Giao thông

TP.HCM: Nguy cơ mất bến tàu vì các dự án bất động sản

05/12/2017, 07:16

Nhiều DN đã đầu tư tàu du lịch, tàu nhà hàng để hoạt động trên sông Sài Gòn nhưng lại không có bến đỗ.

15

Không có bến đỗ cố định, nhiều tàu khách, tàu du lịch, tàu nhà hàng neo đậu dọc sông Sài Gòn

Kiến nghị mở lại bến Bạch Đằng

Ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Buồm Đông Dương cho biết, trước đây công ty ông có 7 chiếc tàu nhà hàng du lịch trên sông Sài Gòn. Mỗi buổi tối tàu cập bến Bạch Đằng đón khách lên tàu thưởng thức ẩm thực, du ngoạn ngắm cảnh trên sông Sài Gòn. Thế nhưng, ngày 31/3/2015, UBND TP HCM đã quyết định đóng cửa bến Bạch Đằng khiến doanh nghiệp này lao đao.

“Chỉ trong 1 tuần thành phố yêu cầu di dời tất cả tàu trên bến Bạch Đằng khiến chúng tôi trở tay không kịp. Chúng tôi phải bán bớt 4 tàu khi không có nơi cập bến đón khách”, ông Lâm cho hay.

Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện trên địa bàn có 1.000km mạng lưới giao thông thủy, trong đó có 975km đã được đưa vào quy hoạch và tổ chức quản lý. Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động cảng bến để phục vụ các tàu du lịch, tàu vận tải khách neo đậu thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập.

Ông Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch - Kiến trúc Việt Nam cho rằng, việc nhiều dự án BĐS dọc sông Sài Gòn được giao cho các nhà đầu tư là vấn đề cần quan tâm. Sở GTVT cần quy hoạch lại mạng lưới cảng bến, phân bổ cụ thể khu vực nào phục vụ cho tàu vận chuyển hành khách, khu vực nào phục vụ tàu du lịch.

Bến Bạch Đằng đóng cửa, các doanh nghiệp tàu du lịch không biết neo đậu ở đâu, may là khi qua khu vực cảng Sài Gòn được tiếp nhận cho neo đậu. Việc đóng bến Bạch Đằng thời điểm đó được UBND TP.HCM cho biết, sẽ giao cho một đơn vị thực hiện công tác chỉnh trang toàn bộ khu vực công viên bến cảng Bạch Đằng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch trên sông. Đồng thời, là nơi thưởng ngoạn, vui chơi, giải trí của người dân thành phố về đêm. Thế nhưng, đến nay đã gần 3 năm, bến Bạch Đằng vẫn chưa được chỉnh trang, cầu bến xuống cấp, đường dẫn xuống bến không được duy tu, trên bờ cây cối nhếch nhác.

Khi bến Bạch Đằng bị đóng cửa, tất cả tàu nhà hàng, tàu du lịch và tàu chở khách tuyến Sài Gòn - Vũng Tàu phải chuyển sang hoạt động tại bến cảng Sài Gòn. Hành khách muốn đi tàu cao tốc phải đi bằng đường bộ qua cảng Sài Gòn rất mất thời gian vì kẹt xe nên lượng khách giảm. Ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc Công ty GreenlinesDP, đơn vị duy nhất đang khai thác tàu cao tốc tuyến TP.HCM - Vũng Tàu cho biết, lượng hành khách giảm hơn 30% kể từ khi tàu cao tốc chuyển từ bến Bạch Đằng qua cảng Sài Gòn.

“Trước đây, từ bến Bạch Đằng, hành khách có thể đi xe buýt, taxi, xe máy đến rồi đi tàu cao tốc rất thuận tiện. Tuy nhiên, khi chuyển sang bến cảng Sài Gòn đường đi luôn bị tắc, xe buýt không đến nơi, nhiều người còn không biết khu vực tàu đỗ ở đâu để tìm nên lượng khách giảm nhiều. Chúng tôi kiến nghị thành phố cho phép tàu cao tốc cập bến Bạch Đằng đón trả khách để tạo thuận lợi cho hành khách và doanh nghiệp”, ông Hải nói.

Cần quy hoạch mạng lưới cảng bến phục vụ vận tải thủy

Ông Nguyễn Hải Linh, Chủ tàu nhà hàng Eliza tại TP.HCM đang neo đậu bến cảng Sài Gòn rất lo lắng cho tương lai bến đỗ này. Ông Linh cho biết, khi TP.HCM quyết định bàn giao khu đất cảng Sài Gòn cho Công ty Ngọc Viễn Đông đầu tư khu đô thị, doanh nghiệp này đã gửi thông báo cho các chủ tàu du lịch đang neo đậu ở đây về kế hoạch thu hồi bến cảng.

“Từ khi bến Bạch Đằng đóng cửa, các chủ tàu bơ vơ không biết đi đâu, may mà chạy qua cảng Sài Gòn và được họ tiếp nhận. Giờ bến cảng Sài Gòn cũng bị thu hồi không biết tàu thuyền sẽ neo đậu ở đâu”, ông Linh lo lắng.

Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Đầu tư Hoàng Triều, có các tàu du lịch trên sông Sài Gòn cho rằng, TP HCM khuyến khích phát triển hoạt động du lịch trên sông nhưng lại để các DN bơ vơ trong việc tìm bến đỗ. Hiện tại, ở khu vực gần trung tâm có 3 bến là Tân Cảng, Vườn Kiểng, Cầu Móng. Thế nhưng, chỉ có bến Tân Cảng có các dịch vụ tối thiểu như nhà chờ, nhà vệ sinh. Bến Vườn Kiểng hiện chỉ cho buýt đường sông hoạt động, còn lại bến Cầu Móng không có nhà chờ, nhà vệ sinh, phí dịch vụ lại quá cao.

“Mỗi lần xuất bến chúng tôi phải nộp 500.000 đồng, khi cập bến nộp thêm 500.000 đồng. Vì vậy, sau 2 năm đưa vào sử dụng chỉ mới có 4 doanh nghiệp đăng ký hoạt động ở bến này”, bà Hạnh nói.

Ông Nguyễn Hoài Hương, Đại diện làng họa sĩ TP.HCM cho biết, tại Bangkok (Thái Lái) chỉ có 7km đường sông nhưng có 48 bến tàu du lịch. Trong khi đó, tại TP.HCM riêng khu vực từ hạ lưu cầu Sài Gòn đến cầu Phú Mỹ hiện đã được giao cho các chủ dự án BĐS làm khu đô thị. Chủ các dự án này nghiễm nhiên khoanh vùng khu cảng bến, hạn chế các tàu du lịch neo đậu. “Cần giữ lại cho được bến cảng Sài Gòn để sau này có thể tiếp nhận các tàu biển 5 sao chở khách quốc tế đến nội thành TP.HCM, nếu không giữ lại được sau này sẽ có lỗi với con cháu”, ông An Sơn Lâm kiến nghị.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết, tới đây sẽ rà soát lại các quy hoạch cảng bến để có sự điều chỉnh phù hợp. Về kiến nghị mở lại bến cảng Bạch Đằng cho tàu khách, tàu nhà hàng cập bến, tháng 9/2017, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP đã tổ chức cuộc họp với các bên liên quan và kết luận: Bến cảng Bạch Đằng là bến trung tâm, vừa phục vụ vận tải hành khách công cộng, vừa phục vụ du lịch đường thủy. Đối với cảng Sài Gòn - Khánh Hội để tạo điều kiện cho phát triển vận tải hành khách và du lịch, UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp với Sở GTVT, Sở Du lịch và các đơn vị liên quan đề xuất lại quy hoạch khu cảng này đáp ứng khả năng khai thác các tàu hành khách nội địa và quốc tế với quy mô phù hợp.

Đối với các bến, bờ dọc sông Sài Gòn giao Sở GTVT phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND các quận, huyện, các đơn vị liên quan đẩy nhanh lập quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng bến làm cơ sở kêu gọi đầu tư đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và du lịch đường thủy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.