Giao thông

Tranh cãi bổ sung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không

05/04/2017, 10:20

Đề xuất bổ sung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không của ACV đã nhận được cái “gật đầu” của Cục HKVN...

27

ACV đề xuất mức giá nhượng quyền khai thác dịch vụ tối đa từ 4-9% doanh thu tùy từng loại, mức tối thiểu bằng nửa mức tối đa (Hành khách làm thủ tục tại CHK Pleiku, Gia Lai)

Đề xuất bổ sung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không của TCT Cảng hàng không VN (ACV) đã nhận được cái “gật đầu” của Cục Hàng không VN, tuy nhiên phía các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lại cho rằng “thiếu cơ sở” và “chưa hợp lý”.

Giá nhượng quyền tối đa 4-9% doanh thu

Liên quan đến đề xuất bổ sung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không, Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng cho biết, ACV với tư cách là người khai thác cảng, có trách nhiệm duy trì kết cấu hạ tầng CHK, tạo lập môi trường kinh doanh và đảm bảo môi trường vận tải hành khách liên tục, từ đó tạo lợi thế khai thác cho doanh nghiệp (DN) cung ứng dịch vụ hàng không.

“Thực tế, để đảm bảo khai thác và vận hành kết cấu hạ tầng CHK, ACV đã phải đầu tư trực tiếp kết cấu hạ tầng và bỏ chi phí để vận hành, quản lý đảm bảo hoạt động”, ông Hùng nói và cho biết thêm, đối với chi phí đầu tư trực tiếp kết cấu hạ tầng, ACV có thể thu lại qua giá dịch vụ cụ thể cho từng loại. Tuy nhiên, đối với chi phí đảm bảo hoạt động chung, hiện chưa có trong cấu thành giá và cũng chưa có nguồn bù đắp.

Được biết, theo tính toán của ACV, mỗi năm, DN này đang phải chi khoảng 110 tỷ đồng cho các khoản chi chung như: Bảo trì duy tu đường giao thông nội bộ, điện, nước, cháy nổ…

Cũng theo ước tính của ACV, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của các DN cung ứng dịch vụ hàng không vào khoảng 20-50%, do đó, đơn vị đang quản lý khai thác 22 CHK trên cả nước này đề xuất mức phân phối lại lợi nhuận (giá nhượng quyền khai thác dịch vụ) tối đa từ 4-9% doanh thu tùy từng loại, mức tối thiểu bằng nửa mức tối đa. Theo đó, giá nhượng quyền khai thác ga hàng hóa tối đa được ACV đề xuất là 9% doanh thu trong khi đó, giá nhượng quyền khai thác nhà ga hành khách và phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất tối đa là 7% doanh thu. Một số loại khác sẽ áp mức tối đa 4%.

“Trước mắt, trong năm 2017, ACV đề xuất chỉ áp mức tối thiểu để không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của các DN”, ông Hùng nói.

Cân nhắc mức thu

Về vấn đề này, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Phạm Văn Hảo cho biết, ACV với vai trò là nhà khai thác cảng đã thực hiện đầu tư các cơ sở hạ tầng như sân đỗ, hệ thống đường nội cảng, chiếu sáng, phòng cháy, chữa cháy, khẩn nguy cứu nạn. Trước ngày 1/1/2017, để bù đắp một phần chi phí trên, ACV đã thu phí nhượng quyền khai thác đối với các dịch vụ hàng không, trừ dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.

Tuy nhiên, trong Thông tư hướng dẫn Luật Phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã không quy định về khoản phí này. “Trong điều kiện xã hội hóa tại các CHK sân bay như hiện nay, điển hình như nhà ga quốc tế tại CHK quốc tế Đà Nẵng và nhà ga tại CHK quốc tế Cam Ranh, để đảm bảo ổn định hoạt động của DN, Cục Hàng không VN đề xuất bổ sung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không vào danh mục giá do Bộ GTVT quy định khung giá.

Liên quan đến việc bổ sung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không vào danh mục do Bộ GTVT quy định khung giá, phía Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT căn cứ vào Luật Giá và Luật Hàng không dân dụng VN để hướng dẫn ACV thực hiện. Trường hợp DN có phát sinh thu nhập nhượng quyền kinh doanh dịch vụ hàng không tại CHK, sân bay, DN cần kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.

Được biết, cơ quan này cũng đề xuất 7 loại giá nhượng quyền trên cơ sở kế thừa quy định từ 7 loại phí nhượng quyền khai thác trước đây gồm các loại giá nhượng quyền khai thác nhà ga hành khách; nhà ga, kho hàng hóa, phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị tại sân đỗ tàu bay hoặc khu vực thuộc quản lý của người khai thác cảng…

Không đồng tình với đề xuất của ACV, phía TCT Hàng không VN (Vietnam Airlines) cho rằng, ACV là DN được nhà nước giao quản lý và kinh doanh cơ sở hạ tầng sân bay thông qua việc ký hợp đồng cho đơn vị khác thuê dịch vụ như mặt bằng, quầy thủ tục, băng chuyền hành lý, cầu ống lồng… Các đơn vị đã thanh toán chi phí sử dụng dịch vụ cho ACV theo giá thoả thuận trên cơ sở khung giá do Nhà nước quy định. “Với đặc thù của ngành Hàng không, nguồn thu của đơn vị này là chi phí của đơn vị khác. Do vậy, việc bổ sung giá dịch vụ cần đảm bảo tính hợp lý, dựa trên cơ sở hài hoà lợi ích của DN”, đại diện Vietnam Airlines nói.

Tương tự, phía Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài (Nasco) cũng cho rằng, khung giá như đề xuất của ACV là chưa hợp lý. “Khi xác định giá nhượng quyền thì phải có cơ sở để tính giá. Giá phải được xây dựng trên các yếu tố cấu thành của dịch vụ mà DN được nhượng quyền khai thác như vị trí, diện tích được nhượng quyền, cơ sở vật chất trang thiết bị mà DN được phép sử dụng khi nhượng quyền.

“Việc xác định giá bằng tỷ lệ % doanh thu của người khai thác dịch vụ sẽ không khuyến khích sự tăng trưởng của DN, tạo sự bất bình đẳng giữa tổ chức và cá nhân cùng được nhượng quyền khai thác”, Trưởng phòng Kế hoạch thị trường Nasco Vũ Đức Hạnh phân tích. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.