Xã hội

TP.HCM: Quản lý vỉa hè bao giờ hết cảnh “mèo vờn chuột”?

16/01/2018, 07:00

Chiến dịch giành lại vỉa hè được bắt nguồn từ quận 1, sau đó lan rộng ra nhiều quận, huyện, tỉnh thành khác.

12

Bãi giữ xe chiếm trọn vỉa hè ngay góc đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Du (Ảnh chụp trước khi có lệnh cấm của ông Đoàn Ngọc Hải)

“Cuộc chiến” giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở TP.HCM lại nóng lên dịp đầu năm khi UBND TP giao các quận, huyện trong quý I/2018 phải chấm dứt việc cho thuê vỉa hè. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có giải pháp căn cơ, “cuộc chiến” giữ vỉa hè sẽ vẫn mãi chỉ như “mèo vờn chuột”.

Những nhóm lợi ích bên vỉa hè

Chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ được bắt nguồn từ quận 1, sau đó lan rộng ra nhiều quận, huyện, tỉnh thành khác. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, lại lắng xuống, vỉa hè lại bị chiếm dụng như trước. Khảo sát trên nhiều tuyến đường như: Nguyễn Trãi (Q.5), Cách Mạng Tháng Tám (Q.3, Tân Bình), Phạm Văn Đồng…, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán vẫn diễn ra công khai.

Theo nghi nhận của PV Báo Giao thông, trong hai ngày 13 - 14/1, trên đường Cách Mạng Tháng Tám đoạn qua công viên Lê Thị Riêng (quận Tân Bình) vào ban đêm, nhiều người vẫn vô tư bày bán quần áo trên xe đẩy dọc hai bên vỉa hè. Nhiều lúc, họ còn tràn xuống lòng đường bán hàng gây ùn tắc giao thông. Trong khi đó, ở đường Phạm Văn Đồng, các chủ quán nhậu ngang nhiên đặt bàn ghế ra vỉa hè để khách ngồi. Một số đoạn được sử dụng để làm bãi giữ xe.

Ngay trước khu vực Sài Gòn Square (quận 1), hễ buổi chiều là có hàng chục người buôn bán hàng rong tụ tập bán hàng. Mỗi lần thấy xe của Đội Trật tự đô thị phường Bến Nghé đến là chạy nháo nhác.

Ngày 11/1 ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1 đã ký văn bản đình chỉ hoạt động 48 bãi giữ xe trên địa bàn, mới lộ ra những “ông chủ” thực sự đằng sau của nhưng bãi giữ xe này. Nhiều người rất ngạc nhiên khi biết được các đơn vị như: Thanh tra quận, Văn phòng, Phòng Kinh tế, Cựu Chiến binh… đều là những “ông chủ” của các bãi giữ xe. Theo lời ông Hải, bãi giữ xe phía sau Nhà hát Thành phố doanh thu mỗi năm 36 tỷ đồng khiến nhiều người giật mình. “Chấm dứt các bãi giữ xe này sẽ đụng chạm đến các cá nhân, nhóm lợi ích nhưng tôi sẽ kiên quyết dẹp bỏ ngay trong hôm nay”, ông Hải khẳng định.

Sáng 14/1, ghi nhận của PV, các bãi giữ xe trên đường Nguyễn Du (phía sau Công ty Xổ số kiến thiết thành phố (23 Lê Duẩn, phường Bến Nghé) và điểm trông xe trên vỉa hè đường Nguyễn Du (trước BV Nhi đồng 2) không còn hoạt động nữa. Nhiều bãi giữ xe khác như: 30 Hàm Nghi, khu vực Công trường Lam Sơn phía sau Nhà hát TP HCM, Huỳnh Thúc Kháng - vòng xoay Quách Thị Trang… cũng ngưng hoạt động.

Hai ngày cuối tuần qua, vỉa hè các tuyến phố ở quận 1 rộng rãi, thoáng đãng khác hẳn những ngày trước đó. Một người dân ở đường Hàm Nghi cho biết, cảnh này thường chỉ diễn ra vào sáng mùng 1, mùng 2 Tết. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, điểm trông xe trên đường Hải Triều vẫn còn hoạt động.

Cần quy rõ trách nhiệm

Theo Sở GTVT TP HCM, việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường UBND TP giao trách nhiệm cho các quận, huyện xử lý, riêng Sở GTVT có nhiệm vụ công bố danh mục các tuyến đường, vỉa hè để sắp xếp tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí và cấm đỗ xe, cấm dừng đỗ xe trên địa bàn TP trên cơ sở thống nhất với Ban ATGT TP, Công an, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan. Ngoài ra, Sở GTVT sẽ xử lý các công trình xây dựng lấn chiếm phạm vi đất dành cho đường bộ, vỉa hè, rào chắn công trình không đảm bảo ATGT, mỹ quan đô thị.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch UBND quận 2 cho biết, địa bàn quận từ trước đến nay không có giữ xe trên vỉa hè. Quận cũng chưa ký bất kỳ văn bản nào cho phép kinh doanh giữ xe trên vỉa hè.

Ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9 cho biết: địa bàn quận từ trước đến nay không cho thuê vỉa hè làm bãi giữ xe và cũng không có vỉa hè để tổ chức giữ xe do nhiều tuyến đường không có vỉa hè. Còn việc dẹp trật tự vỉa hè, lấn chiếm lòng lề đường quận đã chỉ đạo các phường làm quyết liệt. Sau nhiều lần ra quân, đến nay tình trạng lấn chiếm vỉa hè đã giảm đáng kể, chỉ còn một ít hộ dân nhập cư chưa có ý thức.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, thực tế dẹp vỉa hè là vấn đề rất phức tạp, bởi vỉa hè giống như mảnh đất vàng nên giao tự quản dễ phát sinh tiêu cực. Do đó, thành phố tạm thời cho phép khai thác sử dụng, giao cho ai cũng phải tuân thủ hai nguyên tắc đảm bảo giao thông và có trách nhiệm quản lý. Chẳng hạn, khi giao vỉa hè cho các nhà mặt tiền sử dụng để giữ xe, chủ nhà phải có trách nhiệm quản lý toàn bộ phần vỉa hè còn lại. Như vậy, bộ máy chính quyền chỉ cần kiểm soát người sử dụng.

“Quản lý theo hướng đó bài toán vỉa hè mới khả thi hơn, sòng phẳng hơn. Nếu không, hôm nay mình xử lý gánh hàng rong này, ngày mai có gánh khác nhảy vô liền”, ông Tuyến nói.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cách quản lý vỉa hè hiện còn bất cập, chỉ như trò chơi “mèo vờn chuột”. Cứ có lực lượng trật tự đô thị tới, người bán hàng rong chạy đi, sau đó đâu lại vào đấy. TS. Trần Du Lịch cho rằng, cách ra quân xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thời gian qua chưa triệt để. “Cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương, như quận, phường trong việc đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè. Nếu bị tái lấn chiếm, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm, thậm chí cách chức thì may ra chiến dịch này mới hiệu quả lâu dài”, TS. Trần Du Lịch nói.

Mới đây, trong cuộc họp về công tác đảm bảo ATGT năm 2018, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM một lần nữa khẳng định việc quản lý vỉa hè, lòng lề đường là trách nhiệm của UBND quận, huyện. Nhưng cần có nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân. “Sắp tới, tất cả các quận, huyện phải ký kết giao ước thi đua với Ban ATGT thành phố, sau đó chủ tịch UBND quận, huyện ký kết với lãnh đạo phường để tổ chức sắp xếp lại trật tự lòng đường vỉa hè thì chiến dịch dẹp vỉa hè sẽ có chuyển biến”, ông Phong nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.