Bạn cần biết

Trang bị gì cho trẻ để phòng tránh yêu râu xanh "đội lốt" hàng xóm?

28/09/2014, 09:47

Trong tội phạm học có học thuyết "Thuyết gần gũi" và có đến 90% các vụ xâm hại trẻ em, giữa nạn nhân với thủ phạm đã có mối quan hệ nhất định từ trước.

TIN LIÊN QUAN
 Bé trai khuyết tật 14 tuổi ở Nghệ An bị hàng xóm xâm hại dã man
Bé trai khuyết tật 14 tuổi ở Nghệ An bị hàng xóm xâm hại dã man

90% thủ phạm trong các vụ xâm hại trẻ em là "người quen

Thời gian vừa qua, có rất nhiều vụ xâm hại trẻ em mà thủ phạm là những người hàng xóm thân thiết. Điều đáng nói là những vụ việc không chỉ gia tăng về số lượng, mà tính chất cũng ngày càng nghiêm trọng. Mới đây nhất vụ việc bé trai 14 tuổi bị tật bẩm sinh dẫn đến câm, bất thường về thần kinh, bị hàng xóm xâm hại, bạo hành dã man đã gây xôn xao dư luận.  

Trước thực trạng nhiều “gương mặt thân quen” gây nguy hại cho trẻ, PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với Đại tá, PGS, TS Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) để làm rõ nguyên nhân và cách phòng tránh.

Theo ông, vì sao các vụ xâm hại trẻ em có hung thủ là hàng xóm, thân thiết gần gũi lại gia tăng trong thời gian gần đây?

Trong tội phạm học có một học thuyết tên là “Thuyết gần gũi” và có đến 90% các vụ xâm hại trẻ em, giữa nạn nhân với thủ phạm đã có mối quan hệ nhất định từ trước. 

Thông thường, đặc trưng của trẻ em là chỉ có thể tin và theo những người lớn, đặc biệt những người thân trong gia đình, họ hàng và hàng xóm. Trong số những người thân và hàng xóm tốt, đôi khi xuất hiện một vài kẻ đã lợi dụng triệt để sự “gần gũi” như vậy để thực hiện các hành vi đồi bại. Tuy nhiên, dưới góc độ tội phạm học, sự “gần gũi” đó chỉ là điều kiện để biến ý định phạm tội thành hiện thực chứ chưa phải là nguyên nhân.

Còn nếu muốn tìm hiểu, lý giải nguyên nhân, chúng ta cần phải có điều tra xã hội học rất cụ thể để xem đặc điểm tâm sinh lý của những chủ thể tội phạm. Cụ thể chúng ta cần phải tìm hiểu môi trường sống của các đối tượng: họ sống trong môi trường như thế nào, có trong sạch không, có học thức, có được giáo dục các vấn đề xã hội, ý thức pháp luật hay không…?

Bên cạnh đó cũng có thể kể đến những ảnh hưởng của tranh ảnh, sách báo. Có rất nhiều trường hợp các đối tượng xem phim, tranh ảnh sex, khiêu dâm đang tràn ngập trên mạng đặc biệt là trên điện thoại di động hiện nay. Khi xem những bộ phim, hình ảnh đó, họ bị kích thích và có nhu cầu thoả mãn ham muốn ngay tức thời, dẫn đến những hành vi không mong muốn, không kiểm soát được bản thân.

Một vấn đề đáng lưu ý nữa là các vụ lạm dụng tình dục trẻ em gần đây rơi vào người đồng giới, đồng tính rất nhiều. Như vụ việc ở Hà Tĩnh gây xôn xao dư luận mới đây. Hay trước đó là một vụ trong Tp. HCM có trẻ bị lạm dụng nhiều năm. 

Thực tế, các đối tượng đồng giới, đồng tính rất khó tìm bạn tình vì trong xã hội hiện nay thân phận của họ bị ảnh hưởng bởi lễ giáo phương đông nên rất ít khi xuất đầu lộ diện, sống và giấu kín giới tính thật của mình. Chính vì cơ hội tìm các bạn tình đồng giới rất khó nên họ mới nhắm đến các đối tượng trẻ em để thoả mãn nhục dục. Bởi một khi ham muốn nhục dục đã nổi lên, họ có thể bất chấp pháp luật. Thậm chí khi hiểu biết pháp luật rồi vẫn có thể bất chấp. 

Đi đến nơi về đến chốn

Vậy xin ông cho biết chúng ta cần phải làm gì để phòng tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra?

Trước hết, gia đình cần quan tâm đặc biệt đến con cái của mình. Cùng với đó là sự phối hợp tuyên truyền của nhà trường, các tổ chức đoàn thể, xã hội tại địa phương. 

Hiện nay, có rất nhiều gia đình, bố mẹ, ông bà cùng với con cháu xem các bộ phim tâm lý xã hội tình cảm, điều này là không nên. Bởi hiện nay chúng ta đã được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về giải trí, trẻ có kênh riêng dành cho mình, nên không nên xem chung.

Nhà nước và các nhà quản lý mạng cũng cần phải quản lý chặt chẽ các trang web, đặc biệt là các trang web xã hội phổ cập rộng rãi không được đưa lên những hình ảnh khêu gợi, sexy. Còn với những trang dành cho người lớn thì cần phải có chế độ đăng nhập, quản lý chặt chẽ, điều này có thể hạn chế các thông tin, hình ảnh ở đó đến trẻ em.

Trên thế giới có rất nhiều các trang web dành cho trẻ thơ, nhất là vào mùa hè bao gồm phim, truyện, tranh ảnh, sách báo và game. Nhưng họ lại có thể quản lý và giới hạn các trang này rất tốt và khoa học. Ví dụ như sau khi đăng nhập, trẻ chỉ được chơi trong khoảng 1-2 tiếng, sau đó nhà quản trị sẽ ngắt để hạn chế ảnh hưởng đến mắt, tâm lý trẻ…

Hay như nước ngoài nếu có hành vi xem những phim ảnh không lành mạnh sẽ bị phạt rất nặng. Tuy nhiên, ở nước ta lại quy định rằng xem phim ảnh đồi truỵ mới bị xử phạt. Chính vì vậy, các quy định của luật cần được bổ sung cụ thể và rõ ràng hơn

Tại những nơi cư trú của công dân, lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm phải nắm được thông tin của các đối tượng tình nghi, thường xuyên theo dõi và có những sự giáo dục cá biệt đối với họ. Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức để họ biết rằng những hành động như vậy là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân)
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân)

Theo ông, chúng ta nên dạy con trẻ những gì để tự vệ?

Có thể nói, dưới góc độ của “Thuyết gần gũi” hay lý luận về “Nạn nhân của tội phạm” trong Tội phạm học thì các gia đình nên trang bị cho con cái kỹ năng sống. Khi những người xung quanh có biểu hiện thân mật, gần gũi thái quá khác thường, ví dụ như thường xuyên cho quà bánh, thường xuyên dẫn đi chơi… thì cần phải để ý, lưu tâm. 

Luôn phải giáo dục trẻ ý thức tự quản lý mình trong mọi hoạt động, các cụ ngày xưa đã dạy không bao giờ sai: “Đi đến nơi, về đến chốn”, người lớn luôn luôn phải nhắc nhở trẻ việc này, bởi việc không tuân thủ nguyên tắc này sẽ dễ gặp “nạn”, nếu la cà, rẽ ngang dọc để chơi có thể bị lừa lọc, rủ rê vào những trò tiêu cực hay có thể bị lạm dụng tình dục,...

Bên cạnh gia đình, nhà trường cũng cần trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết. Bên cạnh việc dạy trẻ cần phải cảnh giác, hay làm gì để đối phó với người lạ dụ dỗ, thì cần phải nhắc nhở các em đề cao cảnh giác những người bỗng dưng thân mật quá, hay dụ trẻ con xem những bộ phim, hình ảnh của người lớn.

Nhiều người lo ngại truyền thông đưa thông tin về những vụ xâm hại sẽ ảnh hưởng đến trẻ sau này. Vậy theo ông cách tiếp cận như thế nào là phù hợp?

Theo tôi, báo chí nên hạn chế đưa tin về những vụ việc xâm hại trẻ em cụ thể. Hãy quan tâm đến việc khi đưa những thông tin, hình ảnh ấy lên thì xã hội sẽ được gì, mà nạn nhân sẽ được gì?

Nếu như các phương tiện truyền thông đưa tin với tư cách là phát hiện vấn đề, chẳng hạn có thông tin rằng có đứa bé có hiện tượng bị xâm hại nhưng cơ quan chức năng chưa vào cuộc thì rất cần phản ánh vụ việc. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đã vào cuộc rồi, đã xử lý đối tượng rồi, nhưng vẫn cứ giật tít, câu view để thu hút thì rõ ràng là không nên.

Khi vụ việc xảy ra thì bản thân nạn nhân, gia đình đã rất đau đớn rồi, mà truyền thống lại cứ liên tục nhắc đến, đưa hình ảnh thì sẽ là xoáy sâu vào nỗi đau của họ. Kể cả có che mặt hay thay tên đổi họ đến mấy đi chăng nữa thì những người trong khu vực ấy cũng sẽ biết nạn nhân là ai, người này lan truyền cho người khác thông tin sẽ lan rất rộng và không hạn chế nổi.

Nếu đề cập đến vấn đề thì hãy tập trung vào 2 yếu tố nạn nhân và đối tượng phạm tội. Về phía nạn nhân thì phải tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao (có thể thiếu sự quan tâm của gia đình, môi trường sống, kỹ năng sống…) từ đó cảnh tỉnh xã hội. Còn về phía đối tượng thì đã có những biểu hiện như thế nào nhưng thiếu sự cảnh báo của gia đình, xã hội hay sự trừng trị của pháp luật…

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Lê (Thực hiện)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.