Xã hội

TP.HCM: Phát động đi bộ, giữ vỉa hè bền vững

23/03/2017, 06:37

Dù chỉ đang xây dựng dự thảo, nhưng kế hoạch phát động phong trào đi bộ của TP.HCM nhận được sự đồng tình lớn.

1

Khách du lịch đi trên vỉa hè thoáng đãng đường Nguyễn Trung Trực, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Linh Hoàng

Dù chỉ đang xây dựng dự thảo, nhưng kế hoạch phát động phong trào đi bộ của TP.HCM nhận được sự đồng tình lớn. Càng nhiều người đi bộ sẽ càng có cơ hội giảm dần phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc và quan trọng là để giữ được vỉa hè bền vững.

Mỗi ngày đi bộ ít nhất 300 - 1.000m

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM (đơn vị được giao xây dựng dự thảo kế hoạch phát động phong trào đi bộ trình UBND TP.HCM phê duyệt) cho biết, dự thảo đã nhận được nhiều ý kiến góp ý hay của các đơn vị liên quan. “Quan trọng nhất là hầu hết các ý kiến đều đồng thuận về tầm quan trọng của việc đi bộ và ủng hộ việc phát động phong trào đi bộ trên toàn thành phố”, ông Tường nói và cho biết, về cơ bản các đơn vị thống nhất chọn tháng 4 hàng năm để phát động. Trong đầu năm nay, thành phố sẽ trực tiếp phát động, sang các năm sau giao về cho từng quận, huyện.

Kế hoạch phát động đi bộ của TP.HCM từ năm 2017 - 2020 chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Năm 2017, sẽ tổ chức lễ phát động phong trào đi bộ tại quận 1, quận 3, tập trung vận động đối tượng là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, đoàn viên, hội viên, thanh, thiếu niên và học sinh, sinh viên. Giai đoạn 2: Từ 2018 - 2019, qua sơ kết tiếp tục mở rộng thực hiện tại quận 1, quận 5, quận 6 gắn với tuyến xe buýt nhanh (BRT), tuyến metro. Giai đoạn 3: Từ năm 2019 - 2020, triển khai mở rộng đến các tầng lớp nhân dân sinh sống trên địa bàn TP. Sau năm 2020, thực hiện đại trà và gắn với thói quen đi bộ của người dân trong các hoạt động cộng đồng.

TS. Lương Hoài Nam (chuyên gia giao thông) cho rằng, vừa qua các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ là rất cần thiết. Tuy nhiên, về lâu dài cần có người đi bộ để giữ vỉa hè bền vững. Bởi, khi vỉa hè thông thoáng mà không có người đi bộ sẽ có nguy cơ bị chiếm dụng trở lại.

Sở GTVT là đơn vị hưởng ứng phong trào đi bộ tích cực nhất. Thời gian qua, lãnh đạo Sở GTVT đã tự phát động trong cơ quan của mình. Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT cho biết, dù không đưa ra các quy định nhưng lãnh đạo Sở khuyến khích cán bộ đi làm hoặc đi họp trong bán kính dưới 3km thì đi bộ hoặc đi xe đạp. Sở GTVT đã mua 5 chiếc xe đạp dùng chung cho tất cả cán bộ, công chức có nhu cầu. “Tất cả lãnh đạo của sở, các phòng, ban khi đi họp ở UBND TP đều đi bộ, vừa không gây ùn tắc, vừa rèn luyện sức khỏe”, ông Cường cho biết.

Đại diện Thành đoàn TP.HCM, Sở VH,TT, Sở GD&ĐT, Sở TT&TT, UBND quận 1 đều đồng tình với kế hoạch phát động phong trào đi bộ 20-30 phút hoặc 300-1.000m/ngày trong tuần. Thành đoàn thành phố còn dự kiến tổ chức tập huấn đi bộ an toàn trong hệ thống đoàn cơ sở. Theo ý kiến của Thành đoàn TP HCM, nên giao chỉ tiêu cho mỗi phường, xã để chọn một tuyến đường đi bộ an toàn như đường có hè thông, lề thoáng để người dân đi bộ.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cũng cho rằng, cần tuyên truyền, kêu gọi cán bộ, công chức trong tuần chọn một ngày không đi xe gắn máy đến cơ quan. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm như: Đi xe lên vỉa hè, người điều khiển phương tiện giao thông không nhường đường cho người đi bộ, người đi bộ đi sai quy định, dừng đỗ xe trái phép...

2

Học sinh thoải mái dạo bước trên vỉa hè đường Pasteur, quận 1, TP.HCM - Ảnh: Ngọc Tiến

Tạo thuận lợi tối đa cho người đi bộ

Ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, mục đích của việc phát động phong trào đi bộ là để rèn luyện sức khỏe, lập lại trật tự đô thị, trật tự ATGT và chống lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Không những thế, việc đi bộ còn nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, kéo giảm ùn tắc giao thông, TNGT.

Để tổ chức phong trào đi bộ, UBND TP.HCM dự kiến phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị. Chẳng hạn, với UBMTTQ Việt Nam, TP.HCM sẽ tiến hành kiểm tra giám sát; Đồng thời, phát động cán bộ công chức chọn một ngày trong tuần để đi làm bằng phương tiện công cộng. Thành đoàn, Hội Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Sở GD&ĐT… phát động đến các hội viên hưởng ứng phong trào một cách tích cực, có sự thi đua giữa các đơn vị.

Với những nhiệm vụ của ngành GTVT mà UBND thành phố giao, ông Cường cho biết, trước đây trong quá trình đầu tư xây dựng đã tính đến việc bố trí lối đi hợp lý cho người đi bộ. Vừa qua, chiến dịch giành lại vỉa hè càng tạo hè thông lề thoáng, giúp người đi bộ thuận tiện hơn. Sắp tới, thành phố sẽ xây dựng các bãi đậu xe, cầu đi bộ, lắp đèn tín hiệu, vạch sơn, gờ giảm tốc, biển báo; thường xuyên duy tu, sửa chữa vỉa hè để tạo sự thông thoáng thuận lợi cho hành khách đi bộ đến trạm xe buýt. Trung tâm VTHKCC cũng đã đầu tư xe buýt mới, lắp hệ thống camera giám sát để giám sát chất lượng. Kết quả, hai tháng đầu năm 2017 lượng hành khách đã tăng lên 2% so với cùng kỳ.

Điều đó cho thấy, những năm gần đây TP.HCM đã và đang tích cực quan tâm đầu tư đến hạ tầng để khuyến khích người dân đi bộ. Dọc nhiều tuyến đường ở các quận trung tâm như: Quận 1, quận 3, quận 10 vỉa hè được lát gạch sạch sẽ. Hệ thống cây xanh được chăm chút. Dây điện đã được ngầm hóa tạo cảnh quan đẹp, khiến người đi bộ cảm thấy thoải mái. Một chuyên gia giao thông đánh giá, nếu TP.HCM phát động phong trào đi bộ rộng khắp sẽ tạo hiệu ứng tốt trong xã hội.

“Người đi bộ tăng lên tác động tích cực đến sự phát triển vận tải hành khách công cộng, từ đó giảm dần phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Đây cũng là yếu tố góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại”, chuyên gia này nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.