Giao thông

Tranh cãi đặt ga ngầm cạnh Hồ Gươm

20/11/2018, 06:30

Trong khi chờ Bộ VH, TT&DL đưa ra ý kiến chính thức về việc có đồng thuận hay không đối với vị trí...

1

Vị trí xây ga ngầm C9 (tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) trên tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, cách Tháp Bút khoảng 36m, Hồ Gươm khoảng 10m. Ảnh: Khánh Linh

Đặt cạnh Tháp Bút là “có vấn đề”

Ngày 19/11, tại cuộc tọa đàm quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm Hồ Gươm (ga C9) thuộc Dự án xây dựng đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Hà Nội) do Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN tổ chức, tiếp tục có các ý kiến trái chiều về vị trí nhạy cảm này.

Ông Phạm Thế Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư VN cho rằng, đến thời điểm này, việc quy hoạch, xác định hướng đi của tuyến đường sắt trên đã xong nên ủng hộ việc đặt ga đường sắt ở khu vực Hồ Gươm. Tuy nhiên, ông Tùng cũng cho rằng không thể đặt sát gần Tháp Bút như đề xuất hiện nay. Khi tàu điện ngầm hoạt động sẽ gây chấn động, ảnh hưởng đến kết cấu của di sản, trong khi di sản chỉ toàn gỗ, đá, rất mong manh. Nếu có chấn động nữa thì có vấn đề.

“Hồ Gươm khác với di sản khác, mang cả không gian mở, không gian công cộng, có thể biểu diễn nghệ thuật, vẽ tranh. Đây không phải di sản chết, để thờ cúng nên mức độ đối xử phải khác. Tôi ủng hộ đặt nhà ga ở khu vực này, nhưng đặt ngay cạnh Tháp Bút là có vấn đề. Chúng ta có thể chuyển được chỗ khác, như khu vực điện lực Hà Nội. Nếu hướng tuyến không ảnh hưởng đến thời gian và kinh tế, có thể nắn được đến vườn hoa Lý Công Uẩn”, ông Tùng nói và cho rằng, những ý kiến bàn về tâm linh, long mạch cũng cần được bàn thảo.

Ông Đỗ Hoàng Ân, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, do ga C9 không phải là ga đầu mối nên có thể tính đến việc căn chỉnh kích cỡ ga gọn lại, ít ảnh hưởng đến ranh giới vùng bảo vệ di sản văn hóa hơn. “Cơ quan liên quan nên xem xét ý kiến của các ngành, nhà khoa học. Vị trí ga C9 tương đối hợp lý nhưng vẫn nên xem xét lại. Nếu cần thiết vẫn phải nghĩ đến vị trí khác, như vườn hoa Lý Thái Tổ để có cửa lên xuống ga phù hợp”, ông Ân nói.

Trong khi đó, luồng ý kiến khác tuy đồng tình với vị trí đặt ga ngầm C9 nhưng lại lo lắng về mức độ an toàn, ảnh hưởng khi ga đi vào hoạt động. “Nhà ga C9 không phải là ga trung chuyển giữa các tuyến mà là ga thời vụ, cuối tuần tập trung dân cư ở quảng trường, tổ chức các hoạt động đông người. Cửa số 3 (hướng đi ra hồ) của nhà ga nằm ngay trên thân chính của ga, tư vấn phải giải trình thêm về tác động rung, lắc. Xây dựng ga C9 là cần thiết, nhưng chọn cửa số 3 ở địa điểm khác được không?”, bà Trần Thị Lan Anh, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng nêu vấn đề.

TS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội cũng bày tỏ băn khoăn cho rằng, giải pháp về kiến trúc của các lối lên xuống nhà ga, đặc biệt là lối số 3 và 4 không phù hợp, phá vỡ cảnh quan không gian khu vực. “Tôi tin tưởng các giải pháp kỹ thuật thi công an toàn, bảo vệ được di sản, nhưng phải làm sao đánh giá được tác động môi trường. Không thể nói trước đây đã tính đến giải pháp nếu xâm hại đến môi trường sẽ có giải pháp”, ông Nghiêm nói.

2

Phối cảnh cửa số 3 trong 4 cửa lên xuống của ga ngầm C9

Từng có 7 phương án đặt ga

Ông Nguyễn Đồng Tiến, Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng, đơn vị tư vấn dự án cũng cần làm rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng để chứng minh mức độ rung lắc, tiếng ồn của ga nằm trong giới hạn cho phép. “Các tranh luận về việc vị trí nhà ga C9 là sự thể hiện trách nhiệm của các cơ quan, nhà khoa học với công trình của đất nước, Thủ đô. Tuy vậy, dư luận trái chiều đã nhiều rồi, nhà hoạch định chính sách cũng nên quyết định vì thời gian công trình đã kéo dài”, ông Tiến đề xuất.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, trước đây đã có khá nhiều hội thảo về bàn về vị trí ga C9 và vấn đề này không chỉ các nhà khoa học mà nhiều Ủy ban của Quốc hội cũng quan tâm. Vì vậy, hội tổ chức tọa đàm nhằm tiếp tục lấy ý kiến chính thức để kiến nghị gửi các bộ, ngành và Chính phủ.

Liên quan đến vị trí đặt nhà ga, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội thông tin, năm 2011 trong giai đoạn triển khai quy hoạch chi tiết, đơn vị này và tư vấn đã nghiên cứu xem xét 7 phương án vị trí ga C9 gắn với hướng tuyến đường hầm đi qua khu vực Hồ Gươm, trong đó 3 phương án đi theo phía Tây hồ (phía đường Lê Thái Tổ) và 4 phương án phía Đông (đường Đinh Tiên Hoàng).

“Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã nghiên cứu nhiều phương án đặt ga C9, trong quá trình đó lấy ý kiến bộ, ngành, đối tượng bị ảnh hưởng. Phương án bố trí ga C9 như hiện nay có nhiều ưu điểm như không ảnh hưởng vùng bảo vệ I của di tích Hồ Gươm, Tháp Bút, có đủ không gian bố trí các công trình phụ trợ, không phải GPMB, mang tính khải thi cao nhất được đề xuất lựa chọn và đã được các bộ, ngành, các cơ quan liên quan thống nhất, chấp thuận”, ông Minh cho biết.

Tuy nhiên, theo đại diện Ban Quản lý dự án, do vị trí ga C9 thuộc khu bảo vệ II của di tích văn hóa quốc gia nên vẫn phải chờ Bộ VH, TT&DL quyết định.

Tháng 8/2018, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, ga ngầm C9 “không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm Thủ đô”. Sau đó, tháng 10/2018, UBND TP Hà Nội có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại các ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; chấp thuận và chỉ đạo Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL tiếp tục xem xét có văn bản đồng ý với quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm liên quan tại khu vực hồ Hoàn Kiếm để dự án được tiếp tục triển khai.

Tuyến đường sắt đố thị số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) được nghiên cứu từ năm 2004 và được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2008. Toàn tuyến dài 11,5km, từ khu đô thị Nam Thăng Long đến phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du).

Tuyến gồm 2,6km đi trên cao và 8,9km đi ngầm; có 10 nhà ga, với 3 ga trên cao và 7 ga đi ngầm và khu Depot rộng 17,5ha tại phương Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm. Ga C9 là ga ngầm được đề xuất quy hoạch nằm bên dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần vỉa hè khu vực trụ sở Điện lực Hà Nội. Ga nằm dưới lòng đất sâu 25m, dài 150m, rộng 21m, cách Tháp Bút khoảng 36m, bờ Hồ Gươm khoảng 10m, có phần nằm trong khuôn viên vườn hoa Bờ Hồ thuộc Khu vực bảo vệ II của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Gươm.

Đến nay 9 ga và đoạn tuyến trên cao đã được phê duyệt và đang tiến hành GPMB, chỉ còn ga ngầm C9 đang chờ phê duyệt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.