Tàu bay lớn hạ cánh sân bay Điện Biên nhờ công nghệ mới
Ngày 1/12, lần đầu tiên chiếc máy bay A321 của Vietnam Airlines hạ cánh xuống sân bay Điện Biên, đánh dấu bước phát triển mới của ngành hàng không khu vực Tây Bắc.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) cho biết, việc kéo dài đường băng để cho tàu bay lớn hạ cánh không khó về kinh phí và kỹ thuật xây dựng. Cái khó là phương thức bay lâu nay dựa vào sóng vô tuyến của hệ thống đài kiểm soát không lưu mặt đất nên rất khó trong điều kiện địa hình "lòng chảo" ở Điện Biên.
Phải đến khi Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) chuyển đổi sang công nghệ sóng vệ tinh, áp dụng phương thức bay mới theo chuẩn ICAO, cụ thể là công nghệ dẫn đường hàng không PBN (Performance-Based Navigation) và giám sát ADS-B (Automatic Dependent Surveillance-Broadcast) mới có thể xoay trục đường băng, kiểm soát phương tiện cất, hạ cánh chính xác hơn, giảm thiểu rủi ro của lỗi định vị.
Công nghệ giám sát ADS-B cũng là một bước tiến chuyển đổi số mạnh mẽ khi cung cấp dữ liệu vị trí và hành trình của tàu bay trong thời gian thực, có khả năng phủ sóng rộng hơn so với radar truyền thống. ADS-B cũng giúp tăng cường nhận biết về vị trí của các tàu bay khác, giảm nguy cơ va chạm và cung cấp thông tin quan trọng cho việc tránh va chạm.
Tại TP.HCM, VATM đang triển khai dự án Trung tâm Kiểm soát không lưu TP.HCM phía sau trung tâm hiện tại.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày cuối năm, công nhân vẫn đang hối hả thi công các hạng mục. Đại diện VATM cho biết, tòa nhà sẽ là nơi lắp đặt các hệ thống thiết bị tiên tiến, hiện đại phù hợp với tiến trình đổi mới công nghệ của khu vực và thế giới.
Từ đó, đáp ứng được việc đổi mới, tổ chức lại vùng trời, cơ sở điều hành bay, phương thức điều hành bay để đảm bảo điều hành bay trong điều kiện lưu lượng bay đang tăng cao. Tổng giá trị các gói thầu thiết bị kỹ thuật, đường truyền tại Trung tâm Kiểm soát không lưu TP.HCM có trị giá dự toán khoảng 1.000 tỷ đồng.
Chuyển đổi số từ trong ra ngoài
Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất những ngày giáp tết Dương lịch, nhiều hành khách dù lớn tuổi những đã thuần thục sử dụng các ứng dụng hiện nay khi làm thủ tục lên máy bay.
Bà Hoàng Thị Sen (61 tuổi, quê Bắc Giang) đợi làm thủ tục ở ga quốc nội chia sẻ: "Căn cước công dân đã định danh mức độ 2 rồi nên chỉ cần mở điện thoại ra quét, đỡ mất công rút căn cước tới lui dễ rơi mất. Tôi đã check-in online trước nên không phải xếp hàng".
Tại khu vực ga đến quốc tế, anh Tùng (45 tuổi) đáp chuyến bay từ Hàn Quốc xuống Tân Sơn Nhất đang làm thủ tục nhập cảnh bằng cách dùng hộ chiếu gắn chip quét trên máy AutoGate.
Chỉ sau khoảng nửa phút, hệ thống xác nhận trả dữ liệu, hành khách này đã thảnh thơi kéo vali hành lý bước ra sảnh bên ngoài. "Cảm nhận rõ ngành hàng không đã chuyển đổi số tích cực. Việc xuất nhập cảnh đối với người dân hiện nay không khác gì các sân bay hiện đại trên thế giới", anh Tùng nhận xét.
Theo ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV, doanh nghiệp này đã sẵn sàng cho chuyển đổi số giai đoạn 2 (2023 – 2025), trong đó bao gồm đầu tư nâng cấp hạ tầng số, hệ thống công nghệ thông tin làm thủ tục hành khách dùng chung, mô hình quản trị cơ sở dữ liệu sân bay tập trung tại nhà ga quốc tế T2 Nội Bài và Tân Sơn Nhất, thu phí không dùng tiền mặt và thu phí tự động các các cảng hàng không trực thuộc…
Đại diện Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho biết, mặc dù đang vào cao điểm khai thác cuối năm, nhưng số lượng chuyến bay trễ chuyến đã giảm 20% nhờ ứng dụng phần mềm phối hợp ra quyết định khai thác (ACDM - Airport Collaborative Decision Making) được áp dụng từ tháng 11/2023. Phần mềm này giúp cải thiện các chỉ số liên quan đến khai thác đúng giờ, giảm thiểu các kế hoạch phân bổ vị trí đỗ, quầy check-in và cửa ra tàu bay.
Ông Nguyễn Thanh Dương, Trưởng ban Kỹ thuật Công nghệ - Môi trường Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra đồng bộ từ trên xuống, từ trong nhà ga cho đến phía ngoài. "AVC đã xây dựng xong kế hoạch thu phí tự động tại 5 cảng hàng không lớn trên cả nước, chỉ cần cơ quan chức năng cho phép là triển khai", ôn Dương nói.
Theo ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV, quá trình chuyển đổi số tại ACV đến nay đã tạo ra các kết quả tích cực, góp phần lan tỏa thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.
Với các hãng bay, từ nhiều năm nay, các hãng hàng không nội địa đã tập trung đầu tư chuyển đổi số, cung cấp hệ thống dịch vụ trên nhiều thiết bị (máy tính, điện thoại, máy tính bảng, kiosk check-in sân bay…) một cách đồng bộ.
Thực tế, không còn quá nhiều khách đi máy bay lựa chọn phương thức làm thủ tục hàng không bằng cách xếp hàng ở sân bay. Hay nói cách khác, nhiều hành khách thường xuyên làm thủ tục trực tuyến.
Mới đây, Vietnam Airlines đã ra mắt Trợ lý ảo - Chatbot AI và ứng dụng đọc báo, tạp chí điện tử PressReader. Dữ liệu hơn 4.000 câu hỏi liên tục được cá nhân hóa, giúp Chatbot có thể giải đáp được hầu hết các câu hỏi cơ bản về mua vé máy bay, điều kiện hoàn/đổi, thông tin hành lý hành khách.
Thực đơn suất ăn, đồ uống trên các chuyến bay nội địa và quốc tế cũng chuyển đổi số, thay thế dần thực đơn giấy truyền thống. Trước khi chuyến bay khởi hành 7 ngày, hệ thống sẽ gửi thư mời tra cứu thực đơn qua tin nhắn và email để khách hàng tiện theo dõi.
Cũng đầu tư mạnh cho chuyển đổi số, đại diện Vietjet cho biết: Chiến lược kinh doanh của Vietjet gắn liền với việc ứng dụng công nghệ với các sản phẩm dịch vụ sáng tạo hơn, thay đổi hoàn toàn các trải nghiệm dịch vụ hàng không của khách hàng.
Nhờ ứng dụng chuyển đổi số trong quản trị, kinh doanh từ rất sớm, Vietjet không những trụ vững trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà còn "hái trái ngọt" với những kết quả ấn tượng. Trong quý III/2023, hãng ghi nhận doanh thu hợp nhất 14.235 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng vận tải hành khách quốc tế tăng 201% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận