Hạ tầng

TP.HCM khai trương cảng Tân cảng Hiệp Phước

19/05/2015, 16:54

Cảng Tân cảng Hiệp Phước đảm nhiệm phân khúc tàu trọng tải 5 vạn DWT đầy tải và 7 vạn DWT vơi tải...

IMG_2402
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công phát biểu tại lễ khai trương Tân cảng Hiệp Phước

Ngày 19/5, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn vừa tổ chức khai trương cảng Tân cảng Hiệp Phước. Với tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng, cảng Tân cảng Hiệp Phước có diện tích đầu tư 18,7 ha được xây dựng chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 được khởi công từ tháng 12/2013 đến tháng 11/2014 gồm 12.05 ha với 300 mét cầu tàu, tiếp nhận tàu 50.000 DWT và 253 mét bến trung chuyển sà lan tiếp nhận tàu, sà lan 2.000 DWT.

Sau 11 tháng thi công, giai đoạn 1 cảng Tân cảng Hiệp Phước hoàn thành trước kế hoạch 4 tháng. Sáng 15/12/2014, Tổng công ty Tân Cảng  Sài Gòn đã đón chuyến tàu đầu tiên cập cảng Tân Cảng Hiệp Phước. Chiếc tàu đầu tiên cập cảng mang tên SAIGON BRIDGE của hãng tàu SITC. Đến nay, cảng đang đón các hãng tàu SITC, PIL, TSL, OOCL, Wanhai, K"LINE/HJC/PIL, EVERGREEN có tàu cập cảng, với số lượng tàu tiếp nhận từ 12 - 15 chuyến tàu/1 tuần.

IMG_3868
Cảng Tân cảng Hiệp Phước đủ năng lực tiếp nhận mọi kích cỡ tàu

Giai đoạn 2 được khởi công từ tháng 12/2014 đến tháng 5/2015 với 120 mét cầu tàu, 6,2 ha bãi hàng và 198 mét kè bờ trên sông Soài Rạp. Sau hơn 4 tháng khẩn trương thi công, giai đoạn 2 đã hoàn thành trước kế hoạch 2 tháng, đưa toàn bộ cảng Tân cảng Hiệp Phước gồm 420 mét cầu tàu tiếp nhận tàu 50.000 DWT đầy tải và 70.000 DWT hạ tải; 253 mét bến sà lan tiếp nhận sà lan 2.000 DWT; 17ha bãi chứa hàng, thiết bị. gồm: 06 cầu bờ Kock, 01 cẩu cố định, 08 cẩu RTG 6+1, 05 xe nâng hàng, 34 xe đầu kéo đi vào khai thác, có khả năng thông qua 800.000 đến 1.100.000 teus/năm, 100.000 tấn hàng rời, với tổng sản lượng quy đổi thông qua gần 9 triệu tấn/năm.

Hiện nay, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã đề nghị và được UBND TP.HCM nhất trí về chủ trương cho đầu tư 5.000m cầu tàu, 300 ha bãi, xây dựng cảng container và cảng tổng hợp tại KCN Hiệp Phước, nằm trong khu quy hoạch dành cho cảng biển cuối cùng của TP. HCM trên sông Soài Rạp. Dự kiến từ năm 2020, Tổng công ty sẽ triển khai đầu tư cảng phù hợp với tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng của TP. HCM ở khu vực này…

Phát biểu tại buổi lễ, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm, Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết: Sự ra đời của cảng Tân cảng Hiệp Phước trên luồng Soài Rạp, nằm trong quy hoạch nhóm cảng biển số 5 và khu công nghiệp Hiệp Phước góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu đô thị cảng phía Nam TP. HCM. Cảng Tân cảng Hiệp Phước đảm nhiệm phân khúc tàu trọng tải 5 vạn DWT đầy tải và 7 vạn DWT vơi tải, cho phép hệ thống cảng Tân cảng Sài Gòn có thể tiếp nhận được tất cả các kích cỡ tàu.

Xác định đây sẽ là điểm kết nối hàng hóa quan trọng của các nước vùng nội Á, Tổng Công ty đã chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đây cũng là nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh kinh tế vĩ mô, đặc biệt là xuất nhập khẩu đang trên đà tăng trưởng tốt…

Thay mặt lãnh đạo TP. HCM, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Hữu Tín ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, đóng góp của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho sự phát triển của Thành phố nói riêng và cả nước. Tổng Công ty không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng, song song đó, là sự phát triển kinh tế, có ảnh hưởng quan trọng với các vùng miền.

Việc khai trương cảng Tân cảng Hiệp Phước sẽ càng tạo điều kiện để Tổng Công ty đẩy nhanh phát triển dịch vụ logistics. Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất để Tổng Công ty hoạt động phát triển kinh tế biển, khẳng định thương hiệu trong nước và quốc tế.

IMG_2419
Các đại biểu cắt băng khánh thành

Thứ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công chúc mừng Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn nhân sự kiện khai trương Tân cảng Hiệp Phước; đồng thời, Thứ trưởng cũng cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển tương đối đồng bộ (với 40km cảng biển, trang thiết bị và các công trình phụ trợ) cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, hiện nay có rất ít cảng biển, bến cảng đáp ứng với chuẩn mực quốc tế, rất ít doanh nghiệp sánh vai với các doanh nghiệp cảng biển hàng đầu trên thế giới, ngoại trừ doanh nghiệp duy nhất là Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn.

“Khai trương Tân cảng Hiệp Phước là minh chứng cho sự nhạy bén, quyết đoán và tầm nhìn của Tổng Công ty Tân Cảng. Tôi đề nghị Tổng Công ty cần có những giải pháp đồng bộ để khai thác hiệu quả cảng biển này. Cảng sẽ có vai trò chủ đạo là “cánh tay nối dài” kết nối giao thương hàng hóa với các tỉnh ĐBSCL. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng cần nghiên cứu các giải pháp trung chuyển hàng hóa để giảm tải cho khu vực trung tâm TP. HCM và chia lửa cho cảng Cát Lái…”, Thứ trưởng Công nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.