Hồ sơ tài liệu

Trận Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia (Kỳ 8)

05/05/2014, 08:34

Ngoại trưởng John F.Duless đã thốt lên: "Pháp thua ở Điện Biên Phủ cũng có cái hay, nó cho phép Mỹ nhảy vào Đông Dương ngon lành, không mang tiếng thực dân xâm lược…".

Kỳ cuối: Chính thức lộ mặt chú Sam

Sự “quan tâm” của Mỹ đến Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng xuất hiện từ rất sớm, từ khi người Pháp theo sau quân Đồng Minh trở lại thuộc địa cũ nay đã trở thành một quốc gia độc lập. Và cũng chính từ lúc ấy Mỹ đã chơi trò hai mặt: vừa viện trợ cho Pháp (vì sợ Việt Minh thắng thế), lại vừa tìm cách sán đến Đông Dương và hất cẳng Pháp. Bao năm Mỹ tung tiền của “giúp” Pháp tiến hành cuộc chiến tranh Đông Dương, cũng để chờ thời cơ độc chiếm khu vực này.

Trong những năm 1952-1953, sự quan tâm đó được cụ thể hóa bằng những cuộc thăm viếng liên tục của các nhân vật quân sự và dân sự Mỹ, nhất là bằng việc thành lập cơ quan MAAG nhằm thực hiện việc viện trợ cho Pháp. Khi kế hoạch Navarre đang được phôi thai, Mỹ đòi được biết kế hoạch tác chiến của Pháp ở Đông Dương, thậm chí còn yêu cầu được “tham gia nghiên cứu kế hoạch”. Điều này đã làm tướng Navarre rất ngượng.

Quân viễn chinh Pháp chuẩn bị lên máy bay nhảy dù xuống cứ điểm Điện Biên Phủ
Quân viễn chinh Pháp chuẩn bị lên máy bay nhảy dù xuống cứ điểm Điện Biên Phủ

Khi nghe tin Điện Biên Phủ thất thủ, Ngoại trưởng John F.Duless đã thốt lên: “Pháp thua ở Điện Biên Phủ cũng có cái hay, nó cho phép Mỹ nhảy vào Đông Dương ngon lành, không mang tiếng thực dân xâm lược…”. Và ngay trong đêm 7/5/1954, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã họp gấp với Ngoại trưởng Duless đề xuất chủ trương đòi Pháp trao quyền cho Mỹ trực tiếp huấn luyện, chỉ huy quân nguỵ. Một tháng sau, ngày 6/6, Mỹ ép Pháp và Bảo Đại buộc Thủ tướng bù nhìn Bửu Lộc (thân Pháp) từ chức.

Thế rồi, ngày 7/7, một nội các bù nhìn mới với thành phần thân Mỹ là chủ yếu được dựng lên, do Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng kiêm tổng trưởng quốc phòng. Cũng trong đêm đó, Duless điện cho Smith – trưởng phái đoàn Mỹ tại Geneva: “Chắc chắn, tuyển cử có nghĩa là thống nhất nước Việt Nam dưới quyền ông Hồ Chí Minh. Điều quan trọng hơn hết là trì hoãn tuyển cử càng lâu càng tốt”. Trước đó, ngày 26/6, Ngoại trưởng Mỹ thông báo với thủ lĩnh các đảng trong Quốc hội rằng, Hoa Kì phải gánh vác nhiều hơn trách nhiệm ở vùng đất châu Á này. Cụ thể, Mỹ muốn xây dựng một liên minh khu vực, theo mô hình NATO ở châu Âu.

Tại Hội nghị Geneva, trưởng đoàn Mỹ đã không kí vào Tuyên bố cuối cùng, để rảnh tay thực hiện ý đồ can dự vào Việt Nam. Và khi các chữ kí trên bản Hiệp định còn chưa ráo mực, ngày 8/8/1954 (18 ngày sau khi Hội nghị Geneva kết thúc), Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã chính thức quyết định hất cẳng Pháp, thay Pháp nhảy vào miền Nam. Quyết định nêu rõ: Mỹ trực tiếp viện trợ cho ngụy quyền Sài Gòn, không qua Pháp; Pháp phải rút hết quân khỏi miền Nam và phải ủng hộ Diệm; loại bỏ Bảo Đại, tay sai lâu đời của Pháp...

Ngày 8/9/1954, Mỹ lôi kéo các nước đồng minh thành lập Khối hiệp ước phòng thủ Đông Nam Á (SEATO), đặt Nam Việt Nam, Lào, Campuchia dưới sự bảo trợ của tổ chức này. Ngày 17/11, Mỹ cử tướng Collin sang làm đại sứ ở Sài Gòn. Tháng 1/1955, chuyến hàng viện trợ quân sự đầu tiên của Mỹ tới tay quân đội Sài Gòn. Ngày 26/4/1956, người lính Pháp cuối cùng rút khỏi miền Nam, hai ngày sau đó, phái đoàn MAAG của Mỹ chính thức nắm và huấn luyện quân đội Sài Gòn…

Nhà sử học Mỹ Cecil B. Currey thừa nhận là “... ngay từ đầu, Duless đã nhìn hội nghị Geneva với con mắt nghi ngờ. Ông ta biết tất nhiên sẽ có một giải pháp nào đó và lo sợ trước ý nghĩ một khoảng trống quân sự sẽ để lại ở Đông Nam Á khi người Pháp ra đi. Ông ta muốn Mỹ phải đứng chân vững chắc trong khu vực và dùng Việt Nam như một mắt xích chính trong vành đai an toàn (Cordon Sanitaire) mà ông ta muốn thiết lập. Khi xung quanh bàn đàm phán im lặng trong chốc lát, phái đoàn Mỹ đã nghe thấy các quân bài domino đổ dây chuyền”.

Nguyên Phong

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.