Hạ tầng

TP.HCM: Đấu giá 34 khu đất dọc các tuyến metro số 1, 2?

05/08/2021, 10:48

Có nhiều khu đất dọc các tuyến metro số 1, 2, đường cao tốc, nếu tổ chức đấu giá, thành phố sẽ thu được nguồn vốn để đầu tư hạ tầng.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc vừa có báo cáo gửi UBND TP.HCM về việc rà soát các quỹ đất dọc các tuyến metro, cao tốc, Vành đai trên địa bàn thành phố.

Qua rà soát xác định có 34 khu đất đã được đề xuất lập Thiết kế đồ án riêng 1/500. Trong đó, có 9 đồ án đã được chấp thuận danh mục, ghi vốn và đang thực hiện.

img

Theo các chuyên gia, quỹ đất dọc các tuyến đường giao thông khá lớn, nếu được quy hoạch, tổ chức đấu giá theo thị trường, Thành phố sẽ thu được một nguồn vốn khá lớn để tái đầu tư cho hạ tầng giao thông.

Có 10 đồ án đã được chấp thuận danh mục nhưng chưa ghi vốn thực hiện. Và 15 đồ án chưa được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương. Sau khi làm việc với các quận, huyện, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã xác định được phạm vi ranh, định hướng nội dung thiết kế đô thị riêng và xác định đơn vị làm chủ đầu tư thực hiện các đồ án này.

Năm 2020, UBND thành phố đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với các quận, huyện rà soát các khu đất dọc các tuyến metro số 1, 2 và các đường cao tốc. Việc này nhằm nâng cao hiệu quả khai thác các quỹ đất khi nhà nước bỏ tiền ra xây dựng hạ tầng giao thông.

Đối với các khu vực dọc tuyến metro số 1, có 11 đồ án quy hoạch riêng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất rà soát, hoàn tất thủ tục pháp lý về đăng ký danh mục, thẩm định và trình duyệt tổng dự toán.

Đối với 10 đồ án quanh xung quanh các nhà ga dọc tuyến metro số 2, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị tạm ngưng đồ án thiết kế đô thị riêng, tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.

Có 7 đồ án ở các khu vực khác như dọc cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1, mặc dù đã được UBND Thành phố chấp thuận danh mục, nhưng Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị thanh lý hoặc ngưng thực hiện.

Trước đó từ năm 2020, UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc lập tổ công tác rà soát, xác định ranh quỹ đất xung quanh các nhà ga dọc tuyến metro số 1, 2, và các đường cao tốc, Vành đai trong bán kính từ 500 - 800m và đề xuất giải pháp quy hoạch, khai thác hiệu quả, tăng nguồn vốn cho ngân sách.

Theo các chuyên gia, hiện thành phố hàng năm bỏ ra một khối lượng tiền rất lớn để đầu tư hạ tầng giao thông, nhưng khi được làm xong, giá đất tăng lên gấp nhiều lần mà nhà nước không thu được gì, chủ yếu đưa lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp bất động sản.

Nếu xác định được quỹ đất trên, thành phố tổ chức đấu giá theo giá thị trường khi hạ tầng giao thông được đầu tư xong sẽ đem lại một nguồn thu lớn cho ngân sách để bù vào nguồn vốn đầu tư cho giao thông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.