Hạ tầng

TP.HCM đề xuất làm 5 tuyến đường sắt kết nối các tỉnh phía Nam

04/12/2020, 11:42

Các tuyến đường sắt này sẽ kết nối các nhóm cảng biển TP.HCM với các tỉnh khu vực phía Nam, kỳ vọng tạo ra cuộc cách mạng trong ngành logistics.

img

UBND TP.HCM vừa phê duyệt đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP đến năm 2025, định hướng đến 2030. Trong đó, đề án chú trọng phát triển mạng lưới đường sắt để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt, kết nối các nhóm cảng biển quan trọng của TP.HCM với các tỉnh thành khu vực phía Nam.

Cụ thể, thành phố đề xuất xây dựng mới 5 tuyến đường sắt tốc độ cao. Tuyến thứ 1 là tuyến TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ (dự kiến kéo dài đến Cà Mau), kết nối với đường sắt Bắc - Nam, có điểm cuối là ga An Bình (Cần Thơ).

Tuyến 2: TP.HCM - Tây Ninh (định hướng kéo đến cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát), kết nối với đường sắt TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ tại ga Tân Chánh Hiệp (TP.HCM).

Tuyến 3: tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Cảng hàng không quốc tế Long Thành với điểm đầu tại ga Thủ Thiêm.

Tuyến 4: tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, ưu tiên xây dựng trước đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như TP.HCM - Nha Trang.

Tuyến 5: là tuyến đường sắt đôi chuyên dụng kết nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Hiệp Phước (TP.HCM) và cảng Long An.

Bên cạnh đó, đề án cũng đề xuất Bộ GTVT nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam hiện có, đảm bảo tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90 km/h đối với tàu khách và 50 - 60 km/h đối với tàu hàng.

Đề án đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP.HCM đến năm 2025 đạt 15%, đến năm 2030 đạt 20%.

Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GDP TP.HCM đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10 - 15%.

Để đạt được mục tiêu đó, đề án đề ra nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng logistics ở cả đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.