Văn hóa - Giải Trí

Tranh cãi chế lời ca khúc Ơi cuộc sống mến thương

30/08/2016, 09:55

Chương trình Giai điệu tự hào tháng 8 - Đi qua vùng cỏ non đã khiến nhiều người tranh cãi về việc phá cách.

Kimmese  biểu diễn Ơi cuộc sống mến thương trong c
Kimmese biểu diễn “Ơi cuộc sống mến thương” trong chương trình “Giai điệu tự hào”

Chương trình Giai điệu tự hào tháng 8 - Đi qua vùng cỏ non đã khiến nhiều người tranh cãi về việc phá cách và làm mới một ca khúc nổi tiếng, nhất là từ khía cạnh bản quyền tác giả.

Chế thêm lời cho ca khúc

Chương trình Giai điệu tự hào tháng 8 - Đi qua vùng cỏ non phát sóng tối 27/8 đã đưa khán giả đến với những cảm xúc trong trẻo, nên thơ thông qua những câu chuyện âm nhạc về những ca khúc thời kỳ thanh niên xung phong dựng xây đất nước sau giải phóng. Tuy nhiên, một chi tiết trong chương trình khi các khách mời tranh luận về vấn đề có hay không sự vi phạm bản quyền khi sáng tạo và làm mới ca khúc bằng cách viết thêm lời mới cũng khiến nhiều người suy ngẫm.

Cụ thể, trong chương trình, ca khúc Ơi cuộc sống mến thương của nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện được ca sỹ Kimmese và Jgkid thể hiện và làm mới có sự pha trộn giữa các thể loại nhạc Reggae và nhạc điện tử, thậm chí đưa thêm một đoạn rap vào bài. Nhạc sỹ Thế Hiển đã phản bác và cho rằng, việc đưa thêm lời vào bài của tác giả như thế thì dù chỉ một câu cũng không nên. Vì nếu chúng ta phát triển các ca khúc bằng cách đặt thêm lời mới thì sẽ làm dị dạng nhiều ca khúc.

Ông nhấn mạnh: “Với các bạn trẻ, việc đọc rap trong những ca khúc đã có từ trước là điều các bạn có thể làm được. Nhưng tôi không đồng thuận với chuyện đặt thêm lời vào ca khúc, như thế có thể gây ra hệ lụy sau này, trong đó có vấn đề tác quyền. Âm nhạc luôn đòi hỏi sự sáng tạo, nhưng cần sáng tạo gắn liền với nội dung, tác quyền”. Lý lẽ này của nhạc sỹ Thế Hiển không nhận được sự đồng tình của nhiều khách mời. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nhìn nhận, nếu chúng ta quá áp đặt thì sẽ mất đi cảm hứng sau khi vừa thưởng thức một màn trình diễn. “Đây là cách tiếp nhận tác phẩm theo kiểu của các bạn trẻ, chứ không phải vấn đề tranh giành bản quyền”, nhà thơ chia sẻ.

Thực chất, các ca khúc trong Giai điệu tự hào nhiều năm qua sống dậy được cũng bởi cách làm mới của những “gã phù thủy” trong làng âm nhạc nổi tiếng như nghệ sỹ Quốc Trung và nghệ sỹ Thanh Phương. Với ca khúc Ơi cuộc sống mến thương, Thanh Phương đã thổi một sắc màu tươi mới của người trẻ hiện đại ngày hôm nay nhưng không mất đi tinh thần của người trẻ thuộc phong trào thanh niên xung phong sau giải phóng đi xây dựng kinh tế mới.

Khi âm nhạc luôn vận động và các ca sỹ trẻ không muốn đi theo lối cũ sáo mòn thì việc làm mới các ca khúc luôn nhận được sự ưu tiên để phù hợp với nhịp sống hiện đại và mới mẻ. Nhà báo Diễm Quỳnh, Giám đốc sản xuất chương trình Giai điệu tự hào tháng 8 giải thích, khi thực hiện bất cứ chương trình nào, ê-kíp cũng vô cùng cẩn trọng, xin phép các tác giả.

Và khi thực hiện phần thu thanh, phối khí cho ca khúc Ơi cuộc sống mến thương, chương trình đã trực tiếp liên hệ, xin phép và gửi bản phối mới cho nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện nghe trước. Chị cho rằng, vấn đề mà nhạc sỹ Thế Hiển nêu ra về chuyện tác quyền tuy có hơi khắt khe nhưng thể hiện sự cẩn trọng và trách nhiệm của một người làm nghề về việc mọi người không nên tùy tiện chế thêm lời vào ca khúc mà chưa được sự đồng ý của tác giả.

Phải được sự đồng ý của tác giả

Thực tế, vấn đề mà nhạc sỹ Thế Hiển đặt ra không hẳn không có lý. Bởi, đây không phải lần đầu tiên một ca khúc được làm mới bằng cách viết thêm lời. Trước đó, trong đêm gala chủ đề nhạc EDM (nhạc điện tử) trong chương trình Vietnam Idol 2016 phát sóng tối 5/8, thí sinh Thanh Huyền cũng nổi hứng đọc rap khi biểu diễn ca khúc Ngày xa anh. Màn rap này cũng gây ra những tranh cãi trái chiều từ phía ca sỹ Thu Minh và Tóc Tiên. Hay ca sỹ Trúc Nhân cũng từng khiến khán giả bất ngờ khi biểu diễn ca khúc Thật bất ngờ trên sân khấu Đêm hội chân dài 10 với một phần lời được bổ sung hoàn toàn mới.

Nhìn nhận về việc làm mới ca khúc bằng cách viết thêm lời mới, nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện nêu quan điểm, làm mới theo phong cách hiện đại cho các ca khúc để dễ dàng được đón nhận và phù hợp với đời sống hiện nay là điều đáng hoan nghênh và cũng không có gì quá nghiêm trọng về vấn đề tác quyền. Tuy nhiên, quan trọng là khi làm mới vẫn phải giữ nguyên được tinh thần và ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tải qua ca khúc ấy.

“Ê-kíp của Giai điệu tự hào đã có bản phối mới khá lạ nhưng vẫn giữ được tinh thần nguyên bản ca khúc. Phần rap cũng khá hợp với bản phối và tôi thích điều các em đã làm khi chủ động liên hệ cho tôi nghe trước. Thực ra, không chỉ có Ơi cuộc sống mến thương đâu, một số ca khúc của tôi về ngày Tết được các ca sỹ thể hiện, có người cũng làm mới bằng cách thêm một đoạn rap vào”, ông nói.

Nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện cũng nhấn mạnh, không phải ca khúc nào cũng có thể chế thêm lời mới mà phải tùy thuộc hoàn cảnh biểu diễn và hoàn cảnh của ca khúc ra sao. Ông chia sẻ: “Trong thời đại ngày nay, những ca khúc ra đời cách đây 30-40 năm mà được làm mới sẽ tạo sự gần gũi với công chúng hơn. Nhưng những ca khúc về đề tài kháng chiến viết theo phong cách pop thì không nên thêm lời mới, nhất là thêm lời rap thì càng không nên. Vì điều đó có thể phá hỏng tinh thần của ca khúc nếu ca sỹ không thực sự hiểu bài hát”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.