Vận tải

TP.HCM: Sẽ có thẻ thông minh cho khách đi xe buýt?

19/03/2016, 17:07

Để tăng sản lượng hành khách đi xe buýt, TP.HCM đang tìm cách nâng cao chất lượng phục vụ...

xe buýt]
Lượng hành khách đi xe buýt ở TP.HCM có dấu hiệu giảm. Ảnh: Đỗ Loan

Ngày 19/3, Hội đồng Nhân dân TP.HCM có buổi làm việc với UBND TP.HCM và Sở GTVT về hoạt động vận tải hành khách công cộng, trợ giá xe buýt và kế hoạch phát triển năm 2016 - 2020.

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đưa ra nhiều ý kiến như: Việc thiết kế phần đường dành riêng cho xe buýt còn khả thi không với mật độ dân số TP.HCM hiện nay; nhiều tuyến buýt ngày càng quá tải như tuyến từ TP.HCM về ĐHQG; Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc sử dụng vé giả; Vấn đề về nhu cầu sử dụng xe buýt ở huyện Cần Giờ là khá cao nhưng cung lại ít… Một số lãnh đạo các Sở ngành TP nói ngại đi xe buýt vì chưa sạch sẽ, tiện lợi, lo mất tài sản...

Ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM thông tin: “Xe buýt TP.HCM hiện tại không có yếu tố cạnh tranh. Để thúc đẩy cạnh tranh, chúng ta phải khuyến khích tối đa doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực này. Sở GTVT phải tác động, tính toán để tái cấu trúc lại lực lượng vận chuyển theo hướng bài bản, hiệu quả và có tính cạnh tranh cao hơn. Sở phải bắt tay vào làm việc để tới 30/4 đưa 2 tuyến xe buýt mới ở Cần Giờ vào hoạt động, phục vụ nhu cầu người dân. Bên cạnh đó, Sở GTVT phải nghiên cứu, đề xuất để phát hành thẻ thông minh cho người đi xe buýt”.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM khẳng định: “Việc trợ giá cho người đi xe buýt là chính sách giải quyết hàng loạt vấn đề để xây dựng ý thức văn hoá giao thông công cộng, HĐND đề nghị Sở GTVT cần có tính toán qua sơ kết để từ đó đề xuất các giải pháp phát triển xe buýt”.

Bà Tâm cũng yêu cầu Sở GTVT phải tìm ra nguyên nhân vì sao hành khách đi xe buýt những năm gần đây giảm, và khả năng sẽ tiếp tục giảm trong năm 2016. "Chúng ta phải có bước đi theo lộ trình, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, phải tính những tuyến điểm, xem thành công và thất bại gì để giải quyết; Phải đa dạng các loại phương tiện, giờ nào chạy loại xe nào, cao điểm bao nhiêu chuyến, thấp điểm bao nhiêu. Chúng ta phải làm, làm quyết liệt thì vận tải xe buýt mới có hy vọng giữ được 1 triệu lượt hành khách/ngày trong thời gian tới..", bà Tâm nói.

Theo báo cáo của Trung tâm VTHK khối lượng vận chuyển xe buýt tăng nhanh từ năm 2002 (36,18 triệu lượt) đến năm 2012 (413,14 triệu lượt). Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, khối lượng vận chuyển xe buýt giảm hằng năm, thống kê năm 2015 là 334,54 triệu lượt.

Đến năm 2015, TP.HCM có 2.786 xe buýt công cộng, 13 bến bãi chính do Trung tâm quản lý, 9 bãi kỹ thuật, 4 bãi liên tỉnh, 13 điểm đầu cuối tuyến do các doanh nghiệp quản lý, 43 điểm đầu cuối tuyến sử dụng tạm lòng lề đường, 4.154 vị trí trạm dừng, nhà chờ. Với hiện trạng cơ sở hạ tầng xe buýt như hiện nay, TP chỉ đạt khoảng 13,7% so với tiêu chí quy hoạch và phân bổ không đồng đều ở các quận, huyện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.