Hồ sơ tài liệu

Trận Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia (Kỳ 4)

01/05/2014, 08:05

Ngày 26/3/1954, đại tướng Paul Ely, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp bay vội sang Washington với lời cầu cứu: "Nếu người Mỹ không can thiệp thì Pháp không tránh khỏi thất bại".

Kỳ 4: “Diều hâu” gãy cánh           

Ngày 26/3/1954, sau khi quân ta tiêu diệt 2 cứ điểm và bắt đầu xiết chặt vòng vây phía Bắc Điện Biên Phủ, đại tướng Paul Ely, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp bay vội sang Washington với lời cầu cứu: “Nếu người Mỹ không can thiệp thì Pháp không tránh khỏi thất bại”.

Giới quân sự Mỹ “hưng phấn” hẳn lên. Đô đốc Arthur Radford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân, đề xuất tiến hành chiến dịch Vautour (Diều hâu), dùng không quân chiến lược B-29 ném bom ồ ạt vào các vị trí của Việt Minh. Nhất trí với chủ trương này, Tư lệnh lực lượng không quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương đã có cuộc gặp với Navarre thảo luận các chi tiết của Chiến dịch. Phương án mà Navarre đề nghị là: Do địa hình Điện Biên Phủ phức tạp và khả năng đảm bảo ra-đa kém, phía Pháp chỉ yêu cầu Mỹ sử dụng số máy bay chiến thuật trên các tàu sân bay (khoảng 300 chiếc) và khoảng 60 chiếc ném bom hạng nặng từ các căn cứ  tại Philippines oanh tạc các trục đường giao thông và căn cứ Tuần Giáo. Bằng cách này cũng có thể góp phần giải toả bớt sức nặng mà Việt Minh đang đè lên con nhím Điện Biên Phủ. Máy bay Mỹ sẽ không mang cờ hiệu, nhân viên phi hành đoàn sẽ khoác áo dân sự. Nhìn chung, giới quân sự Mỹ tán thành đề nghị này; vấn đề còn lại là chờ Nhà Trắng bật đèn xanh.

Nhóm chiến lược của Pháp: Rene Cogny (thứ nhất, từ trái), Christian de Castries (không đội mũ), Henri Navarre (giữa).
Nhóm chiến lược của Pháp: Rene Cogny (thứ nhất, từ trái), Christian de Castries (không đội mũ), Henri Navarre (giữa).

Ngày 2/4 và những ngày sau đó, kế hoạch Vautour được trình lên Tổng thống Mỹ Eisenhower và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ. Các ý kiến tranh luận gay gắt và trái chiều nhau. Tổng thống Eisenhower và nhiều người e rằng nhân dân Mỹ sẽ phản đối kịch liệt một cuộc can thiệp mới của Mỹ vào Đông Dương sau khi nước Mỹ vừa chật vật thoát ra khỏi chiến tranh Triều Tiên, nhất là cuộc can thiệp này có nhiều yếu tố rủi ro và khó mang lại kết quả tương ứng với cái giá phải trả.

Ngoại trưởng Mỹ Dulles – đại diện cho phái diều hâu, cùng đô đốc Radford tổ chức một cuộc họp bí mật với các thủ lĩnh hai đảng tại Quốc hội, yêu cầu Quốc hội cho Tổng thống được quyền hành động. Thế nhưng, ám ảnh bởi cuộc chiến Triều Tiên vừa im tiếng súng, 8 vị thượng nghị sĩ đã phản đối bằng cách nói rằng “Mỹ nên hợp tác với đồng minh để có hành động chung, có như vậy Quốc hội mới chấp thuận”.

Nhà Trắng cũng tiến hành các cuộc tiếp xúc với các đồng minh để mong có được một “hành động chung”. Thế nhưng người Anh đã không ủng hộ Mỹ, Ngoại trưởng Anh Antony Eden cho Dulles hay là Anh sẽ không tham gia vào hành động chung. Về mặt quân sự, Anh không thấy hiệu quả của một cuộc can thiệp mà có thể gây nên một cuộc chiến tranh thế giới mới. Về mặt chính trị, Anh lo ngại một sự phản đối rộng khắp trên thế giới có thể dẫn đến thất bại trong việc tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Đông Dương với Hội nghị Geneva sắp khai mạc.

Trong khi đó thì Điện Biên Phủ đã bước vào thời kì hấp hối. Ngày 23/4, tướng Navarre điện trực tiếp về cho Ngoại trưởng Bidault đang tham dự cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng NATO, báo cáo tình hình và nói rằng nếu Điện Biên Phủ thất thủ ông ta sẽ không bảo vệ được phần còn lại của Đông Dương. Tin này lại khơi dậy lòng xúc động của người Mỹ; Dulles cùng Radford lại cầu cứu Eden để người Anh ủng hộ Mỹ trong việc dùng máy bay ném bom xuống Điện Biên Phủ. Ngay đêm đó Eden bay về London xin ý kiến Thủ tướng Churchil. Ngày hôm sau Chính phủ Anh họp phiên khẩn cấp, bác bỏ một cuộc can thiệp quân sự vì cho rằng hành động đó là nguy hiểm và muộn mằn. Ngày 27/4, Churchil nhấn mạnh tại Quốc hội rằng Anh sẽ không ủng hộ hành động về quân sự trước khi Hội nghị Geneva có kết quả. Nếu Hội nghị thất bại, Anh lúc ấy mới sẵn sàng nghiên cứu khả năng về một hành động chung với Mỹ.

Ngày 29/4, Tổng thống Eisenhower tổ chức họp báo, chính thức tuyên bố Mỹ quyết định không can thiệp vào Điện Biên Phủ. “Chúng tôi không thể tự cho phép mình đánh cuộc cả uy tín của nước Mỹ để rồi hứng lấy một thất bại mang tiếng xấu trên thế giới”. Thế là “Diều hâu” đã gẫy cánh từ trước khi bay. Chiến dịch Vautour có thể cần thiết về mặt quân sự, nhưng không thể thực hiện được về mặt chính trị. Mỹ đã “gặp may” khi không tìm được cớ can thiệp trực tiếp vào Việt Nam. Chính vì gặp may nên họ không tỉnh táo, đến nỗi vài năm sau lại dấn thân và sa lầy vào một cuộc viễn chinh dai dẳng và không kết hậu - điều mà cho đến bây giờ nhiều người Mỹ vẫn còn rùng mình khi nhớ lại.

Nguyên Phong

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.