Hạ tầng

Tràn lan cao ốc bức tử giao thông đô thị (Bài 1)

20/04/2016, 06:36

Hàng loạt tuyến đường trọng yếu Thủ đô trước đây không bao giờ ùn tắc, nay thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải...

1

Phố Nguyễn Chí Thanh bị "nhồi" thêm nhiều cao ốc khiến giao thông trên tuyến ùn tắc thường xuyên - Ảnh: Anh Tuấn

Hàng loạt tuyến đường trọng yếu của Thủ đô trước đây không bao giờ ùn tắc, nhưng nay thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, ùn tắc liên miên do lượng dân cư tăng quá nhanh ở các khu đô thị, nhà cao tầng mọc lên như nấm sau mưa.

Kỳ 1: Ồ ạt xây nhà cao tầng nội đô, gia tăng ùn tắc

Vài năm nay, các khu chung cư, nhà cao tầng được xây dựng với mật độ dày đặc trong các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đưa vào sử dụng đã đón lượng dân cư khổng lồ, gây áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng giao thông trung tâm thành phố.

Bức tử giao thông

Gần một năm nay, chị Nguyễn Thị Quý Nhung, nhà ở làng An Khánh đang làm việc tại một công ty trên đường Trần Phú, Hà Đông (Hà Nội), không còn đi theo trục đường Tố Hữu vào mỗi sáng nữa. Lý do vì vào giờ này, đường Tố Hữu đoạn giao với đường vào làng Việt kiều châu Âu để sang đường Trần Phú luôn bị ùn tắc cục bộ.

“Có hôm tắc đường kéo dài khoảng 400 m, các xe máy và ô tô ken đặc lại không thể di chuyển. Chỉ khoảng 1 năm trở lại đây, đoạn này mới hay bị ùn tắc, còn trước kia đâu có thế”, chị Nhung nói.

Ông Nguyễn Xuân Hải, Chuyên gia phản biện của Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, những khu đô thị mới mọc lên ồ ạt hiện nay đang phá vỡ cơ sở hạ tầng, gây ùn tắc giao thông và nhiều hệ lụy khác ảnh hưởng đến hạ tầng xã hội như: Bệnh viện, trường học, đường sá. “Xây dựng kiểu này không bền vững, nói mạnh hơn là cách xây dựng như vậy đồng nghĩa với phá hoại, không có sự phá hoại nào lớn hơn việc xây dựng không bền vững. Ở đây chính là tầm nhìn rất hạn chế, chỉ tính đến lợi ích của riêng một nhóm nào đó, chỉ tính đến xây nhà bán kiếm lời. Nhóm lợi ích này không chỉ có những người xây dựng, mà cả những người quản lý nữa”, ông Hải nói.

Để tìm đường nhanh hơn, chị Nhung thường đi thẳng theo đường 70 cũ để ra cầu Trắng, dù xa hơn đường Tố Hữu, nhưng được cái thông thoáng và không bị tắc đường. Cũng theo chị Nhung, nguyên nhân ùn tắc tại đường Tố Hữu giao với đường vào làng Việt kiều châu Âu là do lượng người và phương tiện gia tăng quá nhanh, nhất là lượng người từ các khu nhà cao tầng gần đó như khu đô thị Liên Cơ, Đại Mỗ thuộc P Đại Mỗ, khu đô thị Trung Văn thuộc P Trung Văn, quận Nam Từ Liêm...

Cùng chung cảnh ngộ ùn tắc là đường Trần Phú nằm song song với đường Tố Hữu. Con đường này gần như lúc nào cũng trong tình trạng ùn tắc giao thông, các phương tiện chỉ có thể di chuyển với tốc độ chậm.

Trên trục đường Trần Phú, trong khoảng hơn 2 năm trở lại đây, đếm sơ sơ cũng có hàng chục khu nhà từ 17 đến hơn 30 tầng mọc lên như: Tòa nhà Fodacon, Sông Đà, Big C Hồ Gươm Plaza, chung cư SUD, Hattoco... các khu nhà cao tầng này chỉ cách nhau vài trăm mét.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó chủ tịch UBND P Mộ Lao, Q Hà Đông cũng thừa nhận, hơn một năm trở lại đây, đường Trần Phú bị ùn tắc tại nhiều điểm. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do lượng phương tiện, dân cư trong các tòa nhà cao tầng, các khu đô thị tăng đột biến. Tốc độ đô thị hóa của Q Hà Đông phát triển nhanh. Các khu đô thị mới như: Văn Phú, Xa La, Dương Nội, La Khê, Mộ Lao mọc lên đã nhanh chóng thu hút lượng dân cư đến sinh sống.

Có mặt trên trục đường Trần Phú những ngày gần đây, PV Báo Giao thông ghi nhận có rất nhiều điểm ùn tắc giao thông cục bộ như điểm trước cửa tòa nhà Fodacon. Tại đây, lượng phương tiện lớn từ khu đô thị An Lạc ra đường nhánh làng Việt kiều châu Âu đã gây ra xung đột giao thông nghiêm trọng với dòng người di chuyển trên đường Trần Phú từ các hướng, gây nên ùn tắc.

Chỉ cách điểm này khoảng 2 km là nút giao đường Nguyễn Trãi với đường Nguyễn Tuân. Nút giao này ùn tắc khi một lượng lớn dân cư từ các khu đô thị mới vừa đưa vào sử dụng như: Gold Season, The Legend Tower, Imperia Garden gồm hàng chục tòa nhà cao tầng đổ ra vào buổi sáng.

2

Ùn tắc giao thông trên phố Lê Văn Lương kéo dài, trục đường này có rất nhiều nhà cao tầng đã đưa vào sử dụng và nhiều khu nhà đang xây dựng - Ảnh: Minh Quân

Mỗi khu đô thị ngang… 1 phường

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Tòng, Phó trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, các tòa nhà chung cư đã đón lượng dân đến ở rất đông như: Khu Linh Đàm, đường Minh Khai, hay như khu May Thăng Long, Cơ khí Mai Động đã xong. Với lượng dân đến ở quá lớn, đường hẹp không tắc mới lạ.

Còn ông Lương Đức Thắng, Phó trưởng phòng Giao thông Đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho rằng, dọc các tuyến đường trục chính như: QL6, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng và một loạt các tuyến khu đô thị đã, đang và tiếp tục triển khai xây dựng… tạo sức ép lớn về giao thông trên các tuyến đường trong thành phố. Những tòa nhà này hầu hết trên 23 tầng. Nếu tính trung bình mỗi sàn khoảng 10 - 12 căn hộ, mỗi căn hộ trung bình 4 người thì mỗi tòa nhà số hộ dân tương đương 1 tổ dân phố. “Thực tế, mỗi khu đô thị có thể thành lập 1 phường được”, ông Thắng dí dỏm so sánh.

Với số lượng người gia tăng như vậy, tập trung di chuyển vào trung tâm thành phố và buổi chiều từ trung tâm thành phố đổ về khu nhà ở sẽ tác động trực tiếp lên hệ thống giao thông.

Lấy ví dụ tuyến đường Lê Văn Lương, ông Thắng cho biết, lưu lượng giao thông hàng ngày quá lớn dẫn đến vượt quá khả năng điều hành của khu vực. Cách đây khoảng nửa năm, tác động lên hệ thống đèn tín hiệu, giờ đây tác động lên cả hệ thống cầu vượt cơ giới và thường xuyên xảy ra hiện tượng ùn ứ ở khu vực đầu cầu vào những giờ cao điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.