Trách nhiệm, tác nghiệp của nhân viên gác đường ngang được quy định rõ trong các văn bản pháp luật và quy trình ngành Đường sắt. Ảnh: minh họa
Sau vụ tai nạn tàu đâm ô tô 7 chỗ tại Km 901+450 là đường ngang có nhân viên gác chắn tại Quảng Ngãi xảy ra vào ngày 7/3/2021, làm 3 người trên xe 1 người tử vong, 2 người bị thương, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Tổng công ty Đường sắt VN khẩn trương phân tích, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan.
Trong đó, Bộ yêu cầu Tổng công ty Đường sắt VN kiểm tra, rà soát toàn diện các quy trình tác nghiệp đón, tiễn tàu của nhân viên gác đường ngang và các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu có liên quan nhằm đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để xảy ra những vụ tai nạn tương tự và tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn ngành.
Thực tế, trách nhiệm và tác nghiệp của nhân viên gác đường ngang đã được quy định rõ trong các văn bản pháp luật và quy trình của ngành Đường sắt. Theo đó, để được bố trí làm nhân viên gác đường ngang, người lao động phải đạt các quy định theo Điều 16 Thông tư 33/2018/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu và các nội dung liên quan.
Cụ thể, tiêu chuẩn là phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn về đường sắt, gác đường ngang; Có đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; Có thời gian thử việc theo quy định của pháp luật về lao động với các chức danh gác đường ngang và đạt yêu cầu sát hạch về nghiệp vụ gác đường ngang do doanh nghiệp sử dụng các chức danh gác đường ngang tổ chức.
Nhiệm vụ của nhân viên gác đường ngang là phải đóng, mở kịp thời chắn đường ngang, chắn đường bộ tại khu vực cầu chung đường sắt, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi phương tiện giao thông đường sắt chạy qua; Kiểm tra, bảo quản trang thiết bị chắn đường ngang phù hợp với các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt.
Cùng đó, khi phát hiện hành vi, sự cố có khả năng gây cản trở, gây mất an toàn giao thông đường sắt, nhân viên gác đường ngang có trách nhiệm kịp thời báo cho ga gần nhất, lãnh đạo cấp trên trực tiếp để có biện pháp xử lý. Phải ghi chép đầy đủ nhật ký đường ngang; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về đường ngang.
Điều 16 cũng quy định rõ quyền hạn của nhân viên gác đường ngang, đó là: Được quyền báo hiệu dừng tàu trong trường hợp khẩn cấp uy hiếp trực tiếp đến an toàn chạy tàu; Dừng phương tiện giao thông đường bộ khi khu vực đường ngang không đảm bảo an toàn cho phương tiện qua lại.
Về quy trình tác nghiệp của nhân viên gác đường ngang, một chuyên gia an toàn giao thông đường sắt cho biết, quy trình chung của ngành Đường sắt quy định: Khi tàu chạy tại ga hoặc thông qua ga, trực ban chạy tàu nhà ga sẽ gọi điện báo cho nhân viên gác đường ngang gần ga nhất. Tùy theo quy định phải thực hiện đóng đường ngang trước khi tàu đến bao nhiêu phút, nhân viên gác đường ngang sẽ thực hiện thao tác bật tín hiệu cảnh báo phía đường bộ như đèn, chuông, sau đó hạ cần chắn hoặc kéo dàn chắn, đóng kín đường ngang. Khi hai bên đường bộ đóng hoàn toàn, an toàn cho tàu qua thì nhân viên khai thông biển đỏ phía đường sắt, báo hiệu cho lái tàu điều khiển tàu qua đường ngang. Tiếp theo, nhân viên gác đường ngang vào vị trí đón tàu và làm tín hiệu đón tàu qua đường ngang.
Cũng theo chuyên gia này, ngoài quy định chung như vậy, tại mỗi đường ngang, đơn vị quản lý đường ngang sẽ xây dựng quy tắc tỉ mỉ, trong đó quy định cụ thể thời gian, trình tự các tác nghiệp của nhân viên gác chắn khi đón tàu, khi không có tàu... tùy thuộc đặc điểm kĩ thuật, vị trí, lưu lượng phương tiện đường bộ lưu thông qua đường ngang.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận