Chuyện dọc đường

Trả giá đắt nếu lơ là chống dịch

Những ngày qua, dịch Covid-19 tại các nước trong khu vực diễn biến phức tạp, nỗi lo nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam luôn thường trực.

img

Lực lượng kiểm dịch y tế đo thân nhiệt người dân từ biên giới Tây Nam vào Việt Nam tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, An Giang - Ảnh: Bửu Đấu

Tại Ấn Độ, chỉ trong một ngày đã phát hiện thêm 340.000 trường hợp nhiễm mới. Tại Campuchia, con số này là 600 trường hợp. Ở Lào, số ca nhiễm cũng đã tăng lên tương đương con số cao nhất so với số ca phát hiện/1 ngày tại Việt Nam.

Ngoài yếu tố chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, sự thay đổi, biến chủng của virus hiện nay cũng là nguyên nhân khiến dịch phức tạp. Chẳng hạn, Ấn Độ đã có biến chủng kép vừa tăng khả năng lây nhiễm, vừa tăng nặng các ca nhiễm, tất cả các lứa tuổi đều có thể mắc. Bên cạnh đó, mặc dù các nước đã triển khai vaccine nhưng đây không phải là giải pháp quyết định.

Thời gian qua, Ban chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế liên tục có những cảnh báo về việc có thể có đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam. Và với những gì đang diễn ra tại khu vực, nhất là các nước xung quanh chúng ta, nguy cơ đợt dịch thứ 4 đã hiện hữu.

Viện Pasteur TP HCM đã tiến hành giải trình tự gene của các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam và cho thấy: 85,7% mẫu những người về từ Campuchia mang biến thể B1.1.7 (biến thể phát hiện ở Anh) và 14,3% mang biến thể B.1.351 (biến thể phát hiện ở Nam Phi).

Vì thế, nếu để lọt những ca nhập cảnh trái phép, nguy cơ các biến chủng kép SARS-CoV-2 tại Ấn Độ hoặc biến chủng của Anh tại Campuchia xâm nhập vào nước ta sẽ khiến chúng ta không thể biết được. Khi đó, việc lây nhiễm cộng đồng có thể xảy ra và nguy cơ rất lớn, từ ổ dịch nhỏ sẽ thành ổ dịch lớn.

Với hơn 14km đường biên giới trên bộ cùng khoảng 26km đường biên giới trên biển, có thể nói, khu vực biên giới Tây Nam là khu vực trọng điểm phòng chống dịch hiện nay, bởi dịch bệnh Covid-19 ở Campuchia có khả năng xâm nhập Việt Nam bất cứ khi nào.

Dọc biên giới Tây Nam, có rất nhiều đường mòn, lối mở trên tuyến đường bộ. Có những đoạn biên giới hai bên chỉ cách nhau một lối mòn chưa tới 1m. Việc kiểm soát biên giới đường bộ vẫn đang được thực hiện tốt, song việc kiểm soát biên giới trên biển lại đang là một thách thức đối với các tỉnh ở khu vực này.

Bài học thành công của Việt Nam qua 3 đợt dịch vừa rồi là sự chủ động, tích cực tham gia của người dân. Tuy nhiên, mới chỉ qua gần 30 ngày không có ca nhiễm cộng đồng, hiện nay nhiều người khi ra đường, đi tàu xe, đến các nơi công cộng đã không đeo khẩu trang, không triển khai các biện pháp theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Sự lơ là, chủ quan, mất cảnh giác đã xuất hiện.

Đặc biệt, dịp lễ 30/4 - 1/5 tới được nghỉ 4 ngày, chắc chắn nhu cầu đi lại, du lịch của người dân sẽ tăng rất cao. Các sân bay, nhà ga, bến xe chắc chắn sẽ đón lượng hành khách tăng đột biến. Các khu du lịch, bãi tắm, danh lam thắng cảnh nổi tiếng chắc chắn sẽ có rất đông người tập trung.

Bởi vậy, một mặt chúng ta phải kiểm soát tốt việc nhập cảnh, trọng tâm là khu vực biên giới Tây Nam. Mặt khác, cần tiếp tục tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân không chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Chỉ cần một khinh suất nhỏ, không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra.

Nếu để một người nào đó mắc Covid-19 lọt qua biên giới vào Việt Nam, sau đó tham gia các lễ hội hay hoạt động tập trung đông người trong dịp nghỉ lễ, đó thực sự là thảm họa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.