Thời sự

TP.HCM: Có hay không việc dẹp vỉa hè để cho thuê?

13/06/2017, 10:05

Sở GTVT TP.HCM cho rằng, đề án tăng phí cho thuê vỉa hè chỉ thực hiện trên những tuyến đường đang cho thuê...

10

TP.HCM đề xuất tăng mức phí ô tô đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè

Sở GTVT TP.HCM cho rằng, đề án tăng phí cho thuê vỉa hè chỉ thực hiện trên những tuyến đường đang cho thuê từ chục năm trước với mục đích tăng phí nhằm sử dụng vỉa hè, lòng đường có hiệu quả, bảo đảm ATGT…

Cho thuê vỉa hè 12.000 đồng/m2/tháng là quá thấp

Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, trên địa bàn TP có 172 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và đỗ xe dưới lòng đường có thu phí. Việc chỉ cho phép sử dụng “tạm thời” nhằm tạo điều kiện cho người dân buôn bán, nhu cầu giữ xe của khách vãng lai. Khi Nhà nước có yêu cầu về sử dụng vỉa hè, lòng đường vào mục đích khác sẽ thu hồi lại.

Hiện nay, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP là thu lệ phí khai thác đất công, chợ, đường phố, bến bãi, cảng, với mức thu 12.000 đồng/m2/tháng. Sở GTVT cho rằng, mức thu này áp dụng từ năm 1990 là quá thấp và không còn phù hợp với tình hình KT-XH của TP cũng như chế độ thu, nộp chưa thống nhất giữa các quận huyện.

Theo đề án, Sở GTVT đề xuất sẽ áp dụng công nghệ thông tin, gắn camera để giám sát việc thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường để tránh thất thoát. Thay vì thu 5.000 đồng/lượt như hiện nay, mức thu mới đối với ô tô từ 10 chỗ trở xuống tại khu vực I (từ 5h-21h) là 20.000 đồng/xe/lượt ban ngày, 40.000 đồng/xe/lượt ban đêm; Ô tô trên 10 chỗ tại khu vực I là 25.000 đồng/lượt ban ngày, 50.000 đồng/lượt ban đêm. Hiện, đề án đang được gửi đến các sở, ngành để lấy ý kiến xem đề xuất mức giá đã hợp lý hay chưa, UBND TP cho ý kiến. Nếu được HĐND TP thông qua, sẽ áp dụng ngay trong năm 2017.

Theo đề xuất, mức thu phí mới được tính toán lại cho phù hợp dựa trên diện tích đất sử dụng, giá đất hàng năm do UBND TP ban hành và tỷ lệ % tính theo giá đất tùy theo khu vực. Mức thu vỉa hè hàng tháng được tính bằng giá đất bình quân khu vực của 1m2 nhân với tỷ lệ % giá đất nhân với diện tích vỉa hè mà hộ dân sử dụng. Chẳng hạn, giá đất bình quân ở quận 1 là 60 triệu đồng/m2, tính ra mức thu phí vỉa hè sẽ là 100.000 đồng/m2/tháng. Hay như ở quận 3, giá đất trung bình là 45 triệu đồng/m2, thì mức thu phí vỉa hè là 80.000 đồng/m2/tháng.

Sở GTVT cũng cho biết, đối với các hộ nghèo hoạt động kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa sẽ được giảm 50% mức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè. Số tiền thu phí trên, Sở GTVT đề nghị nộp vào ngân sách TP và chi phí cho việc duy tu, bảo trì đường bộ, bến bãi.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND quận 9 cho rằng, mục đích thu phí vỉa hè để người dân có ý thức hơn trong việc sử dụng vỉa hè, tạo sự công bằng, vì ai muốn kinh doanh đều phải trả phí. Tuy nhiên, không phải vỉa hè nào cũng thu phí được, đối với quận 9 những tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3-4m2 rất hiếm, còn lại là những vỉa hè nhỏ chỉ đủ chỗ cho người đi bộ, thậm chí có những tuyến đường còn không có vỉa hè.

“Để thu phí, vỉa hè đó phải rộng, sau khi đã trừ chỗ để xe của người dân ngay trước cửa nhà, diện tích cho người đi bộ, phần còn lại vỉa hè sẽ được cho người dân thuê”, ông Tuấn Anh nói.

Không có chuyện dẹp vỉa hè rồi đem cho thuê

Việc Sở GTVT đề xuất tăng phí cho thuê vỉa hè, lòng đường trong thời điểm này khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng thành phố vừa có chiến dịch dẹp vỉa hè giờ lại cho thuê để thu tiền? Lãnh đạo Sở GTVT khẳng định không hề có chuyện này. Tất cả các tuyến đường đề xuất tăng phí cho thuê vỉa hè, lòng đường là những tuyến đường trước đây đã được UBND TP chấp thuận cho thuê và hiện nay vẫn đang cho thuê, thu phí hàng năm. Tuy nhiên, mức giá thu phí tồn tại từ lâu nên không hợp lý, cách thu phí thủ công gây thất thoát.

Ghi nhận của PV tại đường Huyền Trân Công Chúa, quận 1 (đoạn từ góc đường Nguyễn Thị Minh Khai đến Nguyễn Du) hay đường Nguyễn Cư Trinh (từ Trần Hưng Đạo đến Nguyễn Trãi) cho phép đỗ xe theo giờ từ 9h - 16h và từ 19h - 6h với mức phí hiện hành là 5.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, thực tế có những xe không chịu rời đi khi hết giờ mà vẫn đỗ từ sáng tới tối. Anh Nguyễn Văn Nhật, nhân viên thu phí đỗ xe ô tô trên đường Huyền Trân Công Chúa, quận 1 cho biết: “Tuyến đường này cho phép đỗ xe ô tô theo giờ, nhưng chưa đến giờ nhiều xe ô tô đã trực sẵn để được vào đỗ xe. Do phí đậu xe ô tô quá rẻ 5.000 đồng/lượt, họ đỗ từ sáng đến tối, thậm chí hết giờ lại đóng thêm tiền để tiếp tục được đỗ xe”.

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, hiện nay, việc trông giữ xe ô tô tại một số tuyến đường trên địa bàn TP chỉ với mức 5.000 đồng/lượt và không khống chế thời gian đã lạc hậu, mức giá quá thấp so với mặt bằng chung. Trong khi tại các bãi đỗ xe, trung tâm cao ốc, phí đỗ xe ô tô từ 30.000 - 50.000 đồng và chỉ được đỗ xe theo giờ. “Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người đem xe ô tô ra đường đỗ cả ngày, làm ảnh hưởng đến các phương tiện khác”, ông Đường nói.

TS. Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM nhận định, trong điều kiện hạ tầng giao thông hiện nay đang quá tải, TP không nên xem việc thu phí vỉa hè, lòng đường là nguồn thu kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế để tạo công bằng cho người dân, vỉa hè không thể cho không mà bắt buộc phải thu phí. “Do vậy, cần xem xét đối tượng nào được sử dụng vỉa hè, chẳng hạn đối tượng được kinh doanh bán báo trên vỉa hè hay người bán hàng rong những sản phẩm văn hóa cần cho xã hội thì được ưu tiên. Còn những đối tượng thuê vỉa hè làm kinh doanh quán nhậu, giải khát thì nên hạn chế”, TS. Trần Du Lịch nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.