Quản lý

TP.HCM sẽ “phủ sóng” giao thông thông minh

15/06/2016, 07:15

Hiện, TP.HCM có 887 chốt đèn tín hiệu, chủ yếu hoạt động độc lập và thủ công, rất khó kết nối để quản lý.

10

Ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM trao đổi với các đại biểu bên lề hội thảo

Những ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà quản lý được đưa ra tại Hội thảo “Mô hình phát triển Trung tâm điều hành giao thông thông minh” do Sở GTVT TP.HCM phối hợp với Trường ĐH GTVT cơ sở 2 tại TP.HCM tổ chức hôm qua (14/6) rất có giá trị trước khi quyết định đưa mô hình này vào cuộc sống.

Đòi hỏi cấp thiết

Dù thời gian qua TP.HCM có nhiều nỗ lực trong việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, nhưng diện tích giao thông so với việc gia tăng dân số và phương tiện cá nhân vẫn rất thấp. Dân số và phương tiện tham gia giao thông tăng mạnh (khoảng 9%/năm) đang gây áp lực lớn cho thành phố, ùn tắc và TNGT cũng diễn biến phức tạp.

Hiện, TP.HCM có 887 chốt đèn tín hiệu, chủ yếu hoạt động độc lập và thủ công, rất khó kết nối để quản lý (chỉ có khoảng 3% chốt kết nối về trung tâm).

Thu thập thông tin giao thôngtừ xe gắn máy qua công nghệ chip RFID

Trao đổi với Báo Giao thông về giải pháp nghiên cứu mô hình trung tâm điều hành ITS, TS. Vũ Thế Sơn, Trường Đại học GTVT TP HCM đại diện của nhóm cho biết: “Hiện, vẫn chưa có trung tâm điều hành tập trung để kết nối quản lý các hệ thống điều khiển giao thông trên toàn TP. Nhóm đề xuất xây dựng triển khai các kế hoạch và điều hành toàn bộ hệ thống giao thông qua từng giai đoạn và thu thập thông tin giao thông từ xe gắn máy qua công nghệ chip RFID. Công nghệ này sẽ đếm và phân loại chính xác phương tiện giao thông, kiểm tra tốc độ, phát hiện và cảnh báo xe chạy sai đường, chống trộm và cung cấp thông tin an ninh cho công an. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng mô hình mô phỏng dòng giao thông nhiều xe máy bằng lý thuyết “tế bào chuyển dịch”.

Giai đoạn 2011–2015, TP.HCM đã đầu tư xây dựng hệ thống giám sát và điều khiển giao thông kết nối về Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (thuộc Sở GTVT) với hơn 300 camera, 48 bảng thông tin giao thông. Tuy nhiên, hệ thống này quy mô vẫn nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu về quản lý, điều tiết giao thông trên diện rộng.

Theo Sở GTVT, hiện tồn tại các vấn đề trong quá trình ứng dụng CNTT vào quản lý giao thông. Đó là sự thiếu đồng bộ, rời rạc, chưa hỗ trợ được lẫn nhau giải quyết các vấn đề về TTATGT. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện hữu chưa được khai thác hiệu quả. Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong công tác quản lý và vận hành Hệ thống giao thông thông minh (ITS).

Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển hệ thống giao thông thông minh tại các đô thị lớn, TS. Hoàng Kiên, Giảng viên Trường Đại học GTVT cho biết, để giải được bài toán giao thông cần có cơ chế để tất cả các phương tiện đều phải lắp đặt thiết bị điện tử chuẩn. Cùng đó là việc phát triển các thiết bị kết nối trên đường và hệ thống trung tâm điều khiển. Các hệ thống đầu - cuối này sẽ hỗ trợ và ghi lại các dữ liệu giao thông, là cơ sở cho các nghiên cứu chuyên sâu hơn về quản lý và điều hành giao thông hiệu quả.

Còn ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng, việc triển khai các ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và điều hành giao thông đô thị bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, các dự án triển khai thời gian qua chỉ mang tính chất thí điểm và riêng lẻ. “Vẫn chưa có một nghiên cứu tổng thể nào về hiện trạng và định hướng ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quản lý, đặc biệt phát triển giao thông thông minh tại TP.HCM”, ông Lâm nói.

Tới năm 2020, giao thông thông minh sẽ bao phủ toàn TP

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho biết, chủ trương của thành phố là phát triển hệ thống giao thông thông minh thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (phấn đấu hoàn thành trong năm 2017) sẽ kết nối 250 chốt tín hiệu giao thông trên 78 tuyến đường chính về trung tâm, phục vụ cho công tác điều khiển giao thông trên những trục đường chính. Việc này sẽ giảm bớt ùn tắc, cũng như phối hợp với CSGT xử lý một số hành vi vi phạm giao thông thông qua hệ thống camera giám sát.

Giai đoạn 2 sẽ xây dựng trung tâm một cách toàn diện để quản lý chung trên toàn địa bàn TP HCM. Theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, dự kiến đến năm 2020 sẽ đưa vào vận hành.

Cũng theo ông Trung, hệ thống giao thông thông minh giai đoạn 2 phấn đấu đạt được 10 chức năng chính phổ biến trên thế giới hiện nay. Trong đó, điển hình như chức năng giám sát, điều khiển giao thông; Cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng và người dân; Tích hợp các hệ thống liên quan đến giao thông công cộng; Phối hợp trong công tác điều tiết chung…

“Hệ thống giao thông thông minh sẽ tối ưu hóa về khai thác hiệu quả diện tích mặt đường, cung cấp nhiều thông tin cho người dân, từ việc điều tiết giao thông cũng như các dịch vụ khác để họ chủ động hơn trong quá trình tham gia giao thông. Thông qua các “kênh” như bảng thông tin điện tử, màn hình các phương tiện ôtô, hệ thống radio, điện thoại smarphone… người dân có thể truy cập và nắm tình hình giao thông trên toàn thành phố”, ông Trung nói và cho biết, hệ thống này cũng giúp giảm đáng kể lực lượng chức năng làm nhiệm vụ điều tiết giao thông. Cơ quan quản lý giao thông và CSGT chỉ cần can thiệp trong những tình huống giao thông bất thường.

Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiên Phong cho hay, hệ thống ITS có thể triển khai nhanh, chi phí thấp, quản lý hiệu quả hạ tầng giao thông hiện hữu. Đặc biệt, trung tâm này cũng dùng chung cho quản lý và điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng.

Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cho rằng, tình trạng ùn tắc và TNGT ngày càng diễn biến phức tạp. Do vậy, ngoài việc phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch, việc triển khai hệ thống giao thông thông minh được thành phố xác định là một trong những giải pháp hữu hiệu, từng bước giải quyết các vấn đề giao thông nhất là tình hình tai nạn và ùn tắc giao thông vẫn đang bức xúc. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.