Xã hội

Cưỡng chế khu đất vàng bị chiếm dụng giữa trung tâm TP.HCM khó thế sao?

13/12/2022, 12:50

Việc chậm cưỡng chế thu hồi đất vàng giữa trung tâm TP.HCM không chỉ gây thất thoát tài sản Nhà nước mà còn khiến vấn nạn bến xe lậu nhức nhối.

Ngày 13/12, nguồn tin của Báo Giao thông xác nhận UBND TP.HCM đã có chỉ đạo về việc chấn chỉnh tình trạng xe hợp đồng trá hình, bến cóc trên địa bàn thành phố.

Theo đó, tại văn bản 10907, Văn phòng UBND TP.HCM truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM sau khi có công văn của Báo Giao thông gửi đến lãnh đạo UBND thành phố, phản ánh về tình trạng đất vàng bị chiếm dụng trái phép và tình trạng xe hợp đồng trá hình, bến cóc.

“Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường chỉ đạo, giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chủ trì, phối hợp với UBND quận 10 khẩn trương rà soát, có ý kiến phản hồi về việc thu hồi khu đất 419 Lê Hồng Phong, gửi Báo Giao thông.

Giao Sở GTVT TP phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, có ý kiến phản hồi về công tác chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn thành phố, gửi Báo Giao thông", văn bản của Văn phòng UBND TP.HCM nêu rõ.

img

Xe khách Thành Bưởi đi tuyến TP.HCM - Đà Lạt xuất phát từ khu đất vàng 419 Lê Hồng Phong

Bao giờ có câu trả lời từ Sở Tài nguyên & Môi trường và Thanh tra Sở GTVT?

Trước đó, ngày 18/11, Báo Giao thông đã có công văn gửi ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phản ánh về tình trạng xe hợp đồng trá hình, bến cóc diễn ra trên địa bàn nhiều quận huyện ở TP.HCM.

Thậm chí có doanh nghiệp là Công ty Thành Buởi thuê khu đất số 419 Lê Hồng Phong, quận 10 để tập trung nhiều phương tiện chở khách đi tuyến TP.HCM - Đà Lạt. Khu đất này có diện tích hơn 11.000m2 thuộc sở hữu nhà nước, cho doanh nghiệp thuê sử dụng và đã hết hạn thuê từ 31/12/2021. Ngày 28/5/2021, UBND TP.HCM đã có quyết định thu hồi khu đất để xây trường học.

Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, đến nay khu đất này vẫn đang bị chiếm dụng, cho thuê lại trái phép.

Trước đó, Báo Giao thông cũng đã có công văn (ngày 3/11/2022) gửi lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đề nghị cung cấp thông tin về thực trạng thu hồi khu đất 419 Lê Hồng Phong. Nhưng hơn một tháng qua, Sở này vẫn chưa phản hồi.

Ngoài ra, Báo cũng đã có công văn gửi Thanh tra Sở GTVT TP.HCM vào ngày 18/11/2022, song đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. Đáng nói, khu đất vàng nằm ngay gần với trụ sở của Thanh tra Sở GTVT, hoạt động đón trả khách diễn ra sôi động như vậy, lẽ nào Thanh tra không biết?

Một cử tri phường 2, quận 10 cho biết, trong các cuộc họp chi bộ, tiếp xúc cử tri, vấn đề hoạt động đón trả khách bên trong khu đất 419 Lê Hồng Phong đều được nêu ra. Các kiến nghị được tập hợp lại chuyển lên phường, quận nhưng đến nay không có chuyển biến gì. Điều khiến người dân cảm thấy khó hiểu nhất là vì sao đến nay vẫn chưa thể cưỡng chế khu đất khi thời gian thuê đã hết hạn, thành phố cũng đã có quyết định thu hồi.

"Vậy liệu rằng có vùng cấm nào hay không?", cử tri này đặt câu hỏi.

Quận 10 vẫn đang chờ quyết định cưỡng chế

Mới đây, trả lời Báo Giao thông qua văn bản, bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP.HCM cho hay, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện Quyết định số 1968 (quyết định thu hồi đất của UBND TP.HCM) từ năm 2021. Tuy nhiên Công ty Cổ phần Giáo dục G Sài Gòn (tiền thân là Công ty cổ phần Giày Sài Gòn) không chấp hành quyết định này.

Sau khi đã hết hạn cho thuê từ ngày 31/12/2020, đến ngày 28/5/2021 UBND TP.HCM đã có quyết định thu hồi khu đất tại 419 Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10 do Công ty CP giáo dục G Sài Gòn thuê trả tiền hàng năm.

Thế nhưng, kể từ khi có quyết định thu hồi đến nay, Công ty CP giáo dục G Sài Gòn vẫn không chịu trả lại đất cho nhà nước.

Theo ghi nhận, khu đất có diện tích gần 11.000m2 tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong, với 3 mặt tiền (đường Vĩnh Viễn, Lê Hồng Phong, Trần Nhân Tông) hiện vẫn đang bị Công ty CP giáo dục G Sài Gòn chiếm dụng, cho thuê trái phép.

Bên trong khuôn viên khu đất gần 11.000m2 này, hàng ngày có rất nhiều xe khách giường nằm, xe tải, xe trung chuyển, taxi, xe công nghệ ra vào tấp nập.

"Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP.HCM làm hết trách nhiệm và đã báo cáo thực trạng này lên cơ quan chức năng. Hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đã giao Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu báo cáo UBND TP.HCM giao chủ tịch UBND quận 10 cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi theo quy định", văn bản nêu.

Trong khi đó, UBND quận 10 cho biết, chưa có thông tin về việc triển khai cưỡng chế khu đất 419 Lê Hồng Phong. Trong nhiều năm, quận cũng đã tha thiết đề nghị sớm thu hồi khu đất để xây trường học, bởi đây là nhu cầu cấp thiết.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Bùi Kiến Thành, đây không chỉ là câu chuyện để lãng phí một khu đất rộng hàng nghìn m2 giữa trung tâm thành phố, mà là vấn đề thực thi pháp luật. "Cho dù chỉ 1 m2, nhưng khi đã có quyết định thu hồi thì cơ quan được giao phải thực thi. Đó là chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm phải làm", ông Thành nói.

Theo ông Thành, quyết định thu hồi đất có đầy đủ căn cứ, quy định theo Luật Đất đai thì không cần phải “hỏi lại” các bước để thực thi. Việc cưỡng chế là một bước cuối cùng của việc thu hồi đất, cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện thì phải triển khai.

“Việc để kéo dài tình trạng này, cần xử lý trách nhiệm lãnh đạo cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thu hồi đất cho nhà nước nhưng lại không thực hiện", ông Thành nói.

Theo luật sư Lê Văn Hoan, Trưởng văn phòng luật sư Lê Văn (Đoàn luật sư TP.HCM), theo quy định của Luật Đất đai, trước khi đến bước cưỡng chế, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành công tác vận động, thuyết phục. Các bước này làm xong rồi nhưng vẫn chưa thể thu hồi thì đã đủ căn cứ để ra quyết định cưỡng chế.

"Nếu trong quá trình cưỡng chế mà bên thuê chống đối, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi người vi phạm sẽ xử lý xử phạt hành chính nhưng cũng có thể là hình sự", luật sư nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.