ì ạch, gây nhiều hệ luỵ.

Cũng theo ông Sơn, với các tuyến vành đai, cần đặt trong tổng thể lợi ích để bố trí kế hoạch phân bổ đầu tư xứng đáng, dự án nào dứt điểm dự án đó. “Khi các dự án đã được quy hoạch và vạch thời hạn đầu tư, hoàn thành, Chính phủ cần sắp xếp nguồn vốn để thực hiện dự án hoàn chỉnh, bởi để lâu sẽ gây ra nhiều hệ lụy”, ông Sơn nói.

Mới đây, UBND TP.HCM cũng có công văn đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT ưu tiên bố trí nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án để khép kín đường Vành đai 3 TP.HCM.

Bốn đoạn tuyến Vành đai 3 TP HCM:

+ Đoạn 1: Nhơn Trạch - Đồng Nai - Tân Vạn - TP HCM dài 26,3km, quy mô giai đoạn 1 làm 4 làn xe, giai đoạn 2 làm 8 làn xe lưu thông (chưa được đầu tư).
+ Đoạn 2: Mỹ Phước - Tân Vạn dài 16,3km đã được tỉnh Bình Dương đầu tư.
+ Đoạn 3: Bình Chuẩn, Bình Dương - Quốc lộ 22 - TP HCM dài 17,5km, quy mô 6 làn xe lưu thông (chưa được đầu tư).
+ Đoạn 4: Quốc lộ 22, TP HCM - Bến Lức, Long An dài 29,2km, quy mô 8 làn xe lưu thông (chưa được đầu tư).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.