Chuyện dọc đường

Trả lại tiền, vàng giữa cơn bĩ cực

04/11/2020, 06:08

Trong cơn bĩ cực, người miền Trung vẫn sống chắt chiu nghĩa tình, với tinh thần đói nhưng sạch, rách nhưng thơm...

img
Vợ chồng Hồ Văn Xương phát hiện vàng trong quần áo được tặng đã tìm chủ nhân để trả lại

Gần suốt một tháng vừa qua, dải đất miền Trung vốn đã nghèo, đã khổ lại chịu cảnh lầm than vì thiên tai. Hơn một trăm người thiệt mạng, hàng chục ngàn ngôi nhà chìm trong biển nước, những tài sản mà người dân nơi đây chắt chiu góp nhặt được nay đã “theo sông về với biển”.

Thế nhưng, “máu chảy ruột mềm”. Mưa lũ có thể chia cắt về địa hình nhưng không thể cách chia tấm lòng của đồng bào. Ngay từ trong những ngày mưa lũ và cho đến tận hôm nay, biết bao yêu thương san sẻ đã và đang được gửi về miền Trung ruột thịt.

Ngược lại, trong cơn bĩ cực, người miền Trung vẫn sống chắt chiu nghĩa tình. Người miền Trung đã sống với tinh thần đói nhưng sạch, rách nhưng thơm.

Đó là hình ảnh ông Hồ Văn Xương (88 tuổi, ở thôn A Sóc Lìa, xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), người dân tộc thiểu số và là hộ nghèo của xã chịu thiệt hại nặng nề của mưa lũ.

Khi được đoàn từ thiện tặng một số áo quần cũ, về nhà ông kiểm tra thì phát hiện có 4 khâu vàng và 1 đôi khuyên tai bằng vàng tây. Nếu ông im lặng, cất giữ số vàng đó cho riêng mình thì chắc chắn cũng không ai biết. Nhưng không, ông liền mang số vàng lên thông báo với thôn, xã; đồng thời nhờ người thân chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội để tìm lại chủ nhân.

Cũng từ áo quần cũ được đoàn cứu trợ tặng, em Hồ Thị Khuê và Hồ Thị Thanh Hoài (học sinh lớp 5 ở Quảng Trị) phát hiện trong chiếc áo ấm có 5 triệu đồng tiền mặt. Ngay khi phát hiện, 2 em báo lên nhà trường để tìm người trả lại.

Hay như trường hợp ông Hồ Văn A Tia ở bản Loa của xã Ba Tầng - nơi xa nhất ở phía Nam huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị).

Cả gia đình ông A Tia sống trong căn nhà 4 bề lộng gió vì chỉ được che chắn bằng những tấm phên tre nứa. Thế nhưng ông và gia đình không chần chừ mà lập tức nhờ mọi người thông báo để trả lại 10 triệu đồng (số tiền mà người đàn ông này chưa khi nào được cầm trong tay) cho người bỏ quên trong túi chiếc quần cũ của đoàn từ thiện.

Ở Hà Tĩnh cũng có rất nhiều trường hợp tương tự. Đó là, chị Lê Thị Thủy (trú tại phường Kỳ Thịnh) cùng một số chị em khác phân loại quần áo do các đoàn thiện nguyện gửi về để phát cho người dân thì phát hiện một hộp đựng vàng trong chiếc túi quần Jeans cũ.

Ông Nguyễn Xuân Lam (55 tuổi, trú tại xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) khi lấy số quần áo cũ được đoàn cứu trợ ra sử dụng thì phát hiện 1 chỉ vàng, 1 vòng bạc.

Tương tự, anh Đào Xuân Minh (24 tuổi, trú tại xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) cũng đã phát hiện 2 chỉ vàng gói ghém cẩn thận để trong chiếc túi áo cũ. Ngay khi phát hiện, cả chị Thủy, ông Lam và anh Minh đều không chút đắn đo, nhanh chóng mang số vàng trên báo chính quyền để tìm người trả lại.

Chưa hết, mưa lũ không chừa một ai nhưng trong khó khăn người miền Trung vẫn đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Giữa mưa gió, họ chia nhau từng gói mì tôm nhai sống, từng mảnh lương khô; nhà ngập tới nóc họ gọi nhau, quây quần lại một nhà cao ráo nhất, góp gạo nấu cơm chung…

Khi nhà mình vẫn chưa rút hết nước nhưng nghe tin nhiều vùng ở Nghệ An bị ngập sâu, người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình và nhiều vùng khác đã gác lại việc gia đình. Họ mang theo những nhu yếu phẩm rồi vội vã lên đường sẻ chia...

Người miền Trung là thế. Lam lũ, chân chất nhưng nặng tình nặng nghĩa. Giữa những ngày trĩu nặng, lại càng thấm thía lời ca: “Dân tôi ngàn năm khó nhọc, mà sống chắt chiu câu nghĩa tình…”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.