Chất lượng sống

TP.HCM: Dịch tay chân miệng bùng phát, các dấu hiệu cha mẹ dễ nhận biết

07/10/2019, 19:45

Bộ Y tế ghi nhận đến 1/10, cả nước đã có hơn 53.000 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh thành, trong đó có 6 trường hợp tử vong...

img
Dịch bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ tiếp tục tăng cao

Chiều 7/10, PV Giao thông có mặt tại Khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) ghi nhận tình hình bệnh tay chân miệng. Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1, mấy tuần qua trẻ em mắc bệnh tay chân miệng tăng đột biến. Hiện đang có hơn 180 trẻ mắc tay chân miệng điều trị và trung bình 1 giờ có thêm 7 ca mới nhập viện. Khoa Nhiễm - Thần kinh đã tập trung cao độ các bác sĩ về khoa để cứu chữa các bệnh nhi.

Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết đang là cao điểm của dịch tay chân miệng nên phụ huynh cần chuẩn bị tâm thế trẻ có thể mắc bệnh, dù có đi nhà trẻ hay không. Đặc biệt chú ý với trẻ dưới 3 tuổi. Nếu bé sốt nhẹ 1-2 ngày, sau đó nổi bóng nước thì phải để ý. Còn nếu trước đó trẻ không sốt, nhưng lại bị chảy nước miếng, bỏ ăn, phải quan sát kỹ xem trẻ có lở miệng hoặc nổi đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân hay không. Khi thấy trẻ sốt cao, khó hạ và cứ hết thuốc lại tiếp tục sốt hoặc trẻ sốt 2 ngày, có biểu hiện ói thì phải đưa trẻ đi khám ngay.

Bác sỹ Khanh cũng lưu ý các phụ huynh: Khi trẻ thiu thiu ngủ bị giật mình chới với, hoặc trong 30 phút mà giật mình 2 lần trở lên thì chắc chắn đã bị biến chứng tay chân miệng. Một số biểu hiện khác là trẻ yếu tay yếu chân, đi đứng loạng choạng, nổi mụn đỏ, thở khó, thở mệt, mạch nhanh, huyết áp cao... thì phải đưa tới bệnh viện thăm khám.

img
Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 tại phòng cấp cứu

“Nếu phụ huynh nhận biết được các dấu hiệu trẻ mắc tay chân miệng sớm và đưa tới cơ sở y tế điều trị kịp thời sẽ tránh được các biến chứng nặng, dễ khỏi bệnh hơn”, bác sỹ Trương Hữu Khanh khẳng định.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tuần qua thành phố có hơn 347 ca nhập viện vì bệnh tay chân miệng, tăng 47% so với trung bình của 4 tuần trước. Tính tới thời điểm này, thành phố có hơn 3.568 ca nhập viện vì căn bệnh truyền nhiễm này. Từ giữa tháng 7, lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám, điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM gia tăng. Các chuyên gia y tế cảnh báo bệnh đang vào mùa, có xu hướng lây lan nhanh nếu không thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.