Giao thông

Trạm BOT lưu lượng lớn nhất nước bắt đầu thu giá không dừng

01/02/2018, 11:44

Hai làn thu giá không dừng tại trạm BOT cầu Đồng Nai (Đồng Nai) trên QL1 chính thức được đưa vào hoạt động.

IMG_6126666

Sáng nay (1/2), trạm thu giá BOT cầu đồng Nai (Đồng Nai) chính thức thu giá tự động không dừng

Sáng nay (1/2), tại Trạm thu giá BOT cầu Đồng Nai (Km1872 + 579) QL1, Công ty TNHH thu phí tự động VETC và nhà đầu tư BOT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai (thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP) tổ chức lễ thông 2 làn thu giá không dừng cả chiều đi và về trên tuyến giao thông huyết mạch là QL1. Việc thông làn thu giá không dừng được đánh giá sẽ giúp giảm ùn tắc tại cửa ngõ TP Hồ Chí Minh.

Đây là trạm thứ 17 trong tổng số 28 trạm trong dự án thu giá không dừng trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên được vận hành thương mại. Khác với các trạm đã đưa vào vận hành thương mại áp dụng thu giá không dừng với cả vé lượt, vé tháng và vé quý, Trạm BOT cầu Đồng Nai chỉ áp dụng làn thu giá tự động VETC cho các đối tượng xe đã dán thẻ VETC và các xe vé lượt. Đối với các xe mua vé tháng/qúy của trạm và xe thuộc đối tượng miễn phí, hoàn phí chỉ được sử dụng làn thu phí thủ công MTC. 

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đến nay đã có 17/28 trạm thu giá thuộc dự án đã vận hành thương mại thu giá không dừng. Theo ông Thắng, lộ trình tại quyết định 07 của Thủ tướng, đến năm 2019 tất cả các trạm thu giá trên toàn quốc phải sẽ áp dụng thu giá ko dừng. Tổng cục đang tích cực triển khai một số trạm ngoài dự án như: Pháp Vân – Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Tiên Cựu... để hoàn thành trong quý I năm nay.

“Khi áp dụng thu giá không dừng thời gian xe thông qua trạm sẽ nhanh hơn, giảm ùn tắc, không phải in vé. Quan trọng hơn sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý minh bạch thu giá BOT”, ông Thắng nói và yêu cầu: “VETC tích cực huy động nhân lực để hoàn thành đúng tiến độ”.

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai cho biết, thu giá tự động không dừng là chủ trương đúng của Chính phủ và Bộ GTVT. Công ty sẽ phối hợp tốt với VETC để thực hiện tốt dự án.

“Khi áp dụng thu giá không dừng xe sẽ lưu thông qua trạm nhanh hơn, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Trạm cầu Đồng Nai có lưu lượng xe lớn nhất nước với lưu lượng gần 60 nghìn xe/ngày đêm, nếu không tổ chức tốt công tác thu giá và đảm bảo ATGT rất dễ xảy ra ùn tắc”, ông Vinh nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC cho biết, các phương tiện tham gia giao thông tại trạm thu giá cầu Đồng Nai đã dán thẻ VETC và nạp tiền vào tài khoản giao thông có thể đi vào làn VETC số 1 và số 2 để sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng. Dịch vụ thu phí tự động không dừng VETC được áp dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới. Thông qua thẻ định danh VETC dán trên phương tiện, dịch vụ VETC giúp phương tiện lưu thông qua trạm thu phí không phải dừng chờ mua vé, thanh toán, giữ được tốc độ lưu thông ổn định và tiết kiệm nhiên liệu.

"Thẻ VETC được dán miễn phí tại trạm thu giá cầu Đồng Nai, các điểm dịch vụ VETC và các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn. Với hệ thống thu phí tự động không dừng được áp dụng công nghệ hiện đại này, ước tính tiết kiệm được gần 3400 tỷ đồng/ năm; đồng thời người sử dụng, cơ quan nhà nước và Chủ đầu tư BOT có thể cùng lúc quản lý các giao dịch qua trạm thu giá một cách công khai", ông Hà nói.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn quốc đã có 17 trạm thu giá đã triển khai làn thu phí tự động không dừng VETC (theo giai đoạn 1 của dự án do Bộ giao thông vận tải phê duyệt ký ngày 13/07/2016) như: Trạm Cao tốc Hà Nội Bắc Giang (Bắc Ninh); Tân Đệ (Thái Bình); Mỹ Lộc (Nam Định); Hoàng Mai (Nghệ An); Quán Hàu, Tasco Quảng Bình (Quảng Bình); Phú Bài, Bắc Hải Vân (Huế); Hòa Phước, Tam Kỳ (Quảng Nam); Tư Nghĩa (Quảng Ngãi); Toàn Mỹ 14 (Đăk Nông); Đức Long 1, Đức Long 2 (Gia Lai). Trong tháng 1/2018, trạm Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 (Nghệ An) và trạm Cầu Đồng Nai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.