Đường sắt

Trả lại đồ khách bỏ quên là việc đương nhiên phải làm

15/01/2017, 16:06

Tiếp viên đường sắt Trương Đại Ngọc chia sẻ, hành khách mất đồ cũng như mình mất, tiếc lắm...

30

Trưởng tàu SE7 Đặng Ngọc Quát trao trả tài sản cho hành khách Gillian Lesky Dicorato

Chia sẻ với Báo Giao thông ngay khi biết tin được Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa gửi thư khen, tiếp viên đường sắt Trương Đại Ngọc không giấu được niềm xúc động. Ngọc chia sẻ, hành khách mất đồ cũng như mình mất, tiếc lắm...   

Khách nước ngoài cảm phục nhân viên đường sắt

Chưa hết xúc động khi biết tin được Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa gửi thư khen, kể lại sự việc với Báo Giao thông, tiếp viên tàu SE7 Trương Đại Ngọc (Đoàn Tiếp viên đường sắt Phương Nam) cho biết, khoảng 8h35 ngày 10/1, sau khi đón tiễn hành khách lên xuống tàu tại ga Nha Trang, tàu SE7 Hà Nội - Sài Gòn tiếp tục hành trình, anh dọn dẹp khoang ngủ hành khách vừa xuống tàu, chuẩn bị đón hành khách ga tiếp theo thì phát hiện có chiếc vali màu hồng dưới gầm giường số 5, khoang 2 của khách bỏ quên. Anh Ngọc báo ngay Trưởng tàu Đặng Ngọc Quát để kiểm tra, lập biên bản, tìm cách trả lại hành khách.

Chia sẻ thêm về vụ việc, Trưởng tàu Đặng Ngọc Quát kể: “Ngay lập tức, tôi đến toa 12 cùng nhân viên bảo vệ trên tàu. Dưới sự chứng kiến của hành khách trên tàu, chúng tôi đã mở vali và lập biên bản”. Đúng như phán đoán, bên trong vali là tài sản cá nhân giá trị rất lớn, bao gồm: 4 điện thoại di động đắt tiền, một máy ipad, một máy tính bảng, một đồng hồ đeo tay kim loại hiệu Cazabela, một vòng đeo tay kim loại, hai bì thư chưa bóc, một túi xách hiệu Harrods, 170 USD, 2.000 baht Thái Lan, hơn 1.800 bảng Anh, 2 thẻ ATM mang tên Dicorato.

Tổ tàu đã liên hệ với ga Nha Trang thông báo vụ việc để khi hành khách đến báo quên tài sản liên hệ trực tiếp với trưởng tàu nhận lại. Ngay trong ngày hôm đó, hành khách đã liên hệ với tổ tàu. Đó là hành khách Gillian Lesky Dicorato, quốc tịch Anh, có vé giường số 5 đi cùng 3 người thân ở khoang 2, toa 12, tàu SE7, lên tàu tại Đà Nẵng, xuống tàu tại Nha Trang. Vì giá trị tài sản lớn trong khi tàu đi tiếp vào Sài Gòn, chưa thể trao trả ngay, Trưởng tàu Đặng Ngọc Quát đã hẹn hành khách đến ga Nha Trang sáng 11/1 nhận lại tài sản. Còn Trưởng tàu Quát, sau khi tàu SE7 về đến ga Sài Gòn khoảng 16h cùng ngày, ngay tối đó theo tàu SE4 ra Nha Trang để đích thân trả lại cho hành khách.

“Vì là tài sản lớn nên cả gia đình anh Dicorato đều ra ga Nha Trang chờ đợi. Họ rất vui mừng khi nhận lại tài sản, cảm động trước sự nhiệt tình, chu đáo của nhân viên đường sắt”, Trưởng tàu Quát cho biết. Trong bức thư cảm ơn viết vội ngay tại ga Nha Trang, anh Dicorato cảm động: “Chúng tôi vô cùng cảm ơn và cảm phục trưởng tàu Quát cùng nhân viên đường sắt đã trả lại tài sản cho chúng tôi”.

31
Tiếp viên tàu SE7/8 Trương Đại Ngọc

Nhặt được của rơi, trả lại người mất

Trưởng tàu Quát luôn nhắc nhở anh em tổ tàu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhặt được của rơi phải trả cho người mất. Điều này đã ngấm vào máu của tổ tàu nói riêng và ngành Đường sắt nói chung. Chính vì vậy, khi phát hiện tài sản hành khách bỏ quên, nhân viên tổ tàu đều tìm cách trả lại. “Trương Đại Ngọc cũng vậy, sinh năm 1995. Cũng mới đi làm tiếp viên trên tàu được khoảng 1 năm nhưng đã vài lần Ngọc trả lại tài sản cho hành khách bỏ quên”, Trưởng tàu Quát nói và cho biết thêm, hoàn cảnh gia đình Ngọc khó khăn, quê tận Thiệu Hóa, Thanh Hóa, hai chị em đều xa quê lập nghiệp, mẹ vừa mất cách đây vài tuần. Dù còn trẻ, nhưng Ngọc rất chăm chỉ, thực hiện tốt công việc của mình, không ham chơi, bỏ bê công việc, không tham của rơi. Với hành khách, Ngọc luôn hòa nhã, vui vẻ, tận tình.

22 tuổi, lại theo nghề chưa lâu nhưng khi tâm sự, chàng trai trẻ dáng “hot boy” này cho biết muốn gắn bó với nghề dù lương còn thấp, công việc lại vất vả. “Công việc phục vụ hành khách trên tàu vất vả lắm chị ơi. Suốt mấy chục tiếng đồng hồ, khách lên xuống các ga dọc đường liên tục, hết đón tiễn khách lại làm vệ sinh toa xe, mời hành khách sử dụng các dịch vụ trên tàu, mấy khi được nghỉ đâu. Nhưng em vẫn muốn theo nghề, hy vọng sau này ngành Đường sắt phát triển, lương nhân viên cũng khá hơn”, Ngọc chia sẻ.

Khi được hỏi, nghĩ sao trả hoài đồ cho khách, vì nhiều khi tài sản không lớn, chắc gì hành khách đã tìm? Ngọc tâm sự: “Hành khách mất đồ cũng như mình mất đồ, tiếc lắm. Dù giá trị hay không cũng phải trả lại. Trả đồ cho khách là chuyện đương nhiên phải làm. Anh em nhân viên đường sắt nào gặp trường hợp như em cũng hành động vậy thôi”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.