Hạ tầng

TP.HCM quyết liệt xã hội hóa đầu tư hạ tầng chống kẹt xe

27/01/2017, 08:03

Nhiều công trình cầu, đường lớn đang được TP.HCM lên kế hoạch đầu tư trong năm 2017 và những năm sắp tới.

52

Cầu Sài Gòn về đêm - Ảnh: Linh Hoàng

Từng bước chỉnh trang đô thị

Anh Nguyễn Cường nhà ở phường Phú Hữu, quận 9 cho biết, từ đầu năm đến nay nhờ cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía Đông đưa vào sử dụng, anh dễ dàng di chuyển lên quận 1 làm việc. Trước đây, anh phải đi ngược ra Xa lộ Hà Nội không chỉ xa mà còn hay bị ùn ứu vì lưu lượng phương tiện đông đúc. Hiện, nhiều người ở khu vực quận 9, Thủ Đức cũng sử dụng tuyến đường Vành đai Đông qua khu công nghệ cao để đi vào trung tâm thành phố.

Ở hướng Đông Nam, cầu Kênh Lộ trên đường Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè) cũng đã được thông xe kỹ thuật sau nhiều tháng chậm trễ. Hai tuyến nhánh là đường Hồng Hà và Bạch Đằng đã được hoàn thành, qua đó thông xe toàn tuyến đường Phạm Văn Đồng, giúp kết nối các quận ở khu vực phía Bắc với sân bay Tân Sơn Nhất.

"Kẹt xe, ùn tắc giao thông ảnh hưởng lớn đến đại bộ phận người dân. Trong năm 2017, ưu tiên số 1 là TP HCM tập trung giải quyết vấn đề giao thông."

Bí thư Thành ủy TP.HCM
Đinh La Thăng

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong năm 2016 thành phố đã hoàn thành đàm phán và ký hợp đồng các dự án giao thông quan trọng như: Đoạn tuyến nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (QL1), đường D3 kết nối vào Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước, bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám, đoạn 3 đường Vành đai 2...

Đối với lĩnh vực chỉnh trang đô thị, thành phố đã lên kế hoạch di dời 20.000 ngôi nhà ven kênh. Tập trung chủ yếu thuộc lưu vực các tuyến Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, cù lao Nguyễn Kiệu, công viên hồ Khánh Hội; tuyến kênh Đôi - Tẻ (địa bàn quận 4, 7, 8) để thực hiện Dự án cải thiện môi trường nước thành phố, giai đoạn 3. Hàng trăm chung cư cũ cũng đã được lên kế hoạch để đầu tư tư nâng cấp. Trong đó chung cư Cô Giang (Q.1) sau nhiều năm trì trệ đã được tiến hành tháo dỡ một phần để triển khai xây dựng mới.

Sẽ đột phá với nhiều công trình lớn

Những ngày đầu năm mới, các công nhân thi công hạng mục cống ngăn triều trên kênh Mương Chuối vẫn miệt mài với công việc. Đây là hạng mục thuộc dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)” đã được khởi công trong năm 2016. Đây được xem là một “siêu dự án” với tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức BT. Sau khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.

Ở Khu đô thị Thủ Thiêm, dự án xây dựng 4 tuyến đường chính cũng đang được Công ty Đại Quang Minh đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong những ngày tới.

Người dân từ Khu đô thị Phú Mỹ Hưng rồi đây đi qua Thủ Thiêm một cách nhanh chóng mà không phải vòng qua quận 4, quận 1 thường hay kẹt xe. Bởi, dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 7 với quận 2 đã lựa chọn được nhà đầu tư. Đây là dự án được kỳ vọng sẽ tạo động lực quan trọng để phát triển khu Phố Đông của thành phố khi kết nối hai khu đô thị hiện đại nhất là Phú Mỹ Hưng và Thủ Thiêm.

Ở phía Tây, dự án cầu đường Bình Tiên cũng đã kêu gọi được các nhà đầu tư tham gia sau khi tách dự án này ra hai thành phần. Hai công trình cấp bách là cầu vượt thép tại sân bay Tân Sơn Nhất, nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép chỉ định thầu để sớm triển khai nhằm góp phần giảm ùn tắc ở cửa ngõ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo ông Phạm Phú Quốc, TGĐ Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM, để cải tạo nâng cấp đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông cho giai đoạn từ nay đến năm 2023 thành phố cần một lượng vốn khoảng 1 triệu tỷ đồng. TS. Trần Du Lịch cho biết, để tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 1% thì tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng phải đạt 2%. Trong khi nguồn vốn ngân sách ngày càng hạn hẹp thì TP.HCM có nhiều giải pháp để đẩy mạnh hơn việc huy động nguồn vốn xã hội hóa.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, gần như các dự án cầu đường lớn triển khai trong thời gian tới đều huy động nguồn vốn xã hội hóa. Vốn ngân sách chỉ thực hiện công tác GPMB, ổn định dân sinh. Tín hiệu vui là các dự án lớn như đường trên cao từ sân bay Tân Sơn Nhất đến trung tâm thành phố, cầu Thủ Thiêm 3, 4, cầu Bình Tiên, đường song hành QL50… đều được các nhà đầu tư quan tâm. “Chúng tôi đang cố gắng đi từng bước một, lựa chọn những nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư những công trình mang tính hiệu quả cao, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hướng đến mục tiêu xây dựng TP.HCM một thành phố đáng sống”, ông Cường nói.

Doanh nhân hiến kế

53

 

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP):

Không ngại đi vay tiền

Để phát triển TP, chúng ta không nên sợ vấn đề vay tiền, càng không ngại số lượng vay nhiều hay ít. Vấn đề là nếu ta mượn 10 đồng nhưng số tiền này đẻ ra 100 đồng thì cần khuyến khích và ủng hộ vay. Chẳng hạn, vì mục tiêu phát triển TP, xây dựng TP ngày càng trở nên tốt đẹp và đáng sống hơn với người dân, thì việc đầu tư cho chống ngập, hay đầu tư cho sản xuất kinh doanh… đều đáng làm, đáng đổ tiền vào.

Nói riêng về hàng không, tôi cho rằng, hiện nay sân bay đang quá tải từ trên trời xuống dưới đất. Bởi vậy nên tập trung giải quyết sự tắc nghẽn tại Tân Sơn Nhất là cần thiết và cấp bách. Còn việc Long Thành với số tiền quá lớn vẫn phải làm nhưng không đua theo tiến độ. Làm gì thì làm vẫn không thể nhanh bằng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Chạy hết tốc lực thì chúng ta có nhà ga mới ở sân bay Tân Sơn Nhất trong vòng 2 năm.

54

 

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Viễn Đông:

Cần kết nối mạnh với khu vực

Muốn hướng đến một TP thông minh, chúng ta không chỉ kết nối phần cứng là hạ tầng như xây cầu, làm hầm chui… mà phải kết nối cả phần mềm là các dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin… Tuy nhiên, ngay cả phần cứng về kết nối hạ tầng giữa TP và các vùng lân cận cũng chưa thực sự thay đổi nhiều. Chẳng hạn, như từ TP HCM đi Đồng Nai suốt 60 năm qua chỉ có một cây cầu. Trong khi đó khu vực Đồng Nai và TP đóng góp cho cả nước là 1/3 GDP. Cây cầu thứ 2 được xây cách đây 5 năm chạy song song với cây cầu cũ… nhưng những khu công nghiệp đa số lại nằm ở khu vực cây cầu thứ nhất.  

55

 

Võ Mậu Quốc Triển, Chủ tịch tập đoàn Rita Võ:

Doanh nghiệp cần được tôn vinh

Mỗi DN dù lớn hay nhỏ, dù đóng góp một đồng hay nghìn tỉ đồng đều cần được ghi nhận, động viên. Đừng để tình trạng DN muốn phát triển nhưng vì cảm thấy mệt mỏi với các thủ tục hành chính rườm rà, mất thời gian, tốn kém chi phí… mà nhụt chí.

Nhìn chung, phải đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa vì đây là khâu cũng vô cùng quan trọng. Cơ quan hành chính phải là nguồn động lực cho DN phát triển. Năm qua TP cũng đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hàng loạt các cơ quan thuế đã chủ động gửi thư xin lỗi người dân khi trễ hẹn… Tuy nhiên, cải cách hành chính phải đồng bộ từ trên xuống dưới. Cục trưởng Cục Thuế TP HCM sẵn sàng gửi thư xin lỗi người dân. Khi triển khai rất quyết liệt, nhưng khi ban hành xuống các quận, phường… thì bị rơi rụng hết. Nên điều quan trọng là sao cho tư tưởng ấy thấm vào từng cán bộ dưới quận, phường, xã một cách xuyên suốt.

56

 

Bà Lưu Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corporation:

Đưa công trình xanh vào quy chuẩn xây dựng

Dưới góc độ là một DN ngành địa ốc, tôi cho rằng cần phải ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư các công trình xanh đối với các DN. Từ đó thuyết phục nhà đầu tư quyết định theo các dự án xanh. Chẳng hạn như DN làm theo các chứng chỉ đánh giá công trình xanh nhờ sự thẩm định kỹ càng các dự án từ khâu thiết kế kiến trúc, xây dựng, vận hành… Hay đến hiệu quả tiết kiệm điện năng, hiệu quả thoát nước, và giảm khí  thải CO2 cũng là góp phần vào sự phát triển, chỉnh tranh đô thị của TP.

Yên Trang (thực hiện)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.