Thời sự

TP.HCM phải làm gì để phát huy hiệu quả cơ chế đặc thù?

29/04/2018, 19:01

Những cơ chế đặc thù Quốc hội vừa trao cho TP.HCM sẽ giúp thành phố chủ động trong các quyết sách đầu tư...

Báo Giao thông ghi nhận ý kiến một số ĐBQH - những người đã trực tiếp bấm nút thông qua Nghị quyết về thí điểm các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

1

ĐBQH Trần Anh Tuấn

ĐBQH Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM:

Phân cấp mạnh hơn cho cơ sở

Các cơ chế đặc thù về phân cấp phân quyền, về việc tự quyết định các nguồn lực như: Tài chính, đất đai, hay chính sách thu hút người tài, tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức… sẽ là cơ sở để tạo sự chủ động cho thành phố trong việc huy động nguồn lực, phát huy các tiềm năng, thế mạnh vốn có của thành phố, tạo ra những bước phát triển vượt trội trên nhiều mặt.

Nhưng những nhiệm vụ Quốc hội giao đều không dễ dàng, bởi đó đều là những điểm mới, thí điểm, chưa có tiền lệ để triển khai. Do đó, có thể có những quan điểm khác nhau trong quá trình thực hiện. Và thực tế, giữa nghị quyết và triển khai còn có một khoảng cách khá lớn cho nên việc vận dụng nghị quyết này vào cuộc sống đòi hỏi có sự khéo léo hơn nữa, linh hoạt hơn để tạo sự đồng thuận tuyệt đối, thống nhất cao để cho quá trình triển khai thuận lợi, đưa thành phố phát triển hơn.

Mục đích cao nhất là làm sao để phát triển kinh tế, phúc lợi cho người dân được cải thiện hơn, từ đó sự đóng góp của thành phố nhiều hơn cho cả nước. Có cơ chế đặc thù, môi trường đầu tư kinh doanh ở thành phố sẽ tốt hơn, doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, thành phố phát triển sẽ tăng nguồn thu, thu nhập của cán bộ tăng lên, đời sống của người dân được nâng cao…

Trong các nội dung TP.HCM được thực hiện theo cơ chế đặc thù, có những nội dung tác động gián tiếp và phải qua thời gian mới thấy được tác động to lớn của nó lên các mặt của đời sống. Nhưng cũng có những việc người dân có thể sớm thấy được hiệu quả.

Ví dụ, cơ chế cho phép Chủ tịch UBND thành phố ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện, hoặc thủ trưởng các cơ quan chuyên môn cũng sẽ tạo đột phá mới trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp; không còn tình trạng quá nhiều việc dồn lên cấp cao nhất của thành phố...

Hay với các dự án mà trước nay theo quy định phải do T.Ư quyết định, nay được giao về cho TP.HCM thì thủ tục, thời gian sẽ được rút ngắn, dự án được thực hiện nhanh hơn. Việc tăng thu nhập cho cán bộ công chức làm cho đời sống của gia đình những người này sẽ được nâng lên.

Quyết tâm của chính quyền đã thể hiện qua sự nỗ lực để có cơ chế đặc thù. Bây giờ là lúc cả hệ thống chính quyền, người dân và doanh nghiệp đồng tâm hiệp lực để thực hiện thật tốt, thật hiệu quả, bằng cách tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, thực thi các chương trình kế hoạch thành phố đề ra. TP.HCM đang tập trung xây dựng chính sách, tạo bước đột phá cho kinh tế thành phố phát triển, đóng góp lớn hơn cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước.

2

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, ủy viên ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Phải giải quyết được ùn tắc, ngập nước, ô nhiễm

Một trong những thách thức lớn hiện nay của thành phố là tình trạng kẹt xe và ngập nước nên việc triển khai cơ chế đặc thù cũng phải hướng đến mục tiêu giải quyết những vấn đề này. Việc triển khai đề án phải giải quyết bằng được vấn đề cơ sở hạ tầng vì các ĐBQH bấm nút thông qua nghị quyết này với mong đợi rằng khi có cơ chế, thành phố sẽ giải quyết được thách thức, giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Thậm chí, khi nghe Quốc hội bàn về cơ chế đặc thù cho thành phố, nhiều người dân nói luôn rằng không cần biết nội dung, chỉ quan tâm là khi có cơ chế này tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm… có giải quyết được không.

Ngoài những hy vọng cơ chế giúp thành phố giải quyết những điểm nghẽn về hạ tầng, TP HCM cũng mong chờ việc sẽ có những thiết chế mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nguồn lực làm tiền đề cho sự phát triển.

TP.HCM cũng sẵn sàng với những công việc có thể thực hiện được ngay khi nghị quyết có hiệu lực, ví như cơ chế ủy quyền của Chủ tịch UBND thành phố cho Chủ tịch UBND quận, huyện và thủ trưởng cơ quan chuyên môn trong phạm vi quyền hạn của Chủ tịch thành phố. Hay lên danh mục đề án cổ phần hoá các DNNN, tạo nguồn tài chính triển khai các đề án chống ngập nước, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học… Với những thay đổi đó, tôi nghĩ hiệu quả của nghị quyết sẽ thể hiện ngay trong năm 2018.  

Đặc biệt, điều dễ nhận thấy nhất là sự phấn khởi, tinh thần tích cực từ người dân đến cán bộ công chức. Bởi, theo cơ chế mới, thu nhập của cán bộ, công chức sẽ ngày càng cải thiện, xứng đáng với chất lượng, hiệu quả công việc. Từ đó, nâng cao tinh thần làm việc của công chức, kéo theo cải cách được chất lượng, thủ tục hành chính, dịch vụ công, tác động tích cực đến cuộc sống của người dân. Cũng từ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố cũng sẽ được cải thiện, cao hơn so với năm 2017.

3

ĐBQH Bùi Đặng Dũng

ĐBQH Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách:

Cơ chế đặc thù cũng là “con dao hai lưỡi”

Dù tỷ lệ đồng tình thông qua Nghị quyết cơ chế, chính sách cho TP.HCM rất cao, nhưng nhiều ĐBQH cũng băn khoăn liệu cơ chế đặc thù trao cho thành phố như vậy có đảm bảo kiểm soát được mức tăng bội chi trần nợ công không? Bên cạnh đó, cơ chế đặc thù quy định một số chính sách mới thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh, hoặc khác với quy định của luật hiện hành nên cần làm rất thận trọng. Ngoài ra, phải làm sao để khi chính sách mới ban hành đảm bảo được sự đồng thuận của người dân.

Nghị quyết trao cho TP HCM 4 nhóm cơ chế đặc thù, nhưng có lẽ cơ chế cốt lõi, có tầm quan trọng hơn cả là nhóm vấn đề về quản lý tài chính ngân sách Nhà nước, trong đó gồm 11 nhóm vấn đề nhỏ quan trọng bên trong.

Những vấn đề này đòi hỏi thành phố phải nghiên cứu, vận dụng, chỉ đạo quản lý thực hiện rất tốt, bởi thực tế các cơ chế đặc thù này giống như con dao hai lưỡi, nếu làm tốt sẽ tạo ra sức bật, nhưng không làm tốt sẽ có sai phạm, khuyết điểm và những hệ luỵ của việc áp dụng sai các cơ chế trong nhóm này là rất nặng nề.

Một vấn đề quan trọng khác là cơ chế tạo ra nguồn lực con người cho tốt. Nhóm này quyết định việc các cơ chế khác có được thực hiện tốt không. Nếu chuẩn bị nhân lực, cán bộ không tốt, làm công tác tham mưu mà không được đào tạo bài bản, tâm không sáng, tầm chưa tới, dẫn đến tham mưu sai lệch sẽ rất nguy hiểm.

Trước mắt, phải quan tâm đến cải thiện hệ thống hạ tầng và giải quyết những vấn đề sát sườn nhất như: Ùn tắc, ngập úng, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự, an sinh xã hội, cải cách thủ tục hành chính... Cùng với đó, phải có các đề án, kế hoạch cụ thể, rõ ràng.

Bằng một nghị quyết này chắc chắn chưa thể tháo gỡ tất cả vướng mắc cho thành phố nên chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều, vì dễ dẫn tới nóng vội, chủ quan mà phải đổi mới và có từng bước đi thận trọng, chắc chắn.

4

ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê

ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM:

Cần tránh tâm thế chủ quan, ỷ lại

Hiện nay, sức ép phát triển đã và đang đặt lên vai thành phố không ít thách thức: Hiệu suất đầu tư đang có chiều hướng chững lại, nguồn nhân lực chưa được khai thác tốt nhất, tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông cùng những vấn đề an sinh xã hội đang đặt ra yêu cầu cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp, cơ chế quyết liệt.

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM đã thể hiện cả nước đồng tình, ủng hộ TP HCM phát triển, mang lại niềm vui, động lực cho thành phố.

Nhưng phía trước vẫn còn khó khăn, thách thức. Ngay sau khi được trao cơ chế, TP.HCM phải đi vào xây dựng đề án, nội dung cụ thể, có giải pháp rõ nét và quyết tâm cao để đáp lại niềm tin của Bộ Chính trị, Quốc hội và các tỉnh, thành để vươn lên tạo sự đột phá.

Một trong những cơ chế đặc thù là tự cho thành phố HCM quyết mức thu nhập tăng thêm của cán bộ cao hơn quy định của Nhà nước 1,8 lần cũng xuất phát từ thực tế hiện có tình trạng “chảy máu chất xám” từ bộ máy Nhà nước cho đến các doanh nghiệp. Không ít người tài, người tâm huyết đã ra đi vì chế độ tiền lương, đãi ngộ không thỏa đáng. Cơ chế đặc thù Quốc hội trao cho thành phố sẽ giúp thành phố có thể giữ chân người tài, cũng có thể góp phần cải thiện thêm một phần tiền lương thực tế và chính sách đãi ngộ, giúp cán bộ công chức, viên chức yên tâm cống hiến.

Được trao các cơ chế đặc thù, nhưng vấn đề quan trọng là TP.HCM vẫn cần sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiệu quả. Bởi có cơ chế mà không sắp xếp lại bộ máy, con người sẽ dẫn đến sự tràn lan, không có đủ nguồn kết dư để chăm lo những công trình trọng điểm cũng như việc đãi ngộ nhân tài.

Cùng với đó, thành phố cần rà soát lại cơ cấu nguồn thu để từ đó tạo nguồn vốn đưa vào quỹ đầu tư phát triển. Thành phố cũng sẽ tính toán khai thác nguồn lực đất đai, mặt bằng, chính sách thu hút đầu tư, giải quyết vào ngay các điểm nghẽn, thách thức còn tồn tại như ngập úng, kẹt xe, an ninh trật tự, vấn đề nhà ở, an sinh xã hội…

Đặc biệt, phải có những chương trình trọng điểm mời gọi, thu hút đầu tư, bổ sung thêm kênh cho nguồn chăm lo an sinh xã hội, chứ không chỉ trông chờ vào nguồn duy nhất từ thu phí và lệ phí.

Dù đã nhận được tín hiệu vui từ các cơ chế đặc thù đem lại, nhưng thành phố không thể chủ quan và không thể tự mãn, mà phải có tầm nhìn chiến lược, quy hoạch rõ ràng, nếu không giải quyết kịp thời thử thách này sẽ nảy sinh nhiều thử thách khác.

5

PGS. TS. Kinh tế Hoàng Văn Cường

PGS. TS. Kinh tế Hoàng Văn Cường, ủy viên ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội:

Chủ động khai thác, phát huy nội lực

Với tính chất năng động của TP HCM, nếu những cơ chế đặc thù Quốc hội trao cho thành phố được áp dụng thành công sẽ trở thành bài học kinh nghiệm để vận dụng cho các địa phương khác hoặc thay đổi các cơ chế chính sách chung trên cả nước nhằm tạo đà phát triển.

Điển hình phải nhắc đến việc TP HCM được cho phép tự khai thác các nguồn lực, trong đó có nguồn lực về đất đai, về việc tái cấu trúc lại các DNNN, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn và dành lại 50% để đầu tư trực tiếp cho thành phố. Thành phố cũng được quyền tự quyết phần lớn các dự án nhóm A bằng ngân sách của thành phố, ngoại trừ các dự án quy định riêng trong Luật Đầu tư công. Rõ ràng, với các cơ chế này sẽ tạo điều kiện rất tốt cho TP HCM để có thể chủ động tạo ra nguồn lực phát triển bằng nội lực của mình, không phải trải qua các quy trình mất thời gian không cần thiết, cũng như trông chờ vào nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương.

Cũng từ đây, thành phố có thể quyết định nên đầu tư vào đâu, lĩnh vực nào, lựa chọn tốt hơn lộ trình tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước và tài sản công do thành phố đang quản lý khai thác tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển. Minh chứng như tuyến Metro của thành phố, nếu có được những cơ chế này từ sớm, chắc chắn dự án này cũng không chậm trễ, chỉ vì thành phố không tự quyết được mà lỡ đi cơ hội.

TP HCM cũng được trao cơ chế có thể tự quyết mức lương tăng thêm cao hơn quy định của Nhà nước gấp 1,8 lần sau khi đã sử dụng hợp lý quỹ cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội. Đây là một cơ chế rất mở so với các địa phương khác. Đi kèm với cơ chế này thành phố sẽ phái áp dụng các công cụ kiểm soát chặt chẽ vị trí việc làm, áp dụng các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành chức trách nhiệm vụ của từng cán bộ công chức trong bộ máy hành chính. Khi thực hiện cơ chế này sẽ là động lực lớn cho các cán bộ của thành phố làm việc tốt hơn để được hưởng mức thu nhập cao hơn so với thực tế mức lương chính thức hiện nay của công chức còn thấp.

Cũng có không ít băn khoăn cho rằng, các cơ chế vượt trội này tạo sự bất bình đẳng với địa phương khác, nhưng tôi cho rằng việc này không đáng ngại, vì thực tế các địa phương khác rất khó có được các điều kiện nội tại để thực hiện các cơ chế vượt trội này. Còn ở TP.HCM có những điều kiện tiên phong, nếu thực hiện tốt ở đây sẽ là bài học kinh nghiệm để các địa phương khác sau này thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn.

Dù chưa thể nói các cơ chế đặc thù ấy sẽ tháo gỡ hoàn toàn các vướng mắc để tạo được đột phá cho thành phố, vì thực tế còn rất nhiều ràng buộc khác. Nhưng 2 yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển là nguồn lực và động lực đã được trao cho thành phố.

Bốn nhóm cơ chế đặc thù dành cho TP.HCM

1. Về quản lý đất đai

HĐND thành phố được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên phù hợp với quy hoạch, công khai lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu tác động.

2. Về đầu tư

HĐND TP.HCM được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công (trừ dự án quy định tại Điểm a, b, c và d Khoản 1, Điều 8 của luật Đầu Tư công).

3. Về tài chính - ngân sách

HĐND thành phố đề xuất để Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ QH thí điểm tăng mức thuế suất với một số lĩnh vực không quá 25% so với thuế suất hiện hành, áp dụng thu một số phí, lệ phí chưa có trong danh mục.

Đặc biệt, thành phố được thực hiện cơ chế tạo nguồn lực cải cách tiền lương, được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn với tài sản trên đất, hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước do thành phố quản lý...

Sử dụng nguồn thu này và ngân sách thành phố để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH, kể cả đầu tư cho các dự án chống ngập của thành phố; ngân sách T.Ư không bổ sung cho thành phố 10.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án này như dự kiến trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

4. Về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý

Chủ tịch UBND thành phố được ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND thành phố.

HĐND thành phố được quyền quyết định bố trí ngân sách thành phố chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức với mức tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố do HĐND thành phố quy định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.