Vận tải

TP.HCM có cán được mốc 600 triệu hành khách đi xe buýt?

19/07/2017, 19:40

Trong 6 tháng cuối năm 2017, Sở GTVT TP. HCM phấn đấu sản lượng hành khách xe buýt đạt hơn 300 triệu lượt khách.

DSC_3057

Thiếu trạm nạp nhiên liệu gây khó khăn cho các DN xe buýt CNG 

Chiều 19/7, Sở GTVT TP.HCM tổ chức họp về tình hình vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP. Theo đó, sẽ phấn đấu sản lượng trong năm 2017 đạt 600 triệu hành khách. 

Theo Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, chỉ tiêu khối lượng vận tải hành khách công cộng của năm 2017 là 600 triệu lượt hành khách. Trong đó, kế hoạch khối lượng vận chuyển của các tuyến xe buýt phổ thông có trợ giá là 244 triệu lươt hành khách. Đến nay khối lượng vận tải hành khách công cộng trong 6 tháng đầu năm đạt 272,8 triệu lượt hành khách đạt 45,4% so với kế hoạch đề ra. So với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 2,6%.

Để nâng sản lượng hành khách đi xe buýt, trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã điều chỉnh 149 đoạn lộ trình của 90 tuyến xe buýt do ảnh hưởng của phân luồng giao thông phục vụ thi công các công trình. So với cùng kỳ năm 2016, khối lượng vận chuyển trên các tuyến xe buýt phổ thông có trợ giá tăng. Đây là kết quả của việc thực hiện nhiều giải pháp từ năm 2016 đến nay nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, từ đó thu hút người dân quay trở lại sử dụng xe buýt để đi lại.

Theo ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, so với năm ngoái sản lượng hành khách tăng là một tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên trong vận chuyển xe buýt phổ thông có trợ giá chỉ đạt 44,8% so với kế hoạch do một số nguyên nhân như: Khó khăn trong thương thảo ký kết hợp đồng trợ giá năm 2017; phương tiện xuống cấp, công tác đầu tư phương tiện mới thay thế trên các tuyến chậm do khó khăn trong việc đầu tư các trạm khí CNG nên chưa thu hút người dân sử dụng xe buýt.

Chất lượng dịch vụ tuy có nhiều thay đổi nhưng vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của người dân. Mạng lưới tuyến chưa được quy hoạch bài bản, việc mở mới các tuyến xe buýt có trợ giá còn chậm. Hạ tầng phục vụ cho hoạt động xe buýt (bến bãi, trạm dừng, nhà chờ) còn thiếu. Tình hình ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, phương tiện cơ giới cá nhân tiếp tục tăng nhanh.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến của các HTX xe buýt cho rằng TP nên quan tâm hỗ trợ về vốn cho doanh ngiệp, đặc biệt hỗ trợ lãi vay theo quý để các doanh nghiệp cân đối trả nợ ngân hàng. Đặc biệt có cơ chế hỗ trợ xe buýt CNG, sớm đầu tư trạm nạp nhiên liệu…

Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm HTX 15 cho biết: "Hiện nay trạm nhiên liệu CNG rất ít, xa bến (7km) gây khó khăn cho doanh nghiệp, do phát sinh thêm chi phí, gây áp lực cho tài xế...". 

Liên quan đến việc đầu tư xe buýt CNG, ông Cao Thanh Bình, Phó Ban kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM cho biết, đã lắng nghe chia sẻ các khó khăn của doanh nghiệp. Qua cuộc họp này sẽ báo cáo lại HĐND TP để có phương án hỗ trợ cho các DN. Trước khi có sự hỗ trợ của TP, các DN xe buýt cần đánh giá hết nguyên nhân vì sao xe buýt chưa thu hút hành khách. Chủ trương của TP quyến liệt thực hiện đầu tư xe buýt CNG, bởi đây là đề án phù hợp với hướng phát triển của TP theo hướng xanh, sạch, văn minh...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.