Pháp luật

Trà Vinh: Đường dây “mua bán chính sách” diễn ra như thế nào?

18/11/2021, 08:38

Người dân địa phương gọi việc này là “bán tên”, còn cơ quan điều tra gọi là trục lợi, “mua bán chính sách”...

Trong ngày mai (19/11), TAND tỉnh Trà Vinh sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét xử 17 bị cáo trong vụ “mua bán chính sách”, gây rúng động dư luận trong năm 2019. Trong số này, có 2 bị cáo là Diệp Văn Thạnh (nguyên Chủ tịch UBND TP Trà Vinh) và Trần Trường Sơn (nguyên Phó Chủ tịch).

img

Bị cáo Diệp Văn Thạnh (nguyên Chủ tịch UBND TP Trà Vinh) bị bắt giữ vào tháng 8/2019.

Lừa “mượn tên” để trục lợi

Từ nhiều năm qua, tỉnh Trà Vinh cho triển khai chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất đối với gia đình chính sách khi họ chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở đô thị (lên thổ cư). Tùy vào từng trường hợp, có thể là Mẹ VNAH, thương binh, liệt sĩ… sẽ được miễn giảm từ 65-100%.

Lợi dụng việc này, các đối tượng là cò đất, cán bộ đã móc nối với nhau, tìm mua đất nông nghiệp, hoặc đất sẵn có của người thân, quen. Sau đó, chúng tìm đến gia đình chính sách. Chúng đặt vấn đề với người dân là “mượn” hồ sơ, bao gồm: sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận liệt sĩ, thẻ thương binh… Nói chung là những giấy tờ chứng minh đây là gia đình có công với cách mạng.

Mỗi hồ sơ như vậy, “cò” sẽ trả cho người dân từ 10 đến hơn 30 triệu đồng. Sau đó, chúng lập ra những hợp đồng khống, chuyển nhượng đất cho gia đình chính sách đứng tên, rồi làm thủ tục xin chuyển đất lên thổ cư, để được miễn tiền sử dụng đất.

Xong việc, chúng tiếp tục làm hợp đồng khống, chuyển nhượng trở lại từ gia đình chính sách cho những đối tượng được sắp đặt sẵn. Như vậy, đất nông nghiệp sau khi đi một vòng đã được “hô biến” thành đất đô thị, còn ngân sách nhà nước không thu được đồng nào. Người dân địa phương gọi việc này là “bán tên”, còn cơ quan điều tra gọi là trục lợi, “mua bán chính sách”.

Ông Huỳnh Văn X. (thương binh 1/4 ở xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè) là người đã bị các đối tượng tìm đến “mượn tên”. Theo hồ sơ thể hiện, một phụ nữ có tên Đỗ Thị Cẩm (SN 1968, ở ấp Nhà Thờ, xã Tân An, huyện Càng Long) đã chuyển nhượng cho ông X. diện tích đất gần 300m2, rồi đi đăng ký lên thổ cư, được miễn giảm 100% với số tiền hơn 686 triệu đồng. Tiếp đến, mảnh đất này từ tên ông X. được chuyển nhượng lại cho một người tên Lê Thị Vệ (xã Tân An, huyện Càng Long).

img

Bị cáo Trần Trường Sơn (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Trà Vinh) bị bắt cùng thời điểm với Diệp Văn Thạnh.

Lãnh đạo “nhúng chàm”

Quá trình điều tra, công an xác định, từ năm 2009 đến tháng 8/2018, ông Thạnh với vai trò là lãnh đạo TP Trà Vinh đã cùng Trần Trường Sơn (nguyên Phó chủ tịch) chỉ đạo cấp dưới triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở bằng hình thức chuyển mục đích sử dụng đất và miễn giảm tiền sử dụng đất trái quy định.

Theo Quyết định 118 của Thủ tướng và Thông tư 30 của Bộ TN&MT, việc xem xét để hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở phải dựa trên kiến nghị của UBND phường, xã, thị trấn nơi người đó cư trú. Những kiến nghị đó phải được UBND cấp quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh xác minh lại trước khi trình lên UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương quyết định. Bên cạnh đó, hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất phải có biên bản xác minh thực địa và biên bản giao đất trên thực địa.

Tuy nhiên, ông Thạnh vẫn ký ban hành 2 công văn yêu cầu bỏ qua nội dung kiến nghị của UBND phường, xã, thị trấn và xác minh lại của UBND cấp huyện. Từ đó, “cò đất” tìm đến gia đình chính sách làm thủ tục hợp đồng chuyển nhượng hoặc tặng cho đất khống, hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ đất không phải là đất ở thành đất ở để được miễn, giảm tiền sử dụng đất từ 65-100%.

Khi được báo cáo về việc “cò đất” lợi dụng chính sách để làm hồ sơ hợp thức hóa cho chủ đất hưởng lợi, ông Thạnh vẫn không chỉ đạo chấn chỉnh, không báo cáo UBND tỉnh, mà còn ký thông báo chỉ đạo tiếp tục thực hiện theo quy định cũ trước đây.

Tổng cộng ông Thạnh và ông Sơn đã ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và miễn giảm tiền sử dụng đất 704 hồ sơ, với số tiền miễn, giảm gần 120 tỉ đồng, trong đó có 313 hồ sơ miễn giảm sai, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 69 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ việc, tháng 10/2018, ông Diệp Văn Thạnh đã bị kỷ luật với hình thức cách chức Chủ tịch UBND TP Trà Vinh; ông Trần Trường Sơn bị cảnh cáo. Ngoài ra, còn có ông Phạm Văn Tám (hiện là Giám đốc Sở Công thương) cũng bị kỷ luật cảnh cáo, do trong thời gian giữ chức Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trà Vinh, ông Tám có liên quan đến những sai phạm nêu trên.

Đến tháng 8/2019, Công an tỉnh Trà Vinh đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Thạnh và ông Sơn để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.