Quản lý

TP.HCM: Đề xuất cơ chế khẩn cấp đầu tư dự án chống ùn tắc

18/04/2017, 10:02

TP.HCM đang đề xuất Chính phủ nhiều cơ chế khẩn cấp đầu tư một loạt dự án hạ tầng giao thông...

14

TP.HCM: Đề xuất cơ chế khẩn cấp đầu tư dự án chống ùn tắc

Cụ thể, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt để thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với nhiều dự án như: Xây dựng đoạn tuyến vành đai 2 từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội, bao gồm nút giao Bình Thái (Q.9); tuyến vành đai 2 đoạn từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức); đoạn tuyến vành đại 2 từ nút giao An Lạc đến Nguyễn Văn Linh (Q.Bình Tân); đường trên cao số 1; nâng cấp mở rộng QL22; cầu Cần Giờ; đường trục Bắc - Nam gồm hai đoạn từ đường Hoàng Diệu (Q.4) đến Nguyễn Văn Linh (Q.7) và đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến KCN Hiệp Phước; cầu Thủ Thiêm 4; bãi đậu xe ngầm tại sân bóng đá Tao Đàn; nạo vét khai thông tuyến rạch Ông Nhiêu; Trung tâm Điều khiển và hệ thống giao thông đô thị thông minh.

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, đây là các dự án do nhà đầu tư đề xuất đầu tư theo hình thức PPP và có tính khả thi cao, mang lại lợi ích cho xã hội, cho Nhà nước. UBND TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận thực hiện theo lệnh khẩn cấp, cấp bách và cho phép thành phố áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các bước lập dự án, khảo sát, thiết kế; và chỉ định thầu bước thi công xây dựng một số dự án. Trong đó, có đường trục Bắc - Nam đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến KCN Hiệp Phước; cầu Thủ Thiêm 4; bãi đậu xe tại sân bóng đá Tao Đàn; nạo vét tuyến rạch Ông Nhiêu; Trung tâm Điều khiển và hệ thống giao thông đô thị thông minh; cầu qua đảo Kim Cương (Q.2) và cầu vượt thép tại nút giao Công trường Dân Chủ.

UBND TP.HCM cho biết, đây là những công trình nằm ở khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc, kẹt xe. Chẳng hạn với tuyến đường trục Bắc - Nam đoạn từ Hoàng Diệu (Q.4) đến Nguyễn Văn Linh (Q.7) thường xuyên xảy ra ùn tắc sáng chiều. Từ khi khu đô thị Nam Sài Gòn và các khu đô thị ở Nhà Bè, Hiệp Phước phát triển, lượng phương tiện lưu thông vào trung tâm thành phố càng lớn. Trong khi đó, các tuyến đường, cầu đã trở nên quá tải. Với tổng mức đầu tư khoảng 5.430 tỷ đồng, tuyến đường dài 3,8 km, rộng 40-60 m (8-10 làn xe) bắt đầu ở đường Hoàng Diệu (chân cầu Ông Lãnh - quận 4) và điểm cuối nối với đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), dự án sau khi hoàn thành được kỳ vọng giảm ùn tắc cho các xe từ phía Nam thành phố vào trung tâm và ngược lại.

Hay như tại nút giao vòng xoay Dân Chủ, thường xuyên chịu cảnh ùn tắc vào giờ cao điểm bởi đây là nơi giao nhau của nhiều tuyến đường chính như: Cách Mạng Tháng Tám, Võ Thị Sáu, Ba Tháng Hai, Lý Chính Thắng… Các phương tiện từ đường Võ Thị Sau hướng về quận 10, Tân Bình thường bị tắc khi gặp nút giao này. Việc xây dựng cầu vượt thép tại đây là điều cần sớm triển khai để giảm ùn tắc.

“Lý do phải đề xuất các cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, chỉ định thầu với các dự án này là căn cứ vào tình hình thực tế và tính ưu tiên, cấp bách cần để kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Nếu triển khai theo đúng trình tự thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu thầu thi công rất mất thời gian, trong khi công trình là cấp bách”, đại diện lãnh đạo TP.HCM cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.