Hạ tầng

Trái tim metro kỳ vĩ trong lòng thành phố ngày Quốc khánh

image

Chúng tôi bước khẽ khàng ở độ sâu -30m dưới lòng đất, trong lòng đường hầm metro kì vỹ. Bên trên là nhà ga Nhà hát TP.HCM và ga Bến Thành ồn ã.

img
Toàn cảnh công trường nhà ga trung tâm Bến Thành đang thi công sáng 1/9. Đây là nhà ga chính của tất cả các tuyến metro trong tương lai.
img
Toàn cảnh tuyến Metro số 1

Ngày đầu tháng 9/2020, trời hanh hao, nắng nhẹ. Kỹ sư Nguyễn Đình Nhuận, Phó Tổng giám đốc Cienco4 trong liên danh SMCC-Cienco4, đang thi công gói thầu 1a (nhà ga trung tâm Bến Thành, trước chợ Bến Thành và một phần công viên 23/9) của tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đưa chúng tôi vào lòng đất. Anh cho biết: Để bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình, dịp lễ 2/9 này, một bộ phận công nhân, kỹ sư vẫn làm việc, không nghỉ.

Nhịp đập của trái tim

Nhà ga trung tâm Bến Thành có 4 tầng: B1, B2, B3 và B4.
Tầng B1 rộng 53.600m2 ở độ sau 12m là sảnh đón khách, bán vé và trung tâm thương mại.
Tầng B2 rộng 13.0002 ở độ sâu 17m và 20m, là nơi hành khách lên xuống tàu cho tuyến metro số 1 và số 4, gồm cả khu văn phòng điều độ.
Tầng B3 rộng 6.300m2 ở độ sâu 25m là sảnh dùng thu phí trung chuyển.
Tầng B4 rộng 2.500m2 ở độ sâu 35m là ga cho tuyến metro số 2.

Bên trong những bức tường vây im lìm của một phần công viên 23/9 là công trường sôi động với 700 công nhân và 250 kỹ sư làm việc 24/24 giờ. Tiếng xe cẩu nâng vật liệu lịch kịch; tiếng máy khoan rít lên ken két và rất vui tai khi xe cẩu thỉnh thoảng phát lên những đoạn nhạc vui vẻ.

Anh Nguyễn Đình Nhuận hỏi vui: Các anh có biết vì sao xe cẩu lại… phát nhạc không? Dĩ nhiên chúng tôi ớ người ra! Anh giải thích: “Đó là khi cẩu chuyển động, phát nhạc để cảnh báo cho không khí nhẹ nhàng, vui vẻ, thay vì những âm thanh cảnh báo khác dễ gây căng thẳng…”. Một chi tiết rất nhỏ nhưng rất nhân văn.

Đây là công trình nhà ga Bến Thành, nhà ga trung tâm và điểm ngầm đầu tiên của toàn bộ hệ thống Metro ở TP.HCM, sẽ kết nối với 8 tuyến Metro trong tương lai toả quanh thành phố. Cũng có thể coi đây là nhà ga “trái tim” của toàn hệ thống mạng lưới Metro của TP.HCM trong tương lai.

img
Phó Tổng giám đốc Cienco4 Nguyễn Đình Nhuận (thứ 2 từ phải sang) đưa chúng tôi xuống tầng hầm B2 của nhà ga trung tâm Bến Thành, ở độ sâu 17m. Ở đây, quy tắc an toàn được đặt lên hàng đầu.

Nhà ga trung tâm Bến Thành được coi là công trình phức tạp nhất của dự án vì ngoài phục vụ hành khách tuyến metro số 1 đang hoàn thành, nhà ga trung tâm Bến Thành còn là điểm trung chuyển, kết nối các tuyến metro khác trong tương lai như tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương); tuyến 3A (Bến Thành - Tân Kiên); tuyến số 4 (Thạnh Xuân - Hiệp Phước) và 4 tuyến khác trong tương lai.

Người Sài Gòn và nhân dân cả nước đang tận hưởng kỳ nghỉ lễ. Ở đây không có kỳ nghỉ nào, chỉ có những kỹ sư, người thợ đang hăng say và miệt mài lao động.

img
Công nhân khoan tường bê tông để gia cố các hạng mục ở sàn B2, độ sâu 17m dưới lòng đất
img
Hai nữ công nhân Đặng Thị Tỉ và Mộng Nhi (quê Bạc Liêu) đang gia cố sàn cố thép để đổ bê tông ở sàn B2 nhà ga Bến Thành.

Ở độ sâu 17m, hai nữ nhân công Đặng Thị Tỉ và Mộng Nhi đang cột dây thép cho những thanh sắt gia cố sàn để thảm betong, dù mồ hôi ròng ròng trên mặt vẫn ngời lên nét hăng say và duyên dáng. Các cô ngại ngùng trước ống kính nhưng rất vui khi có người… hỏi thăm, nói chuyện ở… dưới lòng đất!

Cạnh đó, những công nhân nam làm những công việc nặng hơn: khoan vào tường bê tông hoặc định dạng những khung sắt to tướng chằng chịt. Toàn bộ đường hầm đã định hình.

img
Phút chợp mắt nghỉ trưa của những người thợ. Để có công trình hiện đại cho tương lai, nơi đây thấm đẫm mồ hôi của biết bao người...

Anh Nguyễn Đình Nhuận cho biết, ngay trong tháng 9 này, đơn vị sẽ tiếp tục huy động thêm 200 nhân công cho công trường vốn đã có 950 người đang làm việc. Tốc độ sẽ được đẩy lên cao để toàn tuyến hoàn thành vào cuối năm 2020, có thể thông tàu kỹ thuật và khai thác thương mại vào cuối năm 2021. Đó là quyết tâm của chủ đầu tư, các nhà thầu, đáp ứng mong mỏi của người dân TP.HCM và cả nước.

Xuyên lòng đất từ Ba Son về Nhà hát Thành phố

img
Lắp đặt đường ray trong đường ống

Ở chiều ngược lại, kỹ sư trẻ Nguyễn Hoàng Sang, 28 tuổi (Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM), đưa chúng tôi xuống lòng đất từ nhà ga Ba Son. Nhà ga này có chiều dài 240mx35m, nối từ đây về ga Nhà hát Thành phố, kết nối với nhà ga trung tâm Bến Thành. Cả ba nhà ga này là tuyến ngầm 2,6km của toàn hệ thống 19,7km toàn tuyến.

Đây cũng là nơi robot TBM đường kính hơn 6m đặt mũi khoan đầu tiên cách đây nhiều năm về trước và ròng rã suốt thời gian đó, bao nhiêu công sức đổ ra mới có hai đường hầm hiện đại, vững chắc, là tường thành vững chắc và là hạng mục kỳ vỹ nhất của tuyến metro.

img
Những thanh ray đầu tiên của tuyến metro đang được lắp đặt, chờ đón những đoàn tàu

Đường hầm đã hoàn thành và những thanh ray cho tàu chạy đang được lắp đặt. Theo thiết kế, tàu có vận tốc trong đường ống ngầm là 80km/h và trên cao là 120km/h; cứ khoảng 3 phút có một tàu xuất phát. Một hệ thống điều độ hiện đại ở trung tâm sẽ giám sát, điều độ, cảnh báo việc di chuyển của tàu trên toàn tuyến.

Anh Nguyễn Hoàng Sang nói vui: “Đi cùng các nhà báo như thế này mình cũng vui vì sau này khi tàu vận hành, có muốn đi bộ trong lòng đất như thế này cũng không được!”.

Dĩ nhiên, khó diễn tả được cảm xúc lâng lâng khi dạo bước ở một công trình âm 30m dưới lòng đất, được hình thành bằng nhân tài vật lực của nhân dân cả nước với bao tiền của dồn vào; với mồ hôi, sức lực, tài trí của bao nhiêu con người ròng rã nhiều năm và hơn thế, là khao khát của biết bao thế hệ…

img
Bên trên ga Nhà hát Thành phố là công viên vườn hoa rất đẹp

Giờ đây, khi đi dạo trên vườn hoa trước Nhà hát Thành phố, bên những luống hoa cỏ xanh tươi, hẳn khó ai có thể hình dung bên dưới là một nhà ga kỳ vĩ, nhiều tầng, hiện đại.

Ga ngầm Nhà hát TP hiện có 5 vị trí có thể tiếp cận đi xuống, gồm đoạn trước cửa Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, khu vực đường Lê Lợi, khu vực Sài Gòn Square và khách sạn Rex - tất cả đều là những vị trí xung quanh Nhà hát TP.

img
Sảnh đón khách rất rộng rãi

Toàn bộ ga ngầm gồm 4 tầng, riêng tầng B1 đã hoàn thiện cơ bản, là nơi đặt các trang thiết bị phục vụ hành khách (sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động, nhà vệ sinh), phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách.

Từ tầng B1 này hành khách sẽ di chuyển thông tới tầng B2 và B4, cả 2 tầng này là sân ga, nơi tàu dừng, đỗ để đón trả khách. Tầng B3 được thiết kế là tầng kỹ thuật.

Việc đi lại giữa các tầng khi đi tàu được thiết kế thuận tiện cho hành khách, đặc biệt có vạch kẻ nổi bật dành người khiếm thị. Ngoài ra còn có thang máy, thang cuốn và thang bộ kết nối giữa các tầng.

img
Phối cảnh nhà ga Tân Cảng, đoạn ga nổi đầu tiên nối tiếp ga ngầm Ba Son.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM chia sẻ, sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan triển khai tăng tốc thi công các hạng mục tiếp theo của dự án như: lắp đặt hệ thống đường ray, hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu... trên toàn tuyến và lắp đặt trang thiết bị, hoàn thiện tại các nhà ga, đảm bảo hoàn thành 85% khối lượng dự án trong năm 2020, hướng tới mục tiêu phấn đấu đưa dự án vào vận hành và tiến tới vận hành khai thác cuối năm 2021.

Cienco4 hiện là một trong những công ty lớn về xây dựng hạ tầng, đang tham gia xây dựng những công trình trọng điểm như metro Bến Thành - Suối Tiên, cải tạo đường băng Tân Sơn Nhất (TP.HCM), đường trên cao Nam Thăng Long - Mai Dịch (Hà Nội), nút giao Trần Thị Lý (Đà Nẵng)...

Những hình ảnh của dự án đang hoàn thiện:

img
Những thanh ray đã được lắp đặt, chờ đón các đoàn tàu.
img
Đêm trên công trường
img
Các kỹ sư làm việc ngày đêm
img
Những đoàn tàu sẽ về trên tuyến metro
img
Nội thất bên trong toa tàu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.