Hạ tầng

TP.HCM: Lo vỡ tiến độ đường vành đai 2

19/06/2018, 10:00

TP.HCM đặt mục tiêu khép kín đường vành đai 2 trước năm 2020, nhưng đang lo vỡ kế hoạch vì vướng mặt bằng.

6

Các nhà thầu tiến hành đào bốc hữu cơ để thi công đường nền đường

Công trường nhộn nhịp

Có mặt trên công trường thi công dự án đường vành đai 2 đoạn qua quận Thủ Đức, chúng tôi ghi nhận không khí thi công khá nhộn nhịp. Ông Bùi Thanh Tùng, Trưởng ban QLDA BT của Công ty CP Văn Phú Bắc Ái (chủ đầu tư) cho biết, tranh thủ thời tiết tốt nên các nhà thầu đã huy động thiết bị, nhân lực triển khai tại các vị trí đã được bàn giao mặt bằng.

Tại gói thầu thi công cầu Rạch Lùng, nhà thầu đã triển khai máy thi công cọc khoan nhồi, xử lý đất yếu phần mố cầu. Đến nay, nhà thầu đã khoan được 12/48 cọc khoan nhồi với khối lượng 952m dài cọc và 1.112m3 bê tông. Nhà thầu cũng đã tiến hành đúc cọc sàn giảm tải với khối lượng đạt được 578m chiều dài. Tại cầu Rạch Ông Việt, đơn vị thi công đã khoan cọc nhồi 30/48 cọc trên toàn bộ nhánh cầu trái tuyến và trụ T1P với với khối lượng 1764m dài cọc và 2312m3 bê tông; đúc cọc sàn giảm tải được 2.963m dài và đã thi công trụ cầu T2T đến phần bệ trụ.

Với phần đường, sau khi được bàn giao mặt bằng, các nhà thầu tiến hành dọn dẹp mặt bằng, đào đất hữu cơ, vận chuyển đổ thải. Đồng thời với đó cũng tiến hành thi công cọc đất gia cố xi măng đại trà với khối lượng hơn 29.592m dài; Tiến hành trải vải địa kỹ thuật, đắp cát công trình hơn 26.332m3. “Những vị trí nào có mặt bằng, chúng tôi triển khai thi công ngay. Để đáp ứng tiến độ đồng thời tránh việc tái lấn chiếm trên công trường”, ông Tùng nói.

Vẫn vướng mặt bằng

Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT, đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), công tác chuẩn bị trên công trường của các nhà thầu khá đầy đủ thiết bị, nhân lực. Tiến độ một số hạng mục có chậm nhưng chủ yếu do vướng mặt bằng. Các mũi đang tập trung thi công để đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Ông Trần Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP Văn Phú - Bắc Ái cho biết, đến nay nguồn vốn cho dự án đã được chuẩn bị sẵn sàng nên rất thuận lợi cho các nhà thầu, lo ngại nhất là mặt bằng còn vướng rất nhiều. Một số nơi vướng theo kiểu “da beo” nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Đường vành đai 2 có chiều dài 64km, là tuyến đường quan trọng của TP HCM nhưng hiện vẫn còn 14km chưa được khép kín, bao gồm 8km ở phía quận 9, quận Thủ Đức và 6km ở phía quận 8, huyện Bình Chánh. Ngoài đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa đang triển khai thi công, hiện thành phố vẫn đang tiếp tục kêu gọi đầu tư các đoạn từ vòng xoay An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh; đoạn từ cầu Phú Hữu (Q.9) đến đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức). Mục tiêu của thành phố là sẽ khép kín toàn tuyến này trước năm 2020.

Về công tác GPMB đi qua địa bàn 3 phường gồm Tam Bình, Tam Phú và Linh Đông, địa phương đã kiểm đếm và xác minh nguồn gốc đất 458/467 hồ sơ, còn 9 hồ sơ chưa kiểm đếm do người dân không đồng ý. Giá trị chi trả bồi thường mặt bằng đến nay đã đạt trên 369 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quang Phước, Trưởng ban Bồi thường GPMB quận Thủ Đức cho biết, Ban đang khẩn trương lập hồ sơ bồi thường hỗ trợ trình Phòng Tài nguyên - Môi trường thẩm định và tham mưu cho UBND quận phê duyệt phương án chi tiết các hồ sơ còn lại. Đồng thời, Ban cũng vận động các hộ dân đã nhận tiền bồi thường sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Một trở ngại khác trong công tác GPMB là hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Theo ông Bùi Thanh Tùng, hệ thống điện, cáp viễn thông, đặc biệt là đường ống nước công tác di dời còn khá chậm khiến việc dọn dẹp mặt bằng, đào bốc hữu cơ gặp khó khăn. Một số mũi thi công khi đào xuống gặp đường ống nước đã phải dừng lại vì sợ làm vỡ đường ống.

Kiểm tra tiến độ công trường dự án đường vành đai 2 mới đây, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM đề nghị các nhà thầu cần đưa thêm nhiều thiết bị, nhân công vào công trường, thi công một cách rầm rộ hơn để đảm bảo tiến độ đề ra và hoàn thành vào năm 2020. Về công tác GPMB, ông Cường đề nghị quận Thủ Đức tiếp tục hoàn thiện các thủ tục chi trả cho các hộ dân còn lại, tạo điều kiện để có mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công. “Hiện, nguồn vốn của dự án đã có, vướng mắc lớn nhất là GPMB nên địa phương cần tập trung giải quyết sớm, đặc biệt là tại các vị trí chính yếu như cầu, cống vì thi công mất nhiều thời gian”, ông Cường nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.