Đường bộ

Trạm thu phí để ùn tắc dịp Tết sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

09/02/2021, 10:59

Trong dịp Tết, nếu đơn vị quản lý trạm thu phí để ùn tắc giao thông kéo dài sẽ bị phạt tới 70 triệu đồng...

img

Mức phạt cao nhất cho tổ chức quản lý vận hành trạm thu phí để xảy ra ùn tắc mà không chấp hành yêu cầu khắc phục của cơ quan quản lý nhà nước sẽ bị phạt 70 triệu đồng - Ảnh minh họa

Trạm thu phí bị phạt nặng nếu để xảy ra ùn tắc dịp Tết

Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ - đường sắt đưa ra nhiều mức phạt với đơn vị tổ chức thu phí đường bộ để xảy ra ùn tắc giao thông tại trạm.

Cụ thể: Tại Khoản 6 Điều 15 Nghị định 100 quy định phạt tiền từ 8-10 triệu đồng đối với tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 100-150 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) từ 750m đến 1km.

Để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ôtô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 10-20 phút.

Cùng hành vi này, Nghị định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng nếu xảy ra một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 150-200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) lớn hơn 1-2km. Để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 20-30 phút.

Ngoài ra, Nghị định quy định phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ để số lượng xe ôtô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) lớn hơn 2km. Để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 30 phút.

Đáng chú ý, phạt tiền từ 50-70 triệu đồng nếu đơn vị quản lý không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai các giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí; Hoặc không thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ trạm thu phí cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Cách nào để biết tiền trong thẻ thu phí không dừng còn hay hết?

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hệ thống thu phí tự động không dừng trong cả nước đã được vận hành từ cuối năm 2020. Để việc lưu thông thuận tiện, tránh ùn tắc tại trạm, nhất là trong những ngày nghỉ Tết chủ phương tiện dù đã dán thẻ thu phí không dừng cần biết trong tài khoản có còn tiền để lưu thông qua trạm hay không.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC cho biết, cách thứ nhất là trong trường hợp khách hàng không dùng điện thoại muốn nạp tiền vào tài khoản giao thông có thể nộp tiền mặt tại quầy của VETC và tại các ngân hàng.

Trong trường hợp khách hàng dùng điện thoại thông minh thì tải app của VETC, dùng app này để chuyển tiền vào tài khoản giao thông. Trường hợp không tải app của VETC, có thể dùng app của ngân hàng dùng internet banking để nạp tiền vào tài khoản giao thông.

Để khách hàng theo dõi được số dư trong tài khoản, ông Vinh cho biết, nếu khách hàng dùng app của VETC thì trên app này đã quản lý được các giao dịch, bao nhiêu lần đi qua trạm, trong tài khoản còn bao nhiêu tiền. Mỗi lần chủ phương tiện qua trạm app sẽ báo số tiền đã trừ, số tiền còn trong tài khoản.

Đề cập đến dịch vụ thông báo biến động số tiền trong tài khoản giao thông, ông Vinh cho biết, nếu khách hàng muốn dùng dịch vụ kiểm tra số dư tài khoản, phải đăng ký dịch vụ SMS qua app và trả phí cho nhà mạng, VETC không thu loại phí này.

Tương tự, đại diện Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) biết đơn vị sở hữu thẻ thu phí tự động ePass cho biết, VDTC triển khai dán thẻ ePass miễn phí tại các hệ thống siêu thị ViettelStore và hệ thống bưu cục ViettelPost hoặc chủ phương tiện đăng ký online, dán thẻ tại nhà.

Chủ phương tiện nạp tiền vào tài khoản giao thông ePass thông qua ví điện tử Momo, ViettelPay, tài khoản thanh toán của hơn 40 ngân hàng hoặc thẻ thanh toán quốc tế. Thanh toán trực tiếp khi qua trạm mà không cần nạp tiền trước vào tài khoản giao thông thông qua liên kết trực tiếp với ViettelPay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.