Showbiz

Trần Đăng Khoa nói về Tết ký ức, Tết hiện đại

29/01/2017, 07:52

Nhân dịp đầu năm, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có những chia sẻ thú vị về Tết.

tdk1

Nhân dịp đầu năm, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có những chia sẻ thú vị về Tết

Nhân dịp Tết Đinh Dậu 2017, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã chia sẻ với Báo Giao thông những quan điểm thú vị về dịp Tết cổ truyền dân tộc.

Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa, theo ông Tết là gì?

Tết là đoàn tụ. Từ ngàn xưa đến nay, đối với người Việt, ngày Tết là ngày đoàn tụ gia đình. Dù ai đi đâu, ở đâu, đến ngày Tết, người ta cũng sẽ tìm mọi cách để trở về với bố mẹ, với ông bà, tiên tổ. Người sống trở về. Người chết cũng trở về. Ở các làng quê xưa, vào ngày Tết, người ta thường dựng trước cửa nhà, bên cạnh cây nêu có cung, có tên để trừ ma quỷ, là một cành Phan.

Cành Phan thường được làm bằng một cây tre cao chót vót, trên đỉnh ngọn là phất phơ mấy rảnh lá, có buộc những tua vải xanh đỏ. Đấy là tín hiệu báo cho linh hồn người chết biết đường mà trở về với cháu con, với gia đình. Bởi thế, ngày Tết là ngày vui. Người ta cứ bảo “Vui như Tết”.

Cái Tết được rậm rịch chuẩn bị đến cả hàng năm trời. Nuôi con heo cũng là để “Tết thịt”. Có tấm áo đẹp cũng để dành cho Tết. Nhưng có ai nói “Ngon như Tết”, hay “Đẹp như Tết” đâu. Chỉ có “Vui như Tết” thôi. Tết là vui. Chính niềm vui mới làm nên Tết. Và niềm vui ấy, không phải do đất trời mang lại, mà do con người làm ra. Chính con người mang Tết đến cho nhau.

tdk 2

 Từ ngàn xưa đến nay, đối với người Việt, ngày Tết là ngày đoàn tụ gia đình.

Ông có thể kể ký ức Tết thời thơ ấu sâu đậm nhất trong ông?

Đó là một niềm vui bận bịu. Không phải người lớn tất bật, bận bịu mà trẻ con cũng tất bật. Ngày xưa, khi tôi còn là một cậu bé, vào ngày cuối năm, chiều 29 Tết, mẹ tôi thường pha một thùng nước vôi, buộc ngọn chổi rơm gọn lại, rồi bảo tôi ra quét các gốc cây. Tôi rất ngạc nhiên.

Mẹ tôi bảo: “Để sắm áo mới cho cây cối. Ngày Tết, mình mặc áo mới, thì cây cối nó cũng được mặc áo mới chứ!”. Thế là tôi ra vườn, lọ mọ quét nước vôi lên từng gốc cây. Cây bưởi. Cây dừa. Cây cau. Cây na. Cây mít... 

Sáng mồng Một, đúng là ngày đầu năm mới, nước vôi đã khô, cả khu vườn nhà tôi sáng rực lên, tưng bừng trong màu trắng đồng phục của cây cối. Bữa cỗ Tân Xuân, mẹ tôi cũng lại xẻ thức ăn ra, chia làm nhiều phần, phần nào cũng có đầy đủ các món, xôi, chè, thịt, miến, dưa hành... rồi bảo tôi cho gà, lợn, chó, mèo cùng ăn. Người ăn món gì thì những con vật nuôi trong nhà cũng được ăn những thứ ấy. Mẹ tôi bảo: “Mình có Tết, chúng nó cũng phải có Tết chứ!”.

tdk3

 

Đó là cái Tết ký ức, vậy còn cái Tết hiện đại thì sao thưa nhà thơ?

Mẹ tôi không ra phố, mà mấy anh em tôi cũng không thể về ở quê được nên chị gái tôi phải trụ lại ở quê để chăm sóc mẹ già. Dù bận bịu công việc đến đâu, tháng nào tôi cũng về quê. Rồi Tết nào cũng về. Có lần, chiều 29 Tết tôi về, thấy cây cối trong khu vườn nhà tôi đã trắng xoá một màu đồng phục Tết như năm nảo năm nào. Tôi ngạc nhiên quá, vì nhà tôi không còn trẻ con nữa. Các cháu nội ngoại của bố mẹ tôi cũng đều đi học xa, rồi cũng theo nhau ra thành phố ở cả. Mẹ tôi cười: “Mẹ quét chiều qua đấy. Quét thế cho cái vườn nó ấm. Như các con vẫn còn bé tí, vẫn lăng xăng ríu rít ở nhà...”.

Hơn 300 bài thơ, mà tại sao hiếm thấy ông viết thơ về Tết? 

Ờ, nghe bạn nói vậy, tôi mới biết vậy. Đấy là một phát hiện khá bất ngờ của bạn đấy. Đúng là tôi ít viết về Tết. Nhưng không phải không viết về Tết. Tôi có bài “Mưa xuân”. Bài thơ chỉ có 6 câu 3 khổ thôi. Hai câu một khổ. Bạn và độc giả đọc cho vui nhé:

MƯA XUÂN

Mưa bay như khói qua chiều

Vòm cây nghe nhỏ giọt đều qua đêm

Tiếng mưa vang nhẹ khắp miền

Lòng tôi như chiếc lá mềm, khẽ sa…

Sáng ra mở cửa nhìn ra

Vẫn mưa mà đất trước nhà vẫn khô…

Xin cảm ơn nhà thơ Trần Đăng Khoa! Chúc anh và gia đình có một mùa xuân ấm áp!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.