Vận tải

TP.HCM kỳ vọng tuyến xe buýt nhanh BRT đầu tiên sẽ đột phá

24/02/2021, 12:48

TP.HCM kỳ vọng 6 tuyến BRT kết hợp cùng các tuyến tàu điện ngầm sẽ thành hệ thống giao thông công cộng mới, đáp ứng 30% nhu cầu đi lại của dân.

img

Tuyến BRT số 1 có điểm đầu tuyến từ vòng xoay An Lạc, điểm cuối tuyến là Ga Rạch Chiếc (Q.2).

UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh vốn và thời gian thực hiện tuyến xe buýt nhanh BRT số 1. Dự án kéo dài thêm 4 năm để hoàn thành thay vì xong từ năm 2019.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc lùi thời gian là hợp lý để chờ hoà vào hệ thống, bởi hiện tại hệ thống giao thông công cộng là tuyến metro số 1 chưa hoàn thiện, cùng với hàng loạt các dự án giao thông vẫn đang trong quá trình thực hiện.

Vốn đầu tư giảm và kéo dài thêm 4 năm

Tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ sau khi điều chỉnh có tổng vốn đầu tư là gần 3.300 tỉ đồng (từ 155,85 triệu USD giảm xuống 143,68 triệu USD). Trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới điều chỉnh từ 142,25 triệu USD thành 123,62 triệu USD (giảm 18,63 triệu USD).

Mặt khác, dự án cũng điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2014 - 2019 thành từ năm 2014 - 2023, tức kéo dài thời gian thực hiện thêm 4 năm.

Theo giải thích của Sở GTVT TP.HCM, việc điều chỉnh vốn vay trên là do qua rà soát tính toán lại, tổng mức đầu tư dự án giảm xuống. Trên cơ sở tiếp nhận ý kiến góp ý của các Sở ngành, dự án được điều chỉnh về vốn đầu tư và thời gian thực hiện dự án.

Tuyến BRT số 1 dài 26 km, chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Điểm đầu tuyến tại vòng xoay An Lạc (Q.Bình Tân) và điểm cuối tại ga Rạch Chiếc (Q.2).

Sau này khi bến xe Miền Tây mới (huyện Bình Chánh) hoàn thành, lộ trình tuyến sẽ được nối dài đến bến xe này.

img

Đường Mai Chí Thọ, Q.2 rộng, phù hợp để tạo làn đường riêng cho xe buýt nhanh. Ảnh Đỗ Loan

Trong giai đoạn đầu, tuyến BRT số 1 có 42 xe sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) với sức chứa 60 - 72 hành khách/xe. Xe chạy với tốc độ 60km/giờ trên làn đường riêng, được bố trí trên hai làn sát dải phân cách trung tâm. Dải phân cách bê tông sẽ được dùng để phân cách giữa làn BRT và làn xe khác.

Dọc theo tuyến có 28 trạm dừng, 2 trạm trung chuyển (Hải Thượng Lãn Ông, Hàm Nghi), 1 nhà ga Rạch Chiếc và bãi hậu cần tại Thủ Thiêm rộng hơn 13.000 m2.

Nhằm tăng khả năng tiếp cận của hành khách tới trạm BRT, có 8 bãi đậu xe cá nhân sẽ được xây dựng tại các trạm. Đồng thời, thành phố sẽ xây dựng mới một số cầu bộ hành và cầu vượt kênh, cải tạo cầu bộ hành hiện hữu xung quanh trạm dừng...

Kỳ vọng đáp ứng 30% nhu cầu đi lại của người dân

Ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM (chủ đầu tư dự án) cho biết, dự án xây dựng tuyến BRT số 1 là tuyến xe buýt nhanh đầu tiên tại TP.HCM. Đây là loại hình vận tải hành khách công cộng mới có khối lượng chuyên chở lớn, thời gian chạy nhanh và an toàn hơn so với xe buýt truyền thống.

Các xe buýt của tuyến BRT số 1 đều sử dụng nhiên liệu là khí nén thiên nhiên CNG, thân thiện với môi trường.

Vì chuyên chở được khối lượng lớn hành khách nên khi đưa vào sử dụng, tuyến sẽ góp phần giải quyết nhu cầu đi lại của người dân thành phố. Đặc biệt, tại điểm đầu của tuyến (nút giao An Lạc) gần với bến xe Miền Tây mới nên sẽ là đầu mối giao thông quan trọng ở cửa ngõ phía Tây, còn tại nút giao Cát Lái sẽ có cầu vượt để kết nối với tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để tăng hiệu quả phục vụ khách.

“Hiện nay, phương tiện vận tải công cộng của thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 6% nhu cầu đi lại của người dân. Trong 20 năm nữa, có 6 tuyến BRT kết hợp cùng các tuyến tàu điện ngầm sẽ tạo thành hệ thống giao thông công cộng mới, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu đi lại của người dân”, ông Phúc nhận định.

Cũng theo ông Phúc, tuyến BRT số 1 có chất lượng dịch vụ tương tự loại hình BRT trên thế giới, đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của loại hình giao thông thông minh. Trong đó, hệ thống vé đề xuất của tuyến BRT số 1 dựa trên thẻ thông minh và NFC (vé điện thoại di động).

Ngoài ra, hệ thống thông tin hành khách (PIS) cho phép hành khách tiếp nhận thông tin và cập nhật về các tuyến, các dịch vụ sẵn có, thời gian đến và đi, các điểm dừng…

PGS.TS. Phạm Xuân Mai, chuyên gia giao thông cho rằng, xe buýt nhanh với lợi thế là thời gian thi công ngắn, chi phí đầu tư thấp (bằng 1/40 vốn đầu tư của metro) nhưng khả năng vận chuyển lớn và tốc độ nhanh, gấp đôi xe buýt hiện nay rất phù hợp với các nước đang phát triển, các thành phố lớn đông dân trên thế giới.

“Khi làm tuyến buýt nhanh BRT chúng ta nên đặt ra câu hỏi, ở nước ngoài hiệu quả thì tại sao Việt Nam lại không? Quan trọng nhất là xe buýt phải chạy đúng giờ, khi đó sẽ có hành khách. Cùng với đó, trên tuyến đường này phải có các tuyến xe buýt kết nối, làm đúng quy trình thì chắc chắn sẽ hiệu quả”, ông Mai nói.

Theo quy hoạch, TP.HCM có 6 tuyến buýt nhanh. Ngoài tuyến buýt BRT trên còn có 5 tuyến khác gồm: tuyến đường Nguyễn Văn Linh - cầu Phú Mỹ (24 km); Vành đai 2 (từ An Sương - Bến xe Miền Tây dài 19 km); Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (từ Kha Vạn Cân đến công viên Hoàng Văn Thụ dài 14,5 km); Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong (từ ngã tư Bốn Xã - Nguyễn Văn Linh dài 8,7 km) và đường Quang Trung dài 8,5 km.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.