Xã hội

TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm phòng dịch Covid-19 với Cà Mau, Sóc Trăng

18/10/2021, 14:17

Đoàn công tác của TP.HCM đã đến một số tỉnh ở miền Tây thăm và có những chia sẻ về kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Cà Mau cần triển khai tốt việc xử lý chất thải tại các bệnh viện dã chiến

Sáng 18/10, tỉnh Cà Mau đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Tại buổi làm việc, bác sĩ Trần Thanh Linh - Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy, Trưởng đoàn công tác đã có nhiều góp ý cho tỉnh Cà Mau trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.

img

Đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đến thăm và làm việc với tỉnh Cà Mau về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

“Mục tiêu của đoàn công tác là khảo sát tình hình chung trong phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Cà Mau (khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19). Sau đó, đoàn sẽ ở lại để tham gia điều trị và có những buổi tập huấn. Từ đó, giúp tỉnh có chiến lược lâu dài trong phòng, chống dịch Covid-19”, bác sĩ Linh cho hay.

Đoàn công tác cho rằng, về cơ sở hạ tầng, tỉnh Cà Mau cần triển khai tốt việc xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng tại các bệnh viện dã chiến. Các bệnh viện có tầng 2 cần nâng cấp hệ thống oxy, phân luồng tạo điều kiện có thể phẫu thuật cho bệnh nhân Covid-19.

Hiện nay, tỉnh Cà Mau đang thiếu rất nhiều máy thở oxy dòng cao HFNC, toàn tỉnh chỉ có 6 máy. Với số lượng này thì quá thấp, tỉnh cần chú ý có phương án dự trù bổ sung thiết bị. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tầm soát nhân viên y tế tham gia điều trị bệnh…

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị: về mặt chuyên môn, các bệnh viện cần nhanh chóng xác định hiện đang thiếu thiết bị gì; cần tính toán, đề xuất đặt mua thiết bị ở đâu. Từ đó, tỉnh mới có cơ sở để tính toán, đầu tư sớm.

Ngành y tế, các bệnh viện dã chiến xem lại bồn oxy lỏng, trong điều kiện bệnh nhân nhiều cần sử dụng thường xuyên thì hệ thống có đáp ứng được hay không. Về phân luồng, chuẩn bị phòng mổ, phòng sanh cho bệnh nhân Covid-19 thì phải chuẩn bị thật kỹ.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cũng mong muốn các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm về cách theo dõi bệnh nhân không triệu chứng để biết được nguy cơ và chuyển bệnh. Trong điều trị bệnh nhân Covid-19, khâu nào dễ nhiễm khuẩn nhất; cách khắc phục là gì?.

img

Đoàn công tác của TP.HCM làm việc với tỉnh Sóc Trăng về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

TP.HCM sẽ hỗ trợ cho Sóc Trăng về nhân lực và vật tư y tế

Trước đó, vào chiều 17/10, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với tỉnh Sóc Trăng về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, trong công tác điều trị bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, điều quan trọng nhất là phải cung cấp đầy đủ oxy cho bệnh nhân; phải có bình oxy nhỏ và hệ thống cấp cứu nhanh đến nhà; phải thành lập đội phản ứng nhanh và tập huấn, trang bị đồ bảo hộ để họ kết hợp với trạm y tế, cơ sở y tế kịp thời giúp đỡ bệnh nhân trong điều trị Covid-19.

Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng phải tập trung lấy mẫu xét nghiệm trong vòng 24h mới phát huy hiệu quả tốt nhất; hạn chế cách ly tập trung vì sẽ dễ bị nhiễm chéo, nên tạo điều kiện cho F1 cách ly tại nhà… Để tránh lây lan trong cộng đồng, tỉnh nên khoanh vùng, xét nghiệm nhanh nơi xảy ra dịch.

“TP.HCM sẽ cử đoàn hỗ trợ cho tỉnh về nguồn nhân lực, vật tư y tế, sinh phẩm, oxy, túi thuốc, giường bệnh, vaccine và thuốc đặc trị Covid-19. Đồng thời, cử đoàn y bác sĩ hỗ trợ khảo sát, đánh giá trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới”, ông Mãi cho hay.

Ông Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đã thông tin với đoàn về công tác phòng, chống dịch của tỉnh và những kế hoạch, mục tiêu của tỉnh trong việc phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế”.

Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho rằng, công tác phòng, chống dịch của tỉnh đã đi đúng hướng, rất tập trung và hiệu quả.

img

Ông Phan Văn Mãi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng.

“Tỉnh đã đạt 4 mục tiêu: ý thức chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của toàn dân được nâng lên; khống chế, không để dịch bệnh lây lan; giảm số ca mắc, số ca tử vong; sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi”, ông Mân nói.

Cũng theo ông Mẫn, với kết quả đó, từ ngày 16/9, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh và phục hồi sản xuất, kinh doanh theo trạng thái “bình thường mới”. Sóc Trăng trở thành tỉnh đầu tiên trong khu vực bước vào trạng thái “bình thường mới”.

Cũng trong ngày 17/10, Đoàn công tác của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM gồm 1 Phó giám đốc điều hành bệnh viện, một số lãnh đạo các phòng ban hậu cần và ê-kíp gồm 4 bác sĩ, 6 điều dưỡng đã có mặt tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 tỉnh Sóc Trăng.

Đoàn mang theo nhiều máy móc, trang thiết bị, vật tư phòng hộ, thuốc men… đáp ứng được công tác điều trị cho 18 ca bệnh Covid-19 mức độ nặng đến nguy kịch tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 tỉnh Sóc Trăng, trong đó 7 ca thở máy, 2 ca lọc máu và 1 ca chạy ECMO.

Cũng trong ngày 17/10, chùa Giác Ngộ tại TP.HCM đã đến trao tặng cho tỉnh Sóc Trăng 10 máy tạo oxy, 600 máy đo nhịp tim (SPO2), 800 chai nước rửa tay, 500 bộ thuốc FO, 5.000 khẩu trang N95, 5.000 khẩu trang y tế, 500 bộ đồ bảo hộ, 200 hộp xông hương tràm, 10 tấn gạo…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.