Bảo hiểm

TP.HCM công khai danh sách đơn vị nợ bảo hiểm, nhiều nơi nợ gần chục tỷ

28/04/2022, 11:43

Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM vừa công bố danh sách 994 đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng và từ 300 triệu đồng trở lên.

Ngày 28/4, BHXH TP.HCM vừa công bố danh sách 994 đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng và từ 300 triệu đồng trở lên. Số liệu nợ này tính đến hết ngày 31/3 và cập nhật đến hết ngày 21/4. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp nợ BHXH lên đến nhiều tỷ đồng.

Theo thống kê, nhiều đơn vị doanh nghiệp do BHXH TP.HCM quản lý nợ BHXH lên gần chục tỷ đồng như: Công ty Cổ đầu tư xây dựng số 8 (Q.Bình Thạnh) nợ hơn 9 tỷ đồng, Công ty CP đầu tư tư vấn xây dựng giao thông phía nam (Q.Gò Vấp) nợ hơn 7 tỷ đồng, Công ty CP Dệt may Gia Định (Q.1) nợ hơn 8 tỷ đồng, Công ty TNHH Vinawood (Khu Chế xuất Linh Trung II) nợ hơn 7 tỷ đồng, Công ty TNHH Kondo Việt Nam (huyện Nhà Bè) nợ hơn 8 tỷ đồng…

img

Doanh nghiệp nợ BHXH sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Ảnh minh họa.

Đối với doanh nghiệp thuộc sự quản lý của BHXH các quận, huyện quản lý cũng có nhiều doanh nghiệp nợ BHXH lên đến vài tỷ đồng. Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (Q.1) nợ hơn 3 tỷ đồng, Công ty CP Đại Nam Việt (Q.1) nợ hơn 5 tỷ đồng, Công ty TNHH Việt Nam Phát (Q.1) nợ hơn 4 tỷ đồng, Công ty CP Dream Viet Education (Q.1) nợ hơn 5 tỷ đồng, Trung tâm Bưu chính Sài Gòn (Q.1) nợ hơn 4 tỷ đồng, Chi nhánh TP.HCM - Công ty CP ĐT TM QT Mặt trời đỏ (Q.3) nợ hơn 7 tỷ đồng, Công ty TNHH Dịch vụ cung ứng lao động Bến Thành (Q.3) nợ hơn 9 tỷ đồng, Công ty CP Tàu Cuốc (Q.7) nợ hơn 4 tỷ đồng, Công ty CP Việt kiến trúc (Q.7) nợ hơn 4 tỷ đồng, Công ty TNHH TM DV VT XD Giao thông T&T (Q.10) nợ hơn 4 tỷ đồng, Công ty CP Cơ điện Hoàng Hưng (Q12) nợ hơn 8 tỷ đồng…

Tại TP.Thủ Đức cũng có nhiều doanh nghiệp thuộc BHXH TP.Thủ Đức nợ bảo hiểm lên đến nhiều tỷ đồng: Công ty TNHH Xây dựng dân dụng và công nghiệp Nam Việt nợ hơn 8 tỷ đồng, Công ty CP NISO nợ hơn 6 tỷ đồng, Công ty TNHH Việt Thắng Jean nợ hơn 9 tỷ đồng, Công ty CP dệt may Liên Phương nợ hơn 8 tỷ đồng, Công ty TNHH TM QT Dệt may Việt Nam nợ hơn 9 tỷ đồng, Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên nợ hơn 8 tỷ đồng, Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Phước Nguyên nợ hơn 8 tỷ đồng…

Nhìn nhận về vấn đề nhiều doanh nghiệp nợ BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động, luật sư Trương Hồng Điền, Trưởng Văn phòng Luật sư Xuân Phú (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho biết: Người sử dụng lao động chậm đóng BHXH trong nhiều tháng liền thì người lao động sẽ bị ảnh hưởng đến nhiều quyền lợi, không được hưởng các trợ cấp theo các chính sách pháp luật hoặc không được BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất.

Theo luật sư Điền, doanh nghiệp nợ tiền BHXH nhiều tháng liền có thể đối mặt với các chế tài theo Điều 56, Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH. Thứ hai, có thể bị phạt tài chính nếu chậm đóng BHXH. Căn cứ theo Khoản 4, Điều 38, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ban hành ngày 1/3/2020.

“Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi biết công ty nợ BHXH, trước tiên, người lao động cần thực hiện quyền gửi đơn khiếu nại đến công ty để yêu cầu công ty đóng BHXH bổ sung. Nếu như, công ty vẫn không thực hiện việc đóng bổ sung, người lao động khiếu nại với Chánh thanh tra Sở LĐTBXH TP.HCM. Đồng thời, có thể khởi kiện lên TAND có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết tranh chấp.

Khi phát hiện doanh nghiệp không đóng BHXH cho mình, người lao động cần thông tin với ban chấp hành công đoàn cơ sở và LĐLĐ TP.Thủ Đức hoặc Quận, Huyện nơi công ty hoạt động. Tổ chức công đoàn sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm, đồng thời đại diện hỗ trợ người lao động khởi kiện ra tòa án”, luật sư Điền ý kiến.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.