Chính trị

TPHCM long trọng khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh

17/05/2015, 13:02

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh có chiều cao là 7,2m, uy nghi trước công trình trụ sở HĐND, UBND thành phố.

TBT Nguyen Phu Trọng dâng hoa
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hoa lên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng nay (17/5) Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại công viên trước Trụ sở HĐND, UBND Thành phố Hồ Chí Minh (quận 1) chính thức khánh thành đúng dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015).

Đây là công trình được nhân dân và chính quyền TP.HCM mong mỏi, ấp ủ trong suốt gần 40 năm qua. 

Buổi lễ trang trọng bắt đầu với nghi thức dâng hoa lên tượng Bác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp theo là Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đã tiến hành nghi thức dâng hoa tươi thắm bên tượng đài Bác.

Ủy viên BCT, Bí thư thành ủy TP mang tên Bác Lê Thành Hải thay mặt Đảng bộ và chính quyền, nhân dân TP HCM đã có bài phát biểu báo công nhân kỷ niệm 125 ngày sinh của Bác. Bí thư Thành ủy Lê Thành Hải nhấn mạnh: “Với tình cảm muôn vàn thương nhớ, kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác (19/5/1890 – 19/5/2015). Dưới tượng đài của Người, Đảng bộ, nhân dân TP cảm nhận sâu sắc hơn tấm lòng vì dân vì nước của Bác, miền Nam là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam, miền Nam luôn đi trước về sau… Chúng con xin hứa luôn nuôi dưỡng lòng yêu nước, thể hiện lòng tôn kính Người, quyết tâm rèn luyện theo gương Bác.

TBT nguyen Phu Trong đọc diễn văn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 125 ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh và khánh thành tượng đài Người

Trong bài phát biểu quan trọng tại lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 125 ngày sinh của Người, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Ban Bí thư TW Đảng đã thông qua quyết định xây dựng một tượng đài xứng tầm với cốt cách tinh thần và công lao của Người tại TP tên Bác từ năm 2011.

Nay công trình đã hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 125 ngày sinh của Người, đây là công trình đạt giá trị cao về mỹ thuật, kỹ thuật, là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị lịch sử với người dân TP và cả nước. Đảng bộ chính quyền Nhân dân TPHCM, phải làm sao quản lý, gìn giữ phát huy công trình tượng đài, để trở thành nơi giáo dục cho thế hệ trẻ và mọi tầng lớp nhân dân tham quan, học tập. Dưới tượng đài của Người, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban chấp hành TW Đảng, xin nguyện noi theo con đường Bác đã chỉ ra, noi gương Bác và làm theo lời Bác…

Đồng chí Phan Minh Tánh, Nguyên UVBCH TW Đảng, Nguyên Trưởng Ban Dân vận TW, Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM đại diện cho các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng bộ và chính quyền thành phố mang tên Bác đã ôn lại quá trình lịch sử hào hùng 40 năm về trước, và không quên lời dạy của Bác, mặc dù đã về hưu nhưng nhiều cán bộ rất vui mừng khi đón nhận một công trình ý nghĩa về lịch sử chính trị của TP và cả nước. Và xin hứa đến hơi thở cuối cùng sẽ học tập và làm theo lời Bác dạy.

Công nhân may Nguyễn Thị Thanh Hằng, thuộc Công ty Dệt may Gia Định, đại diện cho khối công nhân lao động TP mang tên Bác bày tỏ lòng xúc động trong lễ kỷ niệm 125 ngày sinh của người. Mặc dù chưa được gặp Bác, nhưng những đóng góp, công lao của Người dành cho dân tộc Việt Nam đủ thấy cốt cách giản dị mà gần gũi của Bậc lãnh tụ kính yêu. Thế hệ công nhân trẻ TP sẽ tiếp tục rèn luyện tu dưỡng, xông pha cống hiến, chung tay góp xây dựng TP ngày càng phát triển hơn.

Tuong Bac
Tượng đài của Người thong dong, toát lên vẻ đẹp trí tuệ

Thần thái của Người toát lên sự gần gũi

Để có được Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại vị trí trang trọng, trung tâm của thành phố như hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã chuẩn bị, tổ chức triển khai trong hơn 4 năm qua, sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng chính thức đồng ý chủ trương cho thành phố xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại trung tâm hành chính Thành phố.

Một cuộc thi sáng tác mẫu Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh phát động từ tháng 5/2013 đến tháng 8/2013.

Kết quả đã có 32 mẫu phác thảo của 24 tác giả và 1 đơn vị tham gia, được UBND thành phố tổ chức trưng bày để lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Cuối cùng, mẫu phác thảo của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới đã được chọn để thực hiện.

Bức tượng phải thể hiện Bác đang đi rất thong dong, thoải mái và dang tay chào mọi người. Bên ngoài Bác mặc áo khoác, bên trong là chiếc sơ mi, tà áo dáng bay ra thể hiện tính cách phóng khoáng của con người Nam bộ.

Vầng trán cao rộng, đôi mắt chứa chan tình yêu thương của Người dù ở góc độ nào cũng có thể nhận ra được đó là Bác Hồ, toát lên vẻ đẹp trí tuệ, nét vui tươi, gần gũi, thân thiện của Người.

 Bác Hồ vẫn sống giữa lòng TP mang tên Người

Vị trí đặt tượng Bác đã được lãnh đạo TPHCM và Trung ương xem xét, cân nhắc rất kỹ trước khi chọn địa điểm tại công viên trước trụ sở HĐND, UBND thành phố, hướng ra bờ sông Sài Gòn, dọc tuyến đường Nguyễn Huệ.

Là nơi phải phù hợp cảnh quan, không gian kiến trúc, về giá trị văn hóa, lịch sử, gắn với sự phát triển hiện tại, là không gian mở, đẹp, trang trọng, ấm cúng, gần gũi với người dân. Đây cũng là nơi đón tiếp nhiều du khách trong và ngoài nước đến thành phố Hồ Chí Minh tham quan.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh có chiều cao là 7,2m, trong đó Tượng đài bằng hợp kim đồng cao 4,5m, bệ tượng 2,7m, đảm bảo tỷ lệ hài hòa giữa tượng đài và chiều cao công trình trụ sở HĐND, UBND thành phố, phù hợp với phối cảnh, cảnh quan kiến trúc xung quanh công viên.

Song song với Đề án xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên trước Trụ sở HĐND, UBND thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh đã cung thỉnh Tượng nghệ thuật "Bác Hồ với thiếu nhi" về Nhà thiếu nhi Thành phố (phường 7, quận 3). Nhà thiếu nhi thành phố có diện tích khuôn viên là hơn 15.000m2, đã được thiết kế cải tạo, nâng cấp toàn diện để phù hợp với bức tượng nghệ thuật "Bác Hồ với thiếu nhi".                                                                                                                                  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.